Tôi không chịu áp lực nào quá lớn
Gần đây Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất nhiều bộ phim truyền hình “gây bão”. Anh là người quản lý cũng là một đạo diễn nổi tiếng, vậy vai trò của anh ở trung tâm thể hiện như thế nào?
Tôi chỉ đứng phía sau thực hiện nhiệm vụ duy nhất là tạo ra sự hứng khởi và động lực để đội ngũ làm phim yên tâm. Bên cạnh đó, tôi cũng có thêm phần việc nữa là tìm kiếm các cơ hội để VFC có những điều kiện làm phim tốt nhất, đội ngũ ngày càng nâng cao tính chuyên nghiệp.
10 năm ở vị trí Giám đốc VFC, hẳn anh phải đối mặt với những áp lực lớn...?
Công việc làm quản lý về cơ bản đều giống nhau ở vị trí người thuyền trưởng, áp lực khi sóng to biển động, hay khi trời quang mây tạnh quá cũng lo. Tóm lại là luôn phải quan sát gần xa để có những dự báo và phân tích hướng đi. Tôi không chịu áp lực nào quá lớn, nếu có chỉ là việc làm cách nào để thu hút được những người giỏi nghề, tài năng cùng gắn bó phát triển trong ngôi nhà VFC.
Giờ đây VFC giống như một “cái lò” lửa hừng hực, có thể “nấu” được nhiều món ngon về phim truyền hình để thu hút khán giả. Nhưng trong sự thành công ấy chắc chắn sẽ có những khó khăn nhất định. Là “cánh chim đầu đàn”, anh đã làm gì để vượt qua những lúc “mỏi cánh” ấy?
Khán giả truyền hình đang thay đổi về xu hướng nội dung, cách thức xem, chưa kể trong thời đại số thì việc người xem được bao bọc đủ kiểu thể loại giải trí từ mạng xã hội, truyền hình đến internet. Đấy là khó khăn mà những người làm sáng tạo nội dung như chúng tôi phải đương đầu. Để giải quyết thách thức này là điều không dễ, ngoài trình độ hiểu biết và kinh nghiệm, cần cả sự nhanh nhạy may mắn nắm bắt xu hướng khán giả. Tôi và các cộng sự lựa chọn cách cổ điển. Đó là cắp sách đi học, mở mang thêm tầm nhìn để cố gắng hiểu được đầy đủ nhu cầu khán giả của mình.
Theo anh, làm những bộ phim truyền hình dài tập ở thời điểm hiện tại có thuận lợi và khó khăn gì?
Khó khăn lớn nhất là chúng ta chưa hình thành được nền công nghiệp phim truyền hình Việt, còn thiếu thốn về cơ sở sản xuất như các hệ thống phim trường, chính sách bảo vệ bản quyền, cơ chế phân phối kinh doanh nội dung… Những thứ đó nếu hoàn thiện sẽ góp phần thúc đẩy cho phim Việt đi những bước dài hơi, phát triển mạnh mẽ. Thuận lợi là những nét đẹp trong văn hóa, con người Việt luôn hướng đến những giá trị nhân văn, trân trọng các mối quan hệ gia đình truyền thống, phép lễ nghĩa, đạo đức... Đó là chất liệu đề tài rất quý để phim Việt tạo ra những nội dung sâu sắc, lan tỏa và gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Hay nói cách khác, khán giả Việt Nam vẫn dành những tình cảm tự nhiên cho các câu chuyện đậm đà bản sắc người Việt.
Hầu như những bộ phim do VFC sản xuất đều được lên sóng vào giờ vàng, vài phim đạt độ rating rất cao, đồng nghĩa với việc doanh thu quảng cáo cũng rất “khủng”. Vậy sản xuất phim truyền hình hiện nay có là “con gà đẻ trứng vàng”?
Bất cứ sản phẩm nào có giá trị nội dung, thu hút sự quan tâm của công chúng đều đẻ trứng vàng. Nhưng với tôi, “trứng vàng” là khái niệm về cơ hội để được đầu tư và tiếp tục phát triển, là mục tiêu phải hoàn thiện sản phẩm ở chất lượng cao hơn. Một sản phẩm văn hóa không nên lấy “con số tiền bạc” làm thước đo giá trị, đó cũng không phải là tiêu chí mà chúng tôi đặt ra cho các bộ phim của mình.
Ngoài báo chí, truyền thông thì mạng xã hội hiện nay cũng là “cánh cửa” rộng để phim truyền hình tiếp cận nhanh hơn, sâu hơn với khán giả. Anh cũng như ê kíp làm phim của VFC phải làm gì để đối phó với những vấn đề xảy ra trên mạng xã hội nếu có?
