Những người miền Tây kiếm tiền giữa… lưng chừng trời

14/10/2022 12:41 GMT+7

Hái cau thuê có thể đem lại thu nhập khá nhưng những người mưu sinh bằng nghề này phải đối diện với nhiều hiểm nguy rình rập.

Từ khi mô hình nông nghiệp trồng xen canh khóm, cau, dừa phát triển ở H.Châu Thành (Kiên Giang) thì nghề hái cau thuê cũng ra đời, tạo sinh kế cho người dân địa phương, nhất là lớp thanh niên, trung niên. Nhờ đó, ít ai phải ly hương xa quê để mưu sinh kiếm sống như nhiều làng quê khác.

‘Cao thủ’ hái cau

Với thâm niên 20 trong nghề, ông Tài Minh Tới (41 tuổi, ngụ xã Bình An, H.Châu Thành, Kiên Giang) được mệnh danh là “cao thủ” hái cau. Dáng người rắn chắc, nước da đen sạm và đôi bàn tay hằn những vết chai, ông Tới sở hữu “tuyệt kỹ” hái cau thuộc hàng thượng thừa, chẳng khác nghệ sĩ biểu diễn xiếc.

Với 20 năm trong nghề, ông Tới được xem là “cao thủ” hái cau

DUY TÂN

Dụng cụ hái cau của ông Tài chỉ gồm cây dao Thái kẹp ở chiếc nón kết cùng đôi giày thể thao và dây nài. Với dây nài đeo ở chân, trong tích tắc, ông đã trèo lên đọt cây cau cao vút. Bằng động tác nhanh nhẹn, tay bám chặt thân cau, chân đẩy phần thân lên, anh đã lên thấu ngọn cây. Sau đó, dùng dao cắt phăng các buồng cau, rồi đung đưa chuyền từ đọt cau này sang đọt khác để bẻ buồng cau. Sau đó tuột xuống như diễn xiếc. Cả quá trình hái và tuột xuống diễn ra trong vài chục giây.

Chỉ trong vài chục giây, ông Tới đã leo tới đọt cây cau cao hàng chục mét và tuột xuống nhanh chóng

DUY TÂN

“Cau thường được trồng gần sát nhau, mỗi cây cách nhau chừng 2 m. Khi leo lên, đọt cây đung đưa, tôi có thể với tay chuyền từ đọt này sang đọt khác một cách dễ dàng để hái trái”, ông Tới nói.

Theo ông Tới, nghề này làm mỗi ngày. Tuy nhiên, đắt sô nhất vào độ khoảng tháng 3 đến tháng 4, lúc cau vào vụ, cho trái rộ. Có 2 cách bẻ cau, dùng sào hái và leo hái trực tiếp. Tuy nhiên, leo trực tiếp thì hái nhanh nên thu nhập nhiều hơn.

Trong nửa ngày, ông Tới có thể hái được 1 tấn cau

DUY TÂN

Thông thường, ông Tới nhận bẻ cao thông qua các thương lái. Mỗi ngày, ông bẻ bẻ từ 6 giờ 30 đến 11 giờ. Đặc biệt, khác với những nhóm hái cau thường đi từng tốp 3 - 4 người, ông Tới chỉ hoạt động một mình, nhưng sức hái lại rất “khủng”, mỗi ngày từ 500 kg đến trên 1 tấn. Nhờ đó, ông có thu nhập từ 2 - 4 triệu đồng/ngày.

“Gia đình có vườn cau mấy công, tôi tranh thủ hái trước sau đó đi hái thuê cho tại các vườn ở địa phương. Thường thì hái 1 kg cau được trả công 3.000 đồng. Mỗi ngày hái 1 tấn tôi kiếm được 3 triệu đồng, cao hơn nhiều nghề khác rồi”, ông Tới phấn khởi cho biết.

Thao tác tuột từ đọt cau xuống đất như biểu diễn xiếc

duy tÂN

Những vết chai sần trên bàn tay của ông Tới

DUY TÂN

Ông Nguyễn Văn Chiến (46 tuổi, ngụ xã Bình An), thương lái mua cau, cho biết mỗi ngày ông đến các vườn trên địa bàn mua từ 4 - 6 tấn cau. Vùng đất này có 2 cách hái cau, leo hái và dùng cây sào hái. Cau hiện được mua với giá 70.000 đồng/kg. Sau khi mua sẽ đóng thùng, chuyển ra bán ở Thanh Hóa và xuất sang Trung Quốc.

Đối mặt nhiều nguy hiểm

Thu nhập khấm khá là vậy nhưng theo ông Tới hái cau là nghề ‘mưu sinh trên lưng chừng trời’, phải đối mặt nhiều nguy hiểm. Chỉ cần sơ suất một chút dẫn đến hụt tay, sút chân là nguy hiểm tính mạng. Bên cạnh đó còn phải cẩn thận với những rủi ro khác thường xuyên rình rập như: rắn, rết, ong, kiến…

Ông Tới có thể chuyền từ đọt cau này sang đọt khác để hái trái

DUY TÂN

Theo ông Tới, điểm khó đầu tiên khi leo hái cau là thân cây có đường kính nhỏ. Càng lên cao, thân cây càng nhỏ, chỉ cần khẽ vươn người là bị chao đảo… Do đó, người leo phải giữ mình chắc chắn, vươn tay cắt buồng cau cũng phải cẩn thận, bởi cây thấp nhất cũng 7 - 8 m, cao nhất từ 10 - 15 m.

“Thường cây cau còn non phần thân còn đoạn xanh khi leo trơn trượt rất khó. Trèo cau trong những ngày mưa, thân cau trơn trượt rất dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc. Bản thân tôi cũng một lần thoát chết khi ngã từ độ cao 7 m, may mắn là ngã xuống mương nước nên không sao”, ông Tới kể.

Những buồng cau được cắt xuống nhanh chóng

DUY TÂN

Ngoài kỹ thuật, cần có sự dẻo dai để theo nghề

DUY TÂN

Ông Huỳnh Phước Liên (42 tuổi, ngụ xã Bình An) cho biết, nhóm hái cau của ông gồm 3 người. Đối với những cây thấp, nhóm dùng sào để hái, một người đứng dùng vải hứng. Những cây cao thì các thành viên thay phiên nhau leo hái.

Có thể có thể dùng sào hái cau

DUY TÂN

Những xuồng cau được chuyển vào để cân cho thương lái

DUY TÂN

“Mỗi ngày, nhóm làm nữa buổi cũng hái được vài trăm ký đến 1 tấn trái, thu nhập khoảng 3 triệu đồng chia đều cho 3 người. Riêng anh Tới được xem là cao thủ hái cau ở vùng này, bởi một mình anh hái nhiều bằng 3 chúng tôi”, ông Liên chia sẻ.

Thương lái đến tận vườn mua cau

DUY TÂN

Cũng theo ông Liên, mưu sinh bằng nghề hái cau cũng mau bị bòn sức. Độ tuổi dẻo dai theo nghề này là từ 20 - 40; còn những người lớn tuổi, không còn đủ sức để leo thì chuyển sang hái bằng sào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.