Những người đem cả gia tài 'đổ xuống biển'

15/08/2021 06:26 GMT+7

Ba năm nay, anh Chiến Lê cùng những anh em ở Trung tâm cứu hộ sinh vật biển SASA bỏ tiền túi, thời gian để cứu hộ sinh vật biển và tái tạo rạn san hô ở Sơn Trà, Đà Nẵng . Họ gắn kết nhau bởi tình yêu biển.

 

Từ chú cá heo SASA dạt vào bờ

Năm 2009, anh Chiến Lê về Đà Nẵng làm việc, được cộng tác với một số chuyên gia hàng đầu về rạn san hô và phục hồi môi trường sống ở biển. Kiến thức sâu rộng và sự tận tụy của họ đã thúc đẩy anh lựa chọn dấn thân bảo tồn biển.
Năm 2017, anh cùng các bạn yêu biển lập một nhóm dọn rác ở bãi biển, tập huấn bơi lội. Đến tháng 6.2018, anh tình cờ nghe tin báo một chú cá heo bị thương mắc cạn gần bãi biển Mỹ Khê. Để sơ cứu, cả nhóm đưa chú cá heo xuống nước và suốt 12 giờ, 8 người thay phiên giữ đầu cá heo trên mặt nước để chú có thể thở được trong khi chờ đội cứu hộ chuyên nghiệp đến và chuyển tới cơ sở chăm sóc. Chú cá heo được đặt tên SASA. Sau 4 - 5 ngày, tình trạng được cải thiện nhưng do vết thương trầm trọng, vài ngày sau, SASA không qua khỏi. “Người cứu hộ cũng giống như bác sĩ, lập tức sẽ có sự kết nối với sinh vật mình cứu, với SASA đó là một kết nối xúc động”, anh Chiến Lê nhớ lại.
SASA đến với nhóm như một “cú hích mạnh” khiến anh Chiến Lê cùng cả nhóm ngồi lại với nhau vì không ai bảo ai, tất cả đều muốn làm một điều gì đó xa hơn, bền vững hơn cho những sinh vật biển không may như SASA.
Để chủ động cứu hộ sinh vật biển, cả nhóm lao vào học hỏi thêm. Khi đã phần nào tự tin với những “công cụ” trong tay, cả nhóm lập fanpage “Trung tâm Cứu hộ Sinh vật biển SASA”, phổ biến số hotline để mọi người gọi khi phát hiện sinh vật biển gặp nạn. Chỉ trong 1 tháng, nhóm đã tiếp nhận 6 - 8 trường hợp rùa biển và 10 trường hợp cá heo trong một khu vực hẹp từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Lượng công việc quá lớn nên nhóm phải cắm trại ở lại biển, có khi ngâm mình dưới nước 3 - 4 ngày liên tục để cứu hộ.
Những người đem cả gia tài 'đổ xuống biển'1

Rùa biển Wonder ngày được thả về biển ở Sơn Trà

Anh Chiến Lê cho biết thành viên ở trung tâm là những người thuộc đủ ngành nghề: kỹ sư, bác sĩ, thú y, cơ khí, kế toán, bồi bàn... đều giống nhau ở chỗ sẵn sàng, tự nguyện dành thời gian, tiền bạc để mong cứu kịp thời những sinh vật biển hay đơn giản hơn là mong ước giới thiệu vẻ đẹp và kiến thức về biển đến thêm một vài người. Có những thành viên dành 6 tháng làm việc miệt mài ở thành phố lớn, dành dụm tài chính rồi về Đà Nẵng dành trọn 6 tháng “chìm đắm” với biển, cặm cụi làm việc ngoài biển từ sáng sớm đến tối mịt.

