Những thị phi lớn nhất làng game trong năm 2020

14/12/2020 08:00 GMT+7

Năm 2020 là một năm đầy biến động, đầy rẫy những thăng trầm và không kém phần thị phi. Bất chấp những bất ổn mà năm 2020 mang lại, đây cũng là một năm thần kỳ đối với cộng đồng game thủ.

Năm 2020 là một năm đầy biến động, đầy rẫy những thăng trầm và không kém phần thị phi. Không quá khi nói rằng nhiều người đang háo hức chờ đợi những ngày cuối năm trôi qua và chào đón một khởi đầu mới vào năm 2021. Tuy nhiên, bất chấp những bất ổn mà năm 2020 mang lại, đây cũng là một năm thần kỳ đối với cộng đồng game thủ.
Các tựa game tên tuổi như The Last of Us 2, Animal Crossing: New Horizons và Assassin’s Creed Valhalla kết hợp với các tựa game nhiều người chơi đột phá như Fall Guys và Among Us đã mang đến những luồng gió thú vị cho lĩnh vực game. Tuy nhiên không phải mọi thứ đều thuận buồm xuôi gió, dưới đây là tổng hợp những thị phi trong ngành game trong năm qua.

Vụ kiện giữa Apple và Epic Games

Vào tháng 8, nhà phát triển Epic Games của Fortnite đã thực hiện một bước đi táo bạo bằng cách nhúng một tùy chọn mới để mua V-Bucks - đơn vị tiền tệ được sử dụng trong game - trên phiên bản di động của tựa game. Phương thức mua bổ sung này đã bỏ qua công cụ thanh toán của Apple App Store, có nghĩa là người chơi có thể mua V-Bucks với giá rẻ hơn 20% so với trên App Store. Tuy nhiên, tính năng được bổ sung này đã trực tiếp vi phạm hợp đồng mà Epic Games đã đồng ý với Apple, dẫn đến việc Fortnite nhanh chóng bị xóa khỏi App Store.
Vụ kiện tụng vẫn đang diễn ra giữa cả hai công ty và Epic Games đã có một vài động thái nhằm vào Apple như tung một quảng cáo chế giễu một quảng cáo cũ của Apple theo đó ghi rằng “Fortnite miễn phí” với hình bóng llama cầu vồng — nhằm “cạnh khoé" đến biểu tượng quả táo cầu vồng lúc “lập quốc" của Apple.

Văn hoá “cày bừa" và những vấn đề sức khỏe của nhân viên tại các công ty game

Việc “cày bừa” làm ngoài giờ không phải là chuyện mới đối với các công ty game nói chung, nhưng vấn đề trở nên nhức nhối trong ngành game những năm gần đây.
Năm 2020 với tác động của đại dịch COVID-19 và áp lực thời gian nặng nề về tiến độ ra mắt của các tựa game lớn như The Last of Us 2 và Cyberpunk 2077 khiến tình hình càng căng thẳng hơn mặc dù công ty chủ quản của Cyberpunk 2077 cũng đã dời ngày phát hành đến 3 lần. Chính vì vậy nhân viên tại các công ty này phải làm việc ngoài giờ để hoàn thành, dẫn đến căng thẳng cao và kiệt sức.

Đồ họa của Halo Infinite trở thành trò cười

Vào tháng 7 năm 2020, Xbox Games Showcase giới thiệu một đoạn trailer của Halo Infinite, phần mới nhất của vũ trụ Halo. Sau đó mạng xã hội đã tràn lan những bài đăng chế giễu về đồ hoạ xấu xí của tựa game, thậm chí Domino’s ở Vương quốc Anh cũng đã nhiệt tình “bắt trend" với hình ảnh chiếc bánh pizza có một nửa dưới hạng hình ảnh pixel kèm dòng chữ châm biếm “thế hệ tiếp theo?”
343 Industries sau đó đã tuyên bố rằng đoạn trailer là phiên bản cũ hơn, với lý do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và hứa hẹn sẽ cải thiện đồ họa gameplay thực tế. Điều này được tiếp nối với sự trì hoãn vô thời hạn và tiết lộ gần đây rằng Halo Infinite sẽ ra mắt vào mùa thu năm 2021.

Madden NFL 21 và NBA 2K21 quá nhiều lỗi

Có giá bán lẻ 70 USD, nhưng gameplay không ổn, giống như một bản phát hành mờ nhạt, lặp đi lặp lại — đó chính là cảm nhận của nhiều người chơi về 2 tựa game này.
Mặc dù là tựa game bán chạy nhất, nhưng người hâm mộ Madden NFL 21 đã bày tỏ sự chán nản vô cùng khi game đầy lỗi, trục trặc và thiếu các tính năng chính từ các phần trước. NBA 2K21 cũng gặp phải vấn đề tương tự khi người chơi phàn nàn về giao diện của một số nhân vật, quảng cáo không thể bỏ qua và vô số lỗi và vấn đề kỹ thuật.

