Nông sản trong nước ế, rau quả Trung Quốc vẫn nhập ồ ạt

21/09/2021 06:17 GMT+7

Nhiều mặt hàng nông sản như trái cây, rau củ trong nước đang ế, rau củ quả Trung Quốc xuất khẩu vào nước ta vẫn ồ ạt.

Trong khi nhiều mặt hàng nông sản, nhất là trái cây, rau củ, tại nhiều địa phương đang khó khăn khi bị thị trường chính là Trung Quốc “gây khó” thì rau củ quả từ nước này xuất vào nước ta vẫn đều đặn, lấn át rau quả Việt.

“Đứt” hàng nội, thương lái chuyển qua hàng Trung Quốc

Khảo sát của Thanh Niên tại chợ đầu mối Mê Linh (H.Mê Linh, Hà Nội) chuyên cung ứng các loại rau cho thị trường Hà Nội và các tỉnh phía bắc, cho thấy các loại củ cải trắng, cà rốt, khoai tây, súp lơ, cải thảo, cà chua được bán rất nhiều, song các thương lái thừa nhận đây là hàng nhập từ Trung Quốc. Trong khi rau quả trong nước thời điểm này chủ yếu là các loại rau ăn lá như cải chíp, cải ngồng, các loại bí, đỗ xanh. Rau quả Trung Quốc về chợ ồ ạt khiến giá sản phẩm cùng loại trong nước giảm mạnh.
Giãn cách xã hội khiến nguồn rau ở Lâm Đồng ra phía Bắc không nhiều ẢNH: LÂM VIÊN

Giãn cách xã hội khiến nguồn rau ở Lâm Đồng ra phía Bắc không nhiều

ẢNH: LÂM VIÊN

Theo ông Đàm Văn Đua, Chủ tịch Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao - vựa trồng rau lớn nhất H.Mê Linh, thời điểm này năm ngoái củ cải có giá 8.000 - 10.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 13.000 đồng/kg. Thế nhưng với việc củ cải Trung Quốc “dội chợ”, giá bán củ cải nội nay chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Hồng, thương lái kinh doanh tại chợ này, cũng cho hay thông thường mọi năm miền Bắc bước vào mùa hè, mưa bão sẽ khiến lượng rau sản xuất trong nước giảm mạnh. Do đó từ tháng 6 - 9 hằng năm, thị trường có thêm nhiều loại rau Trung Quốc nhưng tỷ lệ không áp đảo rõ ràng như năm nay. Ngoài ra, một lượng lớn rau, củ từ Lâm Đồng và các tỉnh miền Nam được chuyển ra rất nhiều bù đắp cho lượng thiếu hụt ở miền Bắc. Tuy nhiên, năm nay do dịch Covid-19 kéo dài, các tỉnh miền Nam thực hiện giãn cách xã hội khiến nguồn cung ứng rau ra phía bắc không nhiều. Nhiều thương lái bị đứt nguồn hàng nên chuyển qua “đánh” hàng Trung Quốc. “Rau củ Trung Quốc hiện giờ chiếm tới khoảng 70% trong các quầy hàng, chỉ có 30% là hàng nội địa”, ông Hồng nói.
Số liệu thống kê tại Cửa khẩu đường bộ quốc tế số 2 Kim Thành (Lào Cai) cho thấy trong ngày 14.9 có trên 350 xe rau, củ Trung Quốc được đưa vào VN, tổng cộng khoảng 3.200 tấn. Ở chiều ngược lại, tổng lượng rau củ VN xuất khẩu sang Trung Quốc chưa đến 200 tấn.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, cho rằng rau củ Trung Quốc nhập khẩu với khối lượng lớn cho thấy nhu cầu tiêu thụ trong nước là rất lớn, cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt. Trong khi đó sản xuất trong nước, đặc biệt là ở các tỉnh phía nam, gặp khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ nên có nơi rau củ bị ùn ứ, bỏ thối trên đồng.

