Nỗi lo dinh dưỡng học đường - Bài 3: Cần thay đổi thói quen ăn uống từ nhỏ

30/03/2016 09:53 GMT+7

Trao đổi với PV Thanh Niên về những bất hợp lý trong bữa ăn học đường hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó giám đốc Viện Dinh dưỡng, đưa ra những giải pháp cấp thiết để có những thế hệ người Việt khỏe mạnh trong tương lai.

Trao đổi với PV Thanh Niên về những bất hợp lý trong bữa ăn học đường hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó giám đốc Viện Dinh dưỡng, đưa ra những giải pháp cấp thiết để có những thế hệ người Việt khỏe mạnh trong tương lai.

Bữa ăn học đường cần khoa học hơn để trẻ em phát triển khỏe mạnh - Ảnh: Ngọc ThắngBữa ăn học đường cần khoa học hơn để trẻ em phát triển khỏe mạnh - Ảnh: Ngọc Thắng
*Theo bà, cần phải làm gì đề cải thiện được tình trạng bữa ăn học đường thiếu khoa học của học sinh hiện nay?
- Theo tôi, bên cạnh vấn đề vệ sinh thực phẩm trong trường học thì việc tổ chức được những bữa ăn vừa khoa học vừa hợp khẩu vị với học sinh rất cần được lưu ý. Chúng tôi đã xây dựng một đề án cải thiện tầm vóc Việt giai đoạn 2010 - 2020 và tầm nhìn 2030, được Chính phủ phê duyệt.
Trong đề án đưa ra mục tiêu năm 2020 chiều cao trung bình của thanh niên VN sẽ cao hơn 4 cm. Nhưng cao chưa đủ, mà còn phải khỏe mạnh, cân đối, ít bệnh tật. Tuy nhiên ngân sách nhà nước để thực hiện đề án còn rất khó khăn. Rất may là gần đây một doanh nghiệp đã hỗ trợ để giúp chúng tôi xây dựng một chương trình thí điểm dinh dưỡng học đường. Hà Nội, Hải Phòng là những địa phương phía Bắc được chúng tôi chọn làm thí điểm. Mục tiêu của chương trình nhằm giáo dục để tác động vào nhận thức của học sinh, giúp các em thay đổi thói quen ăn uống từ nhỏ.
* Cụ thể chương trình được thực hiện như thế nào, thưa bà?
- Trong chương trình này, các trường được cung cấp một bộ thực đơn gồm 40 thực đơn, trong đó sử dụng đa dạng thay đổi thực phẩm, sử dụng trong 8 tuần không có bữa nào trùng nhau. Bên cạnh đó chúng tôi có kế hoạch hướng dẫn cho các nhân viên chế biến bữa ăn trong trường học biết cách chế biến các bữa ăn ngon, để các em tận hưởng được hương vị những thực phẩm tốt mà mình cung cấp.
Ngoài ra, chúng tôi cũng xây dựng một cuốn tài liệu Ba phút nhận thức để giáo dục cho học sinh về lợi ích các thực phẩm trước bữa ăn. Cô giáo có thể dùng những hình ảnh các bức tranh về 3 quả cà chua chẳng hạn, rồi hỏi các em có biết cà chua cung cấp cho các em những chất gì không? Nhờ thế, các em sẽ được giáo dục cà chua giàu vitaminC, giàu lycopene, rất tốt cho sức khỏe, nếu mỗi ngày các em ăn 1 - 2 quả cà chua thì sẽ đầy đủ chất dinh dưỡng hơn. Chỉ cần giáo dục ngắn gọn thế nhưng mỗi ngày một ít, các em sẽ biết cách lựa chọn những món ăn tốt cho sức khỏe, chẳng hạn như dần dần tích cực ăn rau xanh quả chín hơn. Qua giáo dục nhận thức chúng ta tác động cho các em, giúp các em biết chọn thực phẩm từ thuở ấu thơ. Sau này suốt cuộc đời các em có những bữa ăn tốt, phòng tránh được nhiều bệnh.
* Nhưng tạo thói quen ăn uống chưa tốt cho học sinh là người lớn, cụ thể là nhà trường và bố mẹ học sinh. Chương trình sẽ tác động tới họ ra sao, thưa bà?
- Chúng tôi thấy đáng tiếc khi mà với bậc mầm non ngành GD-ĐT rất chú trọng vấn đề chuyên môn dinh dưỡng thì lên đến cấp tiểu học lại bị bỏ lửng. Chúng tôi nghĩ trong chương trình bữa ăn học đường, sau khi có sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước về GD - ĐT, các trường học sẽ có sự tập trung để cải tiến bếp ăn, bữa ăn cho các em đảm bảo khoa học và an toàn. Tất nhiên dinh dưỡng học đường rất quan trọng, nhưng phải từng bước chứ không thể quan tâm nhiều thứ quá trong khi nhân lực và kinh phí đều có hạn.
Qua chương trình bữa ăn học đường, chúng tôi rất hy vọng sẽ giáo dục cả nhận thức về dinh dưỡng cho các phụ huynh, tác động đến bữa ăn tại gia đình, để cha mẹ cũng biết cách chọn thực phẩm, đa dạng thực phẩm, chế biến cho con mình có bữa ăn đủ chất dinh dưỡng hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.