Theo nha sĩ Hứa Thị Thúy An, Trung tâm Nha khoa Westcoast (TP.HCM): “Dù răng là thành phần cứng chắc nhất trong cơ thể nhưng răng vẫn có thể bị tổn thương, bị hư dẫn đến mất răng”.
Các tổn thương có thể xảy ra dẫn đến hư răng và mất răng gồm: Tổn thương ở mô răng như sâu răng, mòn răng, mẻ/nứt răng; tổn thương mô nâng đỡ của răng (nướu răng, dây chằng nha chu và xương ổ xung quanh răng) như viêm nướu, viêm nha chu,…
Để bảo vệ răng khỏe đẹp, nha sĩ Thúy An lưu ý 8 thói quen xấu có thể gây hại cho răng mà mọi người cần tránh.
Đánh răng không đúng cách
Việc đánh răng ngay sau khi ăn, dùng bàn chải quá cứng, lâu ngày không thay bàn chải, chải răng quá mạnh hoặc quá nhanh... là những thói quen không tốt gây hại cho răng.
Chải răng ngay sau khi ăn nếu trong thành phần thức ăn có chứa chất a xít gây mòn, thì tác động của việc chải răng kết hợp thành phần a xít còn bám trên bề mặt răng làm quá trình mòn răng xảy ra nhiều hơn.
“Vì vậy, ít nhất 30 phút sau khi ăn, để nước bọt hoàn tất việc trung hòa độ pH trong môi trường miệng là thời điểm thích hợp để chải răng”, nha sĩ Thúy An khuyên.
Bên cạnh đó, không nên dùng bàn chải lông cứng và đánh răng quá mạnh, quá nhanh, như thế sẽ tạo ra lực ma sát lớn làm mài mòn men răng, nặng hơn là mòn đến ngà răng, ngoài ra còn gây tụt nướu nếu bệnh nhân có dạng nướu mỏng.
Chỉ nên sử dụng bàn chải lông mềm, chải nhẹ nhàng từ trong ra ngoài, nghiêng bàn chải 45 độ và chải dọc từ trên xuống dưới. Đó là cách tốt nhất lấy đi thức ăn, mảng bám từ kẽ răng đồng thời bảo vệ được răng nướu.
Bên cạnh đó, nên thay bàn chải đánh răng mỗi 2-3 tháng một lần. Bởi bàn chải sử dụng quá lâu thường bị tưa, tích trữ vi khuẩn không hề tốt cho sức khỏe răng miệng.
Dùng tăm xỉa răng
“Rất nhiều người có thói quen sử dụng tăm xỉa răng để lấy thức ăn từ kẽ răng và thường sử dụng sai nhiều hơn là đúng cách”, nha sĩ Thúy An nhận định.
Theo nha sĩ Thúy An, hình dạng của tăm xỉa răng vốn không phù hợp để làm sạch vùng kẽ răng, sử dụng kéo dài làm tổn thương vùng nướu ở kẽ răng, khiến nướu không còn lấp đầy khe hở vùng cổ răng nữa mà sẽ tạo thành vùng lỗ hổng ở phía cổ răng, dẫn đến mắc thức ăn nhiều hơn, viêm nướu và mặt chân răng (là vùng nhạy cảm nhất của răng).
Mặt khác, nếu bị kích thích kéo dài do lực lúc sử dụng tăm sẽ gây đau nhức giống như bị sâu răng.
“Thay vì dùng tăm, bạn nên dùng chỉ nha khoa để lấy thức ăn từ kẽ răng, ngăn ngừa vi khuẩn hình thành và giúp bảo vệ hình dạng nướu, tránh kích thích quá mức lên mặt chân răng”, nha sĩ Thúy An chia sẻ.
Sử dụng quá nhiều trà, cà phê, thuốc lá...
Theo nghiên cứu, bất cứ thực phẩm nào có khả năng nhuộm màu quần áo cũng có thể làm ố vàng răng.
Do đó, trà, cà phê, rượu vang hay khói thuốc lá... đều chứa những hoạt chất nhanh chóng làm thay đổi màu răng, ố vàng. Nếu sử dụng quá nhiều những thức uống này hoặc hút thuốc lá, bạn nên thay thế bằng các thực phẩm lành mạnh khác để giữ hàm răng luôn sáng bóng.
Thức ăn quá nhiều đường, a xít
Đường là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sản sinh axit và lưu lại lâu trong miệng. Ăn thức ăn quá nhiều đường làm tăng nguy cơ vi khuẩn sinh axit làm tổn hại men răng và dẫn đến sâu răng.
Cần chải răng để chất đường không bám lâu trên răng.
Ngoài ra, các đồ uống có ga, nước tăng lực, thức uống có tính axit, trái cây hoặc các loại nước ép chứa hàm lượng axit cao (như cam, chanh, quýt, bưởi, nho… ) có thể làm mòn và hỏng men răng, gây mòn răng.
Nha sĩ Thúy An khuyên có thể thay thế các thức uống có ga bằng nước lọc, với các loại nước ép tuy tốt cho sức khỏe nhưng lại có hại cho răng thì có thể dùng ống hút khi uống, giảm tối đa khả năng a xít tiếp xúc với mô răng, hoặc tìm các nguồn nước ép cũng cung cấp vitamin C nhưng ít gây mòn răng hơn như nước ép ổi, táo, chuối…
Đặc biệt, nhớ súc miệng ngay sau khi uống các thức uống này để giảm nồng độ a xít trong miệng nhanh hơn.
Nghiến răng
Nhiều người mắc chứng nghiến răng khi ngủ hoặc ngay cả lúc thức, khi tức giận, lo lắng hoặc tập trung cao độ... Đây là một trong những thói quen ảnh hưởng xấu đến răng miệng. Lực nghiến quá mạnh có thể gây mẻ, nứt, mòn răng.
Nhai đá
Nhai đá lạnh là thú vui của nhiều người, nhất là vào mùa hè nóng nực. Tuy nhiên, thói quen này ảnh hưởng đến lớp men bảo vệ răng. Mặt khác, lực cắn và độ cứng của đá còn có thể gây mẻ răng, nứt răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, đi sâu vào tủy răng.
Dùng răng cắn các vật cứng
Thói quen dùng răng để cắn các vật cứng, mở nắp chai, xé bao bì, giật mác giá quần áo... có thể làm răng bị mẻ, nứt và thậm chí là gãy răng. Cách khắc phục là nên bỏ những thói quen này để không gây hại cho răng.
Không lấy cao răng
Cao răng là sự vôi hóa mảng bám quanh răng từ thành phần canxi trong nước bọt và dịch nướu, cao răng không thể loại bỏ nhờ đánh răng hay súc miệng.
Cao răng cũng là thủ phạm gây ra bệnh viêm nướu. Nếu tình trạng viêm kéo dài sẽ dẫn đến bệnh nha chu, viêm xương bao quanh răng, mất xương, lung lay răng và sau đó là mất răng.
Do đó, để phòng tránh tác động xấu từ cao răng, bạn nên đến các cơ sở nha khoa uy tín để cạo vôi răng ít nhất 1 lần/năm.
Bình luận (0)