Người Quảng Nam trong lịch sử vốn được coi như đi đầu trong các trào lưu duy tân, đổi mới. Các nhà nghiên cứu lịch sử đã khá thống nhất khi nói rằng nhờ tiếp xúc với các nền văn minh đa dạng ngoài Đại Việt mà người Đàng Trong đã thấy ra không phải chỉ có văn hóa phong kiến Khổng Nho là chi phối, là thượng đẳng, là duy nhất trong cuộc sống mà quanh ta còn có những nền văn hóa, văn minh khác. Như văn minh Champa, kể từ sau mối duyên tình Huyền Trân lại có nhiều thành tựu rực rỡ về hàng hải, giao thương, nông nghiệp, nghệ thuật điêu khắc… Rồi cửa ngõ cảng thị Hội An với các thuyền buôn, giáo sĩ phương Tây, Nhật Bản - đặc biệt là nguồn Tân thư phong phú đã giúp cho tầng lớp sĩ phu tiếp cận các tư tưởng dân chủ, các phương thức tổ chức xã hội, khoa học…
Chính những mối giao lưu rộng mở đã tạo nên sự tiếp thu văn hóa đa dạng. Các thế hệ đã rất bản lĩnh trong tiến trình tiếp thu - dung hóa - thể hiện để chọn lọc những gì phù hợp đem ra canh tân xứ sở. Tư tưởng từ các Tân thư không chỉ đến với các bậc tiên giác mà ở Quảng Nam, nó đã lan tỏa đến các nhà thực hành Duy Tân như đã nói.
Cũng cần thấy rằng, chính chính sách của các chúa Nguyễn khi thoát ly những ràng buộc văn hóa, kinh tế, xã hội phong kiến hậu Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài đã tạo ra một bàn đạp đa dạng cho các tiến trình phủ nhận sự độc tôn văn hóa cũ để mạnh mẽ đi vào những thay đổi mang tính nền tảng sau này…
|
Các nghiên cứu về chí sĩ Lê Cơ cho thấy ông đã độc lập mang những ý tưởng của Tân thư ứng dụng ở làng Phú Lâm khi bị buộc phải ra làm lý trưởng. Khi phong trào Duy Tân phát triển với vai trò đầu tàu của Phan Châu Trinh (nhỏ hơn ông 2 tuổi và là anh em cô cậu) thì Lê Cơ mặc nhiên được coi như nhà thực hành Duy Tân. Trong quá trình đó, mô hình làng Phú Lâm luôn là một hình mẫu để các nhà Duy Tân bổ sung, phát triển lý thuyết của mình… Vai trò của Lê Cơ, trong chừng mực nào đó, giúp ta nghĩ đến vai trò của Tiểu La Nguyễn Thành trong phong trào Đông Du và ngược lại.
Trở lại với Tân thư, từ thế kỷ 19, phong trào Tân Văn học rồi Công Dương học ở Trung Quốc tìm cách truy tìm những ý tưởng mới trong các tác phẩm cổ điển để đổi mới đất nước về tổ chức xã hội, chính trị, văn hóa, kinh tế và cả nông nghiệp... đã thất bại. Sau đó, có sự xuất hiện của Khang Hữu Vi với Đại đồng thư (1897), tiếp theo là Lương Khải Siêu, Nghiêm Phục. Ảnh hưởng thành công canh tân ở Nhật giai đoạn Minh Trị đã thu hút đến 15.000 sinh viên Trung Quốc sang du học từ năm 1906. Sách Tân thư của Nghiêm Phục nhờ tiếp xúc với các học giả, nhà khoa học phương Tây như Darwin, Spencer, Huxley, Stuart Mill và đặc biệt là Tinh thần luật pháp của Montesquieu... đã có ảnh hưởng và được lưu truyền ở Việt Nam qua 2 cửa ngõ Hội An và Chợ Lớn. Các hiệu sách người Hoa ở 2 nơi này đã cung cấp sách báo cho các nhà nho học tiến bộ Việt Nam cho đến những năm 20 của thế kỷ 20.
Nhà “Hội An học” Nguyễn Bội Liên lúc sinh thời từng kể với chúng tôi, đến những năm trước Cách mạng Tháng Tám 1945, vài hiệu sách ở Hội An còn giữ được những bài viết về “Tam dân chủ nghĩa” của Tôn Trung Sơn. Cố nhà văn Đào Hùng, con trai của học giả Đào Duy Anh, trong một hội thảo khoa học tại Quảng Nam đã xác quyết: Các nhà Duy Tân Việt Nam, Quảng Nam tuy đọc Tân thư nhưng không bao giờ sao chép y nguyên. Họ chỉ thông qua Tân thư để biết tình hình chính trị, tư tưởng thế giới, phân tích những nguyên nhân thất bại cải cách ở Trung Quốc lục địa. Tân thư mở một cửa sổ nhìn ra ngoài với họ và tạo ra một cảm hứng trong cuộc đấu tranh mới. Và tại hội thảo khoa học về Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng hồi tháng 9.1992, GS Hồ Song gọi họ là những nhà “tiên giác”. Nhờ đó, công cuộc Duy Tân và Đông Du đã có ảnh hưởng to lớn ở Quảng Nam và lan ra khắp nước trong thế kỷ trước.
Cũng cần nói thêm, những ghi chép, điều trần của Phạm Phú Thứ sau những chuyến Tây hành tuy không được nhà Nguyễn tiếp nhận vẫn được các nhà Duy Tân nghiên cứu thấu đáo…
Bình luận (0)