Thậm chí, họ đối diện với những giây phút nghẹt thở để tìm mọi cách hỗ trợ bệnh nhân tiếp cận y tế địa phương.
Khi được hỏi “Tại sao chọn đồng hành cùng Mạng lưới thầy thuốc đồng hành (mạng lưới)?”, bác sĩ (BS) Nguyễn Thanh Vy bộc bạch: “Nhờ có mạng lưới mà mình góp được một phần cho tuyến đầu, hỗ trợ được những bệnh nhân (BN) đang cách ly tại nhà. Nếu không, sẽ buồn và lo cho mọi người lắm”.
Không phải là người trong cuộc, ít ai hiểu hết đội ngũ y BS của mạng lưới đã chiến đấu như thế nào trong chiến dịch lịch sử này.
Xử lý những ca báo động đỏ
Có những ca Covid-19 mà BS tư vấn Nguyễn Văn Chánh, Phó quản lý khu vực 760 thuộc mạng lưới, cho biết: “Phải gọi thật nhanh kẻo không kịp”. BS Chánh kể lại một trường hợp như vậy.
|
Rất nhiều BN Covid-19 tử vong do “cơn bão” cytokine cản trở hấp thụ ô xy khiến ô xy trong máu giảm thấp. BS Nguyễn Huỳnh Phương Anh thuộc nhóm G23 (khu vực được coi là “điểm nóng” của mạng lưới vì có nhiều ca nặng) chia sẻ rằng không thể quên ca bệnh SpO2 chỉ còn 82% (mức độ bão hòa ô xy an toàn là từ 94% - PV). “Lúc người nhà gọi đến cho mình, BN chỉ hơi mệt. Mình hướng dẫn chăm sóc, nhưng vài ngày sau BN mệt nhiều, SpO2 giảm còn 82%. Mình tức tốc bảo họ gọi ô xy cho BN. Đánh giá BN vẫn tỉnh táo, tập thở và nằm sấp SpO2 có thể cải thiện. Cuối cùng, sau khoảng một tuần theo sát, BN đã khỏe hơn, SpO2 lên 95%, cai được ô xy. Người nhà cảm ơn mình rối rít. Lúc đó thật sự rất vui”, BS Phương Anh thổ lộ.
Đêm trực cùng BS quản lý G23 Đặng Văn Thân đã trở thành kỷ niệm của BS Nguyễn Phương Lan. Khi đó, BS Phương Lan gọi điện tới một BN F0 có vợ mới mất vì Covid-19. BN không có thiết bị đo SpO2, chỉ có thể đánh giá độ khó thở bằng cách đếm nhịp thở. Nữ BS đặc biệt lo lắng khi nghe giọng nói của BN trong hơi thở sắp cạn, nhịp thở nhanh gấp đôi bình thường và có bệnh lý nền. Không chần chừ, BS Lan gửi báo cáo ca bệnh NC4 (nguy cơ 4) cho BS Thân. BS Thân liền gửi cho BS Lan thông tin đội cấp cứu báo y tế địa phương. Tuy nhiên, y tế địa phương phản hồi… hẹn sẽ tới xem sau. “Tôi và đại đội trưởng (BS quản lý nhóm) trao đổi nhanh và đồng thuận rằng với nhịp thở đó, BN không thể đợi. Đại đội trưởng quyết liệt thuyết phục đội cấp cứu tác động để y tế địa phương tới ngay khi tình trạng BN thở gấp, SpO2 60%. Sau đó, BN được đưa đi nhập viện luôn để xử lý kịp thời. Nhiều ca BN nặng được xử trí kịp thời nếu quyết liệt như thế”, BS Lan chia sẻ.
|
Phao cứu sinh của bệnh nhân F0
Sau một ngày thật dài, BS tư vấn Nguyễn Phương trở về phòng nhưng áp lực công việc vẫn bao trùm. Bật máy tính lên và nhìn danh sách BN dài dằng dặc, BS Phương nhủ lòng không thể đi nằm được, có bao nhiêu người đang đợi sự tư vấn của mình. BS mở Callio, vào danh sách tìm những BN lớn tuổi nhất chăm sóc trước. “Say sưa hết cuộc gọi này đến cuộc gọi khác, tôi quên luôn là mình cũng đang rất mệt vì cảm nhận được niềm vui của BN sau những lần được nói chuyện, hỏi han, chăm sóc sức khỏe”, BS Phương trải lòng.