Bản tin Covid-19 ngày 21.9: Cả nước 11.692 ca nhiễm mới | Một số nơi đã triển khai “thẻ xanh Covid”

Rau củ Trung Quốc hiện giờ chiếm tới khoảng 70% trong các quầy hàng, chỉ có 30% là hàng nội địa.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Thương lái kinh doanh tại chợ đầu mối Mê Linh (H.Mê Linh, Hà Nội)

Các quy định kiểm soát, phong tỏa phòng dịch Covid-19 khiến lưu thông, cung ứng rau từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ bị đứt gãy. Nhiều chợ đầu mối tại TP.HCM ngừng hoạt động, nguồn cung trung chuyển từ phía nam ra bắc bị chia cắt vô tình tạo ra cơ hội và lợi thế cho hàng Trung Quốc tràn vào chiếm lĩnh thị trường ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Cũng theo ông Nguyên, do giá rau giảm sâu trong nhiều tháng nay, rau trồng ra đến kỳ thu hoạch không bán được khiến nông dân không còn mặn mà tái canh tác. Đây sẽ là nguy cơ lớn dẫn tới thiếu hụt rau củ vào những tháng cuối năm nay ở miền Trung và miền Bắc.

Đưa rau quả vào danh mục hạn chế và kiểm soát nhập

Báo cáo của Bộ Công thương cho hay kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản tháng 8 giảm rất mạnh, tới 19,2% so với tháng 7 và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng nhập khẩu rau quả đã tăng tới 16,4% trong 8 tháng qua và bộ này đã đưa rau quả vào danh sách “nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu”.
Điều đáng nói, theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, trong khi “hoạt động nhập khẩu rau củ, nông sản từ Vân Nam (Trung Quốc) qua các địa phương biên giới VN vẫn đang diễn ra thuận lợi với trung bình khoảng 400 xe hàng mỗi ngày” thì ở chiều ngược lại, từ giữa tháng 8 đến nay, nhiều trái cây, nông sản Việt không thể xuất khẩu qua Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới giáp tỉnh Vân Nam.
Còn số liệu của Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan công bố ngày 14.9 cho hay hàng rau quả tháng 8 nhập từ Trung Quốc là 34,996 triệu USD và sau 8 tháng là 271,6 triệu USD. Ở chiều ngược lại, liên tiếp gần 2 tháng qua nhiều mặt hàng rau quả của VN liên tục bị gây khó dễ. Ví dụ mới nhất là thanh long. Từ ngày 15.9, chính quyền Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây) thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long qua cầu phao tạm Đông Hưng (phía VN là điểm xuất hàng Km3+4, Quảng Ninh) đến ngày 21.9. Lý do được đưa ra là phía Trung Quốc phát hiện vi rút SARS-CoV-2 trên bao bì. Điều này khiến thủ phủ thanh long Bình Thuận vô cùng khó khăn bởi đang chính vụ, khi số lượng thu hoạch 2 tháng 8 và 9 ước tính khoảng 65.000 tấn.
Trước đó, hồi tháng 7, cũng chính thanh long của VN đã bị phía Vân Nam thông báo ngừng nhập khẩu qua một số cửa khẩu. Sau thanh long, giờ đây mặt hàng khoai lang cũng đang chịu áp lực lớn khi đang giữa vụ, và thị trường xuất khẩu chính vẫn là Trung Quốc. Ước tính sản lượng khoai lang tím đang cần hỗ trợ tiêu thụ là trên 300 tấn/ngày.

Bài học từ vải thiều xuất khẩu

Bộ Công thương thừa nhận quá trình thông quan xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản thời gian gần đây gặp khá nhiều bất lợi khi Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới phía bắc.
Tại cuộc họp của Chính phủ về tiêu thụ nông sản hồi giữa tuần qua, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết hiện chỉ có 4/12 cửa khẩu của Lạng Sơn hoạt động và đã bắt đầu có tình trạng ùn ứ trong khi lượng hàng hóa tiếp tục dồn về, tạo áp lực rất lớn cho địa phương, ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản. Một số địa phương như Cao Bằng, Hà Giang cũng cho biết cửa khẩu quốc tế khá thông thoáng nhưng doanh nghiệp ít lựa chọn. Cửa khẩu đường sắt tại Lạng Sơn, Lào Cai cũng rất thông thoáng song doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào đường Tân Thanh, Cốc Nam, gây ùn tắc.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cũng cho rằng bài học Bắc Giang, Hải Dương có thể xuất khẩu suôn sẻ hơn 100.000 tấn vải thiều trong thời gian ngắn giữa lúc dịch cần được các địa phương suy nghĩ để có cách áp dụng cho thanh long, dưa hấu... “Còn nếu vẫn chủ yếu xuất khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới để vào các chợ, theo hình thức “trao đổi cư dân”, không có hợp đồng với các điều khoản chặt chẽ về quy cách hàng hóa, điều kiện giao hàng thì rất nhiều rủi ro tùy thuộc vào chính quyền địa phương của Trung Quốc và không thể can thiệp theo hiệp định hay thông lệ quốc tế”, ông Khánh cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.