Họ là thành viên Đội tuần tra - kiểm soát thuộc Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, đều có chung niềm tự hào là công dân của khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Ông Lê Vĩnh Thuận, Phó giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, cho biết 12 thành viên của Đội tuần tra - kiểm soát tuổi tầm 30, đều là thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra và lớn lên trên đảo, nên bơi lặn rất thuần thục. Họ đều có chứng chỉ lặn được cấp bởi Hiệp hội lặn biển (PADI) dành cho các cấp độ từ Open Diving Water (18 m), Advanced Diving Water (30 m) định hướng và xử lý các tình huống dưới nước, Rescue Diving Water ở độ sâu hơn 30 m có thể xử lý cứu nạn, cứu hộ dưới đáy biển.
LẶN VÀ LÀM VIỆC HÀNG GIỜ Ở CÁC VƯỜN ƯƠM SAN HÔ
Thành viên đầu tiên chúng tôi gặp ở Đội tuần tra - kiểm soát là Nguyễn Thị Hồng Thúy (29 tuổi), cô gái duy nhất của đội, nhưng tinh thần làm việc và khả năng vượt qua các áp lực công việc dưới nước không thua gì nam giới. Thúy tốt nghiệp đại học ngành quản lý nguồn lợi thủy sản, với mong muốn gắn bó với biển, đảo nơi mình sinh ra.
Chứng chỉ lặn biển quốc tế 18 m của Thúy cho cô tự tin đi cùng đồng đội tới khắp các đảo, lặn và làm việc hàng giờ ở các vườn ươm san hô, vùng phục hồi san hô dưới độ sâu hơn 7 - 10 m. Vì là nữ nên nhiệm vụ của Thúy có phần nhẹ nhàng hơn, đó là giám sát tốc độ sinh trưởng và phục hồi của các rạn san hô cũng như các hệ sinh thái biển, ghi chép và xử lý số liệu giám sát đa dạng sinh học, xử lý sao biển gai (loài thiên địch của san hô), vệ sinh đáy biển... Ngoài ra, Thúy còn cùng đồng đội lặn xuống đáy biển để đánh dấu ranh giới các phân vùng chức năng bảo tồn biển (vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái, vùng dịch vụ hành chính/du lịch).
Một thành viên của đội cũng gây ấn tượng về sự chuyên nghiệp và tận tụy là Nguyễn Tấn Lương (29 tuổi), thế hệ thứ 3 sinh ra trên đảo. Bằng kỹ năng thuần thục và chuyên nghiệp, Lương chuẩn bị cho tôi đầy đủ mặt nạ, áo lặn, áo điều phối khí, bình dưỡng khí có thể lặn hơn 45 phút dưới nước để xem các chuyên gia làm việc.
Trong đội, đạt kỹ năng lặn ở cấp độ Advanced Diving Water cùng với Lương còn có Nguyễn Minh Toàn (31 tuổi), những người "bạn đồng hành" ở độ sâu 30 m để khoan đóng mốc và cắm phao phân vùng nghiêm ngặt, bảo dưỡng hệ thống phao phân vùng. Làm việc ở khu vực này, ngoài thể lực và kỹ thuật, họ còn cần kinh nghiệm và sự am hiểu vùng biển, cũng là lợi thế chung của toàn đội vì họ đều sinh ra ở đảo.
GIỮ GÌN ĐA DẠNG SINH HỌC CHO ĐỜI SAU
Đây là mong muốn chung của những "vệ binh" giữ đảo. Nếu ở đất liền, giá trị công việc của người trẻ thường được quy chiếu bằng thu nhập, thì ở đảo điều đó chỉ là một phần nhỏ. "Dù công việc rất đặc thù, khá vất vả mà thu nhập cũng chỉ ở mức trung bình, nhưng tôi chưa thấy ai trong chúng tôi nghĩ đến chuyện thay đổi công việc và rời đảo. Không chỉ là niềm đam mê với bơi lặn, với công việc dưới nước, với đa dạng sinh học Cù Lao Chàm, mà với chúng tôi đó còn là niềm tự hào, là trách nhiệm với quê hương, với môi trường sống nơi mình sinh ra và lớn lên, nơi có gia đình và những người thân yêu của mình", Nguyễn Minh Toàn tâm sự.
Cũng vì yêu nên ngoài nỗ lực gìn giữ và bảo tồn biển, những thanh niên "vệ binh" của đảo cũng luôn trăn trở, tìm cách để đảm bảo sinh kế cho người dân, giảm áp lực khai thác, đánh bắt thủy hải sản.
"Chỉ có bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các hệ sinh thái đặc hữu thật tốt mới giúp Cù Lao Chàm trở thành một điểm đến du lịch khác biệt, thân thiện so với những nơi khác trong mắt du khách. Chúng tôi rất cần một nghiên cứu đánh giá về sức chịu tải của các hệ sinh thái, cả về phương tiện di chuyển lẫn khả năng phục vụ lưu trú, ẩm thực… để có thể đảm bảo hài hòa, giảm thấp nhất xung đột giữa bảo tồn và phát triển", Nguyễn Thị Hồng Thúy tâm tư.
Trong số những thành viên Đội tuần tra - kiểm soát mà tôi gặp, có một người khá đặc biệt, thường đảm nhận những phần việc về kỹ thuật biển, dẫn đường và xử lý cứu hộ ở độ sâu hơn 30 m theo tiêu chuẩn Rescue Diving Water. Đó là Nguyễn Văn Phong (32 tuổi), thành viên cốt cán của đội, người thường xuyên có những trải nghiệm tuyệt vời nhất ở các hệ sinh thái nơi đây, đặc biệt là những loài san hô xanh, san hô đỏ quý hiếm. Đó cũng là động lực để Phong và toàn đội nỗ lực hết mình vì sinh thái biển thông qua công việc bảo tồn.
"Chúng tôi mong muốn được tiếp nối nhau trong công việc bảo tồn, giữ gìn không chỉ riêng san hô mà các hệ sinh thái khác nữa, không để khai thác bừa bãi, mất giá trị dự trữ sinh quyển của Cù Lao Chàm. Giá trị này không thể ngày một ngày hai mà có được. Đó là giá trị trường tồn và bền vững của đa dạng sinh học dành cho cả đời sau", Phong chia sẻ.
Bình luận (0)