Những tiết lộ về toàn quyền Đông Dương Paul Doumer

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
22/03/2020 06:57 GMT+7

Cuốn Paul Doumer toàn quyền Đông Dương (1897 - 1902) - Bàn đạp thuộc địa (do Nguyễn Văn Trường dịch, Omega và NXB Thế Giới vừa ấn hành - ảnh ) của tác giả Amaury Lorin đã góp phần làm sáng tỏ những trang sử thuộc địa Pháp mà cho đến nay vẫn còn đan xen nhiều khoảng tối - sáng lẫn lộn.

Cuốn sách được viết trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu lưu trữ của Bộ Thuộc địa và kho tư liệu của chính quyền Đông Dương lưu trữ tại Pháp về Paul Doumer, vị toàn quyền Đông Dương mà tên tuổi ông từng có giai đoạn gắn với lịch sử Việt Nam - Lào - Campuchia, cùng với sứ mệnh đưa Đông Dương thoát khỏi tình trạng trì trệ, vực dậy nền tài chính bấp bênh sau khi cuộc chinh phục quân sự kết thúc.
Paul Doumer sinh ngày 22.3.1857 ở Aurillac, thuộc vùng Cantal (Pháp) trong một gia đình 3 anh em, trên ông có hai chị gái. Cha ông làm nhân viên lắp đặt đường ray nhưng mất khá sớm, còn mẹ thì không nghề nghiệp. Sắc lệnh của tổng thống phê chuẩn việc bổ nhiệm ông làm toàn quyền Đông Dương ban hành vào ngày 27.12.1896 và tháng 1.1897 thì ông lên tàu đến Sài Gòn mang theo hai cô con gái nhỏ. Sang Việt Nam, Paul Doumer tự đặt ra nhiệm vụ quan trọng là phải biến Đông Dương thành thuộc địa giàu có và thịnh vượng. Vì vậy, ông cho mở đường thương mại nối miền nam Trung Quốc với những nguồn tài nguyên phong phú của đất Vân Nam xuống tới Bắc kỳ. Ông tổ chức lại ngành tài chính Đông Dương với một hệ thống thuế khóa hiệu quả và sử dụng cơ chế vay, cho phép cung cấp nền tài chính độc lập nên niên khóa tài chính đầu tiên kết thúc năm 1899 có kết quả thặng dư ròng hơn 3 triệu đồng bạc Đông Dương, hai niên khóa tài chính sau đó cũng đạt 2,5 triệu đồng bạc Đông Dương. Cuốn sách cũng tiết lộ Paul Doumer có sức làm việc không biết mệt mỏi, từng được lan truyền kiểu “có thể suốt mười tám tiếng mỗi ngày” và thời gian vắng mặt tại Đông Dương của ông không vượt quá 10 tháng trong suốt nhiệm kỳ 61 tháng, với xung quanh là một đội ngũ cộng tác mẫn cán, có tầm cỡ.
Bên cạnh các công trình cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam như: cầu Long Biên (Hà Nội), Tràng Tiền (Huế), Bình Lợi (Sài Gòn), cảng Hải Phòng và hệ thống đường sắt xuyên Đông Dương, khu nghỉ dưỡng trên cao ở Đà Lạt, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer còn tạo nên dấu ấn khi lập ra nhiều học viện nghiên cứu: Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur Nha Trang… Do vậy việc tìm đọc để hiểu thêm cuộc đời, gia đình ông và một giai đoạn lịch sử có tính bước ngoặt tại Đông Dương là điều rất lý thú. Tại Pháp, cuốn Paul Doumer toàn quyền Đông Dương (1897 - 1902) - Bàn đạp thuộc địa từng được trao giải thưởng Auguste Pavie của Viện Hàn lâm khoa học hải ngoại năm 2005 và giải của Hội Nhà văn chiến binh năm 2006.
Được biết, tác giả Amaury Lorin sinh năm 1972 tại Angers (Pháp), tốt nghiệp cao học ngành sử học đương đại (Viện Nghiên cứu chính trị Paris - IEP), đã thực hiện nhiều chuyến đi khảo cứu tại các nước Đông Dương cũ, đặc biệt là Việt Nam và Campuchia. Amaury Lorin hiện là tiến sĩ lịch sử tại Viện Nghiên cứu chính trị Paris (Pháp).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.