Hoa khôi, thạc sĩ Huỳnh Thúy Vi
Nữ giảng viên "xinh như mộng" Huỳnh Thúy Vi (29 tuổi) hiện đang công tác tại Trường ĐH Tây Đô. Nổi tiếng xinh đẹp từ ngày học phổ thông, khi là sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, Thúy Vi đạt danh hiệu hoa khôi của trường. Sau đó, cô thi Hoa hậu Việt Nam năm 2016 và lọt vào top 30. Vi trở thành đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi Hoa hậu châu Á-Thái Bình Dương năm 2018 và giành á quân 1 phần thi trang phục truyền thống. Năm 2019, Thúy Vi cũng là hoa khôi cuộc thi Người đẹp du lịch Cần Thơ.
"Xinh như mộng" là hình ảnh của hoa khôi - thạc sĩ Huỳnh Thúy Vi |
nvcc |
Tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng, Thúy Vi có 5 năm làm việc ở ngân hàng HDBank, sau đó học thạc sĩ tại Trường ĐH Tây Đô và nhận bằng năm 26 tuổi. Thế nhưng do tiếp xúc nhiều với truyền thông, nên cô hoa khôi này thấy yêu thích và quyết định "nên duyên" với lĩnh vực truyền thông đa phương tiện. Học xong cao học, cô được Trường ĐH Tây Đô giữ lại làm giảng viên khoa xã hội nhân văn và truyền thông. Ngoài ra, nữ giảng viên còn là Đại sứ du lịch Cần Thơ, đại diện hình ảnh của Liên hoan đờn ca tài tử quốc gia...
Chia sẻ với PV Thanh Niên, Thúy Vi cho biết: "Ngoại hình cũng là một lợi thế khi đi dạy, giúp tôi có thể thu hút sự chú ý của sinh viên hơn. Tuy nhiên, nó chỉ là ấn tượng ban đầu, mấu chốt của một giảng viên vẫn là kiến thức và cách truyền tải kiến thức, nên tôi luôn nỗ lực để mỗi tiết học đều mang lại hiệu quả lớn nhất. Tôi xem sinh viên như bạn bè mình nên rất gần gũi, chia sẻ mọi chuyện từ học tập đến công việc, cuộc sống. Nhiều bạn còn nhờ tôi 'gỡ rối' chuyện tình cảm".
Cô phó khoa khiến nam sinh "thương thầm"
Thạc sĩ Phạm Thị Thùy Linh không chỉ xinh đẹp mà còn tài giỏi đến mức... được là phó khoa khoa ngôn ngữ văn hoá quốc tế, kiêm trưởng ngành ngôn ngữ Hàn Quốc của Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM dù mới 32 tuổi. Linh hiện đang học lên tiến sĩ.
Linh tốt nghiệp cao học tại ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), chuyên ngành giáo dục tiếng Hàn. Hiện cô dạy tất cả các môn liên quan đến văn hóa và ngôn ngữ Hàn như kỹ năng nghe, nói, đọc viết tiếng Hàn, quan hệ Việt Hàn, văn hóa xã hội Hàn...
"Hồi mới đi dạy, tôi toàn "bị" các sinh viên nam gọi bằng em. Các bạn còn "mượn" tiếng Hàn để trêu cô. Tuy nhiên, các bạn rất ga lăng, đến giờ tôi dạy là bảng sạch bóng, ghế ngăn nắp và chuẩn bị cả kẹo trên bàn do thỉnh thoảng tôi không kịp ăn sáng bị hạ đường huyết", Linh kể.
Vì xinh đẹp và trẻ trung nên Thùy Linh toàn bị sinh viên chọc, gọi bằng em hồi mới đi dạy |
nvcc |
Có nam sinh còn luôn chọn ngồi đầu bàn để sẽ... ngắm cô. Kết thúc môn học, nam sinh này hỏi Linh: "Nếu có một người trẻ tuổi hơn cô, yêu cô và muốn chăm sóc cô thì cô có chịu không", nữ giảng viên xinh đẹp hài hước và khôn khéo trả lời "Cô sẽ rất ngưỡng mộ nếu một bạn nam nói một cách khẳng khái với cô như vậy. Cô sẽ đồng ý liền. Với điều kiện ngày mai phải tổ chức lễ cưới ngay". Lúc đó, Linh chỉ mới 24 tuổi.