Ca bệnh khiến vị BS này nhớ nhất là một cụ 64 tuổi, có bệnh lý nền, tự cách ly ở nhà được 5 ngày nhưng không ai bên cạnh. Sau khi nghe giải thích, hướng dẫn cách ăn uống đúng và những điều cần lưu ý, BN bật khóc trong điện thoại và nói: “Mấy ngày nay bác rất sợ. Con bác không cho vào khu cách ly mà để bác ở nhà riêng có một mình, ngày mang đồ ăn tới đặt ngoài cửa. Bác không biết hỏi ai về bệnh tình cả, lo tới mất ngủ… Hôm nay tụi con gọi điện tới, bác mừng quá. Con nhớ gọi điện cho bác hằng ngày nhen con”. “Nghe mà nghẹn lòng”, BS Phương bày tỏ.
“Vậy đó, dịch bệnh bùng phát, y tế quá tải, các cơ sở điều trị chỉ có thể tiếp nhận những ca bệnh nặng vì không đủ giường và thiết bị. Người bệnh cô đơn, không biết bám víu vào đâu”, BS Phương tâm tư. Thật sự trong đại dịch này, có những ca F0 lo lắng đến tuyệt vọng thì các cuộc điện thoại từ BS trong mạng lưới như phao cứu sinh cho họ. Họ được trấn an về tinh thần, tư vấn cách ăn uống, sinh hoạt và dùng thuốc đúng; được chăm sóc và theo dõi các dấu hiệu nguy cơ, tăng nặng; được liên hệ y tế khi có dấu hiệu cần nhập viện gấp… “Còn gì ý nghĩa và thiết thực hơn vào lúc này cơ chứ?”, BS Phương nói.
“Những lúc tuyệt vọng nhất, tôi đã nhận được cuộc gọi từ các anh chị của mạng lưới. Điều đó gieo cho tôi tia sáng, niềm tin. Suốt cuộc đời tôi cũng không quên được…”, đây là tin nhắn mà con trai của một BN NC4 (nguy hiểm) được chuyển cấp cứu qua mạng lưới gửi BS Nguyễn Thị Hải Liên, Thường trực ban điều hành mạng lưới, Tổ trưởng Tổ chuyển cấp cứu. Được biết, gia đình của BN F0 này chỉ có mẹ và con trai nhưng cả hai cùng nhiễm Covid-19 mà không biết cách tự chăm sóc. 1 giờ sáng, người mẹ có bệnh nền trở nặng nhưng chưa có xe cấp cứu, người con trai bèn gọi hotline của mạng lưới. Sau khi phân tầng và tư vấn y tế, các BN NC3 và NC4 sẽ được chuyển cấp cứu thông qua các BS tư vấn và Tổ chuyển cấp cứu. Nhóm làm việc của tổ này dường như chẳng bao giờ ngủ để sẵn sàng hỗ trợ các F0 diễn tiến nặng bất kể thời gian nào trong ngày.
“Mỗi hồi chuông reo lên làm tim tôi như muốn nghẹn lại.Tôi đã là BS gây mê hồi sức với hơn 20 năm trong nghề, đã gặp rất nhiều BN có hoàn cảnh khác nhau, nhưng khi tham gia hỗ trợ tại mạng lưới, tôi vẫn không kìm được lòng mình trước họ”, BS Nguyễn Minh Đăng, khu vực 777 của mạng lưới, nói.
(còn tiếp)
Bình luận (0)