SNK vấp phải phản đối khi bán cổ phần cho Ả-rập Xê-út 

SNK là công ty game của Nhật Bản được biết đến với hệ thống trò chơi Neo Geo, gần đây đã nhận được rất nhiều ý kiến tiêu cực về cổ đông mới nhất của mình - Electronic Gaming Development Company, hay EGDC. Công ty EGDC của Ả Rập Xê Út được thành lập để đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh của Thái tử Ả Rập Xê út Mohammed bin Salman bin Abdulaziz Al Saud và hiện công ty đó là cổ đông lớn nhất của SNK với 33,3% cổ phần.
Vấn đề với thỏa thuận kinh doanh này giữa SNK và EGDC nằm ở nhiều vấn đề liên quan đến Thái tử Ả Rập Xê Út khi ông này nhận được một số cáo buộc liên quan đến chính trị và vi phạm nhân quyền.

Nạn đầu cơ tích trữ PS5, Xbox Series X/S, Card đồ họa và CPU

Tình trạng đầu cơ rồi bán lại với giá cao luôn là một vấn đề đối với những thứ như vé xem buổi hòa nhạc hoặc sự kiện, nhưng nó ngày càng trở thành một vấn đề trong ngành công nghiệp game. Những tay đầu cơ sẽ vơ vét và trữ một lượng lớn sản phẩm rồi bán lại với giá cắt cổ, vì vậy nếu game thủ thiếu kiên nhẫn chờ đợi nhà sản xuất bổ sung hàng thì họ phải chấp nhận mua lại với giá cao trên các website đấu giá.
Được biết vấn nạn này đã diễn ra từ thời PlayStation 2 đến nay. Không chỉ các máy chơi game là nạn nhân, mà card đồ họa mới từ Nvidia cùng CPU của AMD cũng chung số phận. Vấn đề nhức nhối với RTX 3080 đến nỗi Nvidia đã trì hoãn việc phát hành RTX 3070 để tìm ra các cách ngăn chặn những kẻ đầu cơ này.

Bê bối tình dục trong cộng đồng Super Smash Bros.

Trong những năm gần đây, phong trào #MeToo đã giúp nạn nhân các vụ lạm dụng và tấn công tình dục chia sẻ câu chuyện của họ. Mặc dù ngành công nghiệp trò chơi không quá khắc nghiệt như một số trường hợp nổi tiếng nhất định, nhưng cộng đồng Super Smash Bros. đã có nhiều sóng gió với nhiều cáo buộc tấn công tình dục của một số game thủ nổi tiếng vào năm 2020.
Những game thủ nổi tiếng như Nairoby “Nairo” Quezada, Cinnamon “Cinnpie” Dunson và Gonzalo “ZeRo” Barrios, cùng người sáng lập EVO - Joey Cuellar nằm trong số những người bị buộc tội hành vi sai trái.
Nintendo sau đó đã đưa ra một tuyên bố đứng về phía những nạn nhân bị lạm dụng, và Cuellar kể từ đó đã mất chức Giám đốc điều hành của EVO. Twitch đã cấm cả Nairo và ZeRo sử dụng lại nền tảng này, nhưng Cinnpie vẫn chưa phản hồi về những cáo buộc chống lại cô ấy vào tháng Bảy.

Diễn viên lồng tiếng của The Last Of Us 2 bị quấy rối

Nữ diễn viên lồng tiếng Laura Bailey, người lồng tiếng cho nhân vật gây tranh cãi Abby trong The Last Of Us 2 đã nhận được tin nhắn gay gắt từ người chơi vì hành động của nhân vật trong game. Bailey đã nhận được những lời đe dọa và tin nhắn bạo lực từ những game thủ The Last Of Us 2 bất mãn. Mặt khác, cô ấy cũng nhận được sự yêu mến và ủng hộ nồng nhiệt từ người hâm mộ và những người khác trong cộng đồng game. Nhưng cuối cùng, công bằng mà nói rằng một hành vi quấy rối nhắm vào bất kỳ ai, chứ đừng nói đến diễn viên lồng tiếng vì đó chỉ đơn giản là làm công việc của họ, là hành vi độc hại không thể chấp nhận được,.

Nạn phân biệt giới tính tại Ubisoft

Ubisoft đã “nằm trên đống lửa" khi có các báo cáo nói về sự phân biệt giới tính tại công sở của Ubisoft, và thậm chí còn như thêm dầu vào lửa khi người quản lý cấp cao trong công ty có thái độ phân biệt giới tính đối với một trong những nhân vật chính của Assassin’s Creed: Odyssey, Kassandra.
Trong quá trình phát triển, Kassandra được dự định là nhân vật duy nhất người chơi có thể điều khiển được, nhưng Giám đốc sáng tạo Serge Hascoet khẳng định rằng “phụ nữ vô dụng" và buộc nhóm phải phát triển theo một hướng khác. Đây không phải là trò chơi Assassin’s Creed đầu tiên giảm bớt vai trò của nhân vật nữ, vì cả Aya of Origins và Evie Frye of Syndicate đều có ít thời gian hơn họ đáng có. Trên thực tế, Aya được cho là sẽ đóng một vai trò lớn hơn nhiều trong Origins trước khi câu chuyện được chuyển sang tập trung vào Bayek; quả thực, rất có thể ảnh hưởng của Hascoet đã lan rộng và làm hỏng rất nhiều tựa game được yêu thích.
Với tất cả những thị phi trong năm 2020, game thủ các cộng đồng khác nhau chỉ có thể hy vọng rằng những vấn đề quan trọng đã được đưa ra và giải quyết thỏa đáng, để những bài học này là bước đầu tiên cho tương lai của một ngành game phát triển toàn diện hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.