Rùa biển Wonder trở về đại dương

Khu vực bãi biển Mân Thái nép mình bên chân núi Sơn Trà là nơi trung tâm chọn làm bể dưỡng thương dã chiến để chăm sóc rùa. Đầu tháng 5.2021, trung tâm nhận được cuộc gọi từ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm về một trường hợp bé rùa xanh bị cá mập tấn công, thật hy hữu khi bé thoát khỏi hàm răng cá mập, dù hai chi sau và phần mai bị tổn thương rất nặng. Nhóm đặt tên cho bé là Wonder.
Ảnh chụp X-quang cho thấy vết thương trên cơ thể không quá lo ngại nhưng trong bụng Wonder lại có nhiều rác thải nhựa, từ giấy gói kẹo, ni lông cho tới cước, lưới. Các loại rác này nếu không lấy ra kịp thời sẽ dễ dàng tước đi sự sống của nó.
Sau 2 ngày được chăm sóc, Wonder đã chịu ăn rau. Khi sức khỏe của bé rùa tiến triển tốt, nhóm tiến hành bước tái tập tính trước khi thả về môi trường tự nhiên. Bé rùa xanh đã trải qua một chặng đường vô cùng gian nan để sinh tồn đã khẳng định vẻ đẹp của thiên nhiên: tàn khốc nhưng kỳ diệu. Theo anh Chiến Lê, cái tên Wonder lấy cảm hứng từ nhân vật siêu anh hùng Wonder Woman và sự kiên cường cùng bản năng sinh tồn mạnh mẽ của bé truyền cảm hứng rất lớn với nhóm.
“Vậy là Wonder đã về lại với đại dương, được nhìn ngắm bé bơi lặn tự do thật sự là một cảm giác bình yên đến khó tả”, anh Chiến Lê chia sẻ niềm xúc động khi chia tay người bạn nhỏ về biển cả.
Để cứu hộ một sinh vật biển theo chuẩn quốc tế thì cần có 5 bước, phức tạp và tốn kém, khoảng 300 triệu đồng. Qua 3 năm bỏ tiền túi để cứu hộ, dù đã “tiết kiệm hết nấc”, nhưng không khó để nhẩm tính gia tài tiền tỉ cả nhóm đã đổ vào biển.
Những người đem cả gia tài 'đổ xuống biển'2

Hoạt động tái tạo san hô từ những mảnh vỡ

Tái tạo san hô và giải phóng lưới ma

Anh Chiến Lê luôn tha thiết và dành nhiều tâm huyết bảo vệ, nhân rộng, tái tạo những rạn san hô, bởi theo anh đó là cách bền vững nhất để bảo vệ sự kỳ diệu của biển. San hô là nơi cư trú của sinh vật biển, là kho dược liệu, hệ sinh thái có năng suất cao nhất, quyết định đến nghề cá của ngư dân, tuy nhiên đang bị tàn phá với tốc độ chóng mặt.
Công việc của nhóm là làm sạch rạn san hô dọc bãi biển, dưới đáy biển và tái tạo những rạn bị tổn hại. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ để tìm nhặt các mảnh san hô khỏe mạnh bị vỡ dưới đáy biển sâu, nuôi dưỡng trong các vườn ươm rồi trồng lên các rạn san hô đã chết.
Chăm chút, chắt chiu mấy tháng trời, nhưng chỉ một người đi chơi biển giẫm đạp hay bị vướng một tấm lưới ma là đi tong nỗ lực trong cả tháng trời. Yếu tố tác động trực tiếp đến rạn san hô là rác thải nhựa và thiết bị câu cá bị bỏ rơi hoặc trôi dạt và kẹt dưới đáy biển. Để dọn sạch rạn san hô này, phải làm sạch rác trên bờ và dưới nước, công việc dầm mình dưới nước nhiều tiếng đồng hồ, lặn ở độ sâu 8 - 10 m cực kỳ nguy hiểm và đòi hỏi kỹ năng cao.
Có những ngày đi biển về, anh Chiến Lê buồn đến bỏ ăn khi thấy cả chuỗi thức ăn biển bị bẻ gãy: “Nếu đại dương, vốn là nguồn sống của con người, chết đi thì làm sao con người có thể tồn tại?”.
Bù lại là những ngày biển vỗ về cả nhóm bởi những tin vui từ rạn san hô mới nuôi trồng, các loài sinh vật biển thú vị hay gửi những thông điệp về đại dương đến với mọi người để biển càng trở nên gần gũi hơn. Được người bạn tặng máy ảnh, anh ghi lại những khoảnh khắc vô giá về một rạn san hô đẹp, một tia sáng lọt dưới đáy biển lấp lánh hay một đàn cá sắc màu vây quanh... Anh Chiến Lê mới đón con trai đầu lòng, thêm một lý do mạnh mẽ để ông bố trẻ miệt mài giữ gìn cho thế hệ sau, để chàng trai của anh lớn lên, được ngụp lặn trong vẻ đẹp của biển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.