Muốn thắp thêm ngọn lửa cho sinh viên
Thạc sĩ Phạm Hương Giang (31 tuổi), hiện đang là giảng viên khoa Hàn Quốc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng vô cùng cuốn hút với nụ cười duyên dáng và ngoại hình xinh đẹp.
Năm 2013, vừa tốt nghiệp ngành du lịch học của ĐH Huế, Giang được giữ lại khoa du lịch làm việc. Do yêu thích tiếng Hàn nên Giang quyết định học chuyên sâu ngôn ngữ này. Năm 2021, Giang tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành ngôn ngữ và văn học Hàn Quốc tại Hàn Quốc.
Hương Giang cho rằng ngoại hình là một lợi thế nhưng kiến thức và trách nhiệm truyền tải kiến thức, giá trị sống mới là điều tiên quyết của một giảng viên |
nvcc |
Một vẻ đẹp hút hồn |
Thời gian sinh sống và học tập tại Hàn Quốc cho Giang những mối nhân duyên gặp gỡ nhiều thầy cô tâm huyết với nghề. Giang cảm nhận được tầm quan trọng và giá trị của kiến thức trong đời sống. Cùng với đó, niềm đam mê ngôn ngữ Hàn Quốc đã dẫn dắt Giang bước vào nghề giáo. Giang mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình để thắp thêm ngọn lửa đam mê tri thức cho các thế hệ trẻ.
"Em chỉ ngồi nhìn cô"
Chắc chắn khi nhìn thấy thạc sĩ Lê Hải Yến (32 tuổi), giảng viên môn PR doanh nghiệp Trường ĐH Văn Lang, ai cũng đều muốn thốt lên "ôi xinh quá, xinh thế này thì không ai muốn nghỉ học". Thực tế còn "ghê" hơn nhiều, khi có nam sinh thổ lộ "em chả học, em chỉ ngồi nhìn cô thôi", hay "sao cô xinh thế"...
Sinh viên ngồi ngắm cô quên học là có thật |
nvcc |
Hải Yến tốt nghiệp thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh khoa Quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Trước khi làm giảng viên, Yến từng kinh doanh quán cà phê, bánh, làm quản lý dự án cho một tổ chức phi chính phủ, tham gia chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc... Chính vì thế, nữ giảng viên xinh hút hồn này có rất nhiều kinh nghiệm, kiến thức thực tế để truyền đạt cho sinh viên.
Mặc dù sinh viên thấy cô trẻ xinh hay trêu chọc, nhưng ngay từ đầu Hải Yến luôn bật "chế độ" nghiêm túc trong lớp học để cô và trò không bị xao nhãng. Chỉ khi ra khỏi lớp, "chế độ" vui vẻ, thoải mái, "xì tin", đáng yêu mới được "bật" lên.
Mưa to vẫn muốn đi học để được nhìn và nghe cô giảng
"Cô xinh đẹp quá", "cô dễ thương lắm", "Trời hôm nay mưa to mà em vẫn đi học để được nhìn và nghe cô giảng", đó là những bày tỏ của sinh viên dành cho thạc sĩ xinh đẹp Huỳnh Đoàn Phương Dung, giảng viên khoa ngoại ngữ Trường CĐ Kinh tế đối ngoại.
Mưa to cũng không nghỉ học vì tiết học của cô giáo xinh đẹp Phương Dung rất hấp dẫn |
nvcc |
Phương Dung tốt nghiệp cử nhân ngôn ngữ Anh Trường ĐH Nông lâm TP.HCM và lấy bằng thạc sĩ ngành phương pháp lý luận và giảng dạy tiếng Anh tại Trường ĐH Mở TP.HCM. Biết được lợi thế của mình là trẻ trung và xinh đẹp nhưng Phương Dung cho rằng kiến thức, phương pháp dạy mới quyết định sự hấp dẫn của một giảng viên.
"Tôi luôn tìm cách tạo không khí sôi nổi cho lớp học, tận dụng tối đa các hoạt động để kích thích sự tương tác của sinh viên như chơi trò chơi, trao đổi... Học tiếng Anh chủ yếu phải thực hành, mà nhiều sinh viên còn ngại nói nên tôi hay pha trò, tạo sự gần gũi, thoải mái để các em thấy tự tin, năng động hơn", nữ giảng viên xinh đẹp chia sẻ.
Bình luận (0)