Đây là một phần tất yếu của thị trường phim ảnh, hay nói đúng là một dạng thay đổi xã hội ở thời kỳ công nghệ số tác động đến mọi lĩnh vực đời sống. Chúng tôi không chỉ quan tâm mà còn phải rất chủ động nghiên cứu, ứng dụng những tác động đa chiều của nó để đưa vào hoạt động làm phim của mình, xem nó như một công cụ tương tác, đánh giá và tạo ra tác động qua lại giữa khán giả và người làm phim. Tất nhiên, những điểm tiêu cực hạn chế thì sẽ cương quyết không khai thác.
|
Bộ phim truyền hình Sinh tử đang phát sóng, trước đó có Mê cung, Người phán xử, là dòng phim chính luận đi vào những vấn đề chính trường rất “nóng”… Bản thân anh là người chịu trách nhiệm sản xuất thì sẽ đối mặt áp lực gì?
Những đề tài nóng, chính luận, nhất là lại động chạm vấn đề nhạy cảm như quan trường, nạn tham nhũng, chính sách thể chế... bao giờ cũng đòi hỏi người làm phim một sự cẩn trọng và nghiêm túc. Chắc chắn dạng phim này khó làm hơn, mất công sức tìm hiểu và phải được phản biện qua nhiều góc nhìn để có một nội dung sâu sắc. Đấy chính là áp lực lớn nhất chứ đừng nghĩ có thế lực nào đó, ai đấy cản trở người sáng tác ở những thể loại phim này. Đôi khi chúng tôi phải tự đặt câu hỏi: mình đã đủ hiểu, đủ năng lực để bắt tay làm phim này chưa? Người nghệ sĩ khi dấn thân vào những tác phẩm có cơ hội nói được điều gì đó cho xã hội tốt hơn, họ luôn hào hứng và nhiệt tâm, thậm chí xem đó như một thách thức nghề nghiệp phải phấn đấu làm thật tốt.
Khái niệm nhẹ tay hay “vùng cấm” ở phim ảnh rất khác
Sự kiểm duyệt với những bộ phim mang tính chính luận này có khắt khe hơn không?
Chắc chắn phải hơn chứ, vì khi đề tài nội dung chạm đến những vấn đề khó, khác biệt thông thường thì phải có những sự cẩn trọng hơn, cần thẩm định nhiều lần để hạn chế những sai sót, ảnh hưởng đến hiệu quả của tác phẩm.
Bất cứ sản phẩm nào có giá trị nội dung, thu hút sự quan tâm của công chúng đều đẻ trứng vàng. Nhưng với tôi, “trứng vàng” là khái niệm về cơ hội để được đầu tư và tiếp tục phát triển, là mục tiêu phải hoàn thiện sản phẩm ở chất lượng cao hơn |
Với dòng phim có nội dung kiểu như Sinh tử thì việc đưa nguyên tác những vụ trọng án về tham nhũng, chạy án… có cần phải “nhẹ tay” hơn, hay có “vùng cấm” nào không khi đưa lên màn ảnh?
Đã là tác phẩm phim ảnh thì tính hư cấu vốn là khái niệm được nghĩ đến khi xem. Người sáng tác không nên minh họa cuộc sống, đời thực và bê nguyên xi các thông tin báo chí phản ánh vào bộ phim. Do đó, khái niệm nhẹ tay hay “vùng cấm” ở phim ảnh rất khác. Đôi khi chỉ một câu thoại, một cảnh quay ám ảnh và đạo diễn biết tạo ra cảm xúc đặc biệt, sẽ tác động rất mạnh đến người xem, hơn cả những bản án kết luận trong những phiên tòa đời thường.
Những yếu tố câu khách trong phim truyền hình như cảnh nóng, bạo lực, tình tay ba, hay các vấn đề nhạy cảm về chính trị…hiện nay theo anh có bị lạm dụng quá không?
Với hệ thống quản lý và cách làm hiện nay, theo tôi là không có, hoặc ở phạm vi chấp nhận được.
Chương trình Táo quân sau hành trình 16 năm đã dừng lại. Táo quân vi hành có lẽ là một chương trình mới. Anh có kỳ vọng sẽ tạo sự lan tỏa và sức hút như Táo quân?
Hiện nay chúng tôi đã cùng ê kíp sáng tạo làm chương trình mới. Tất nhiên, điều thấy rất rõ là sự kỳ vọng của khán giả mong muốn mình phải vượt qua thách thức, đem đến cái gì đó mới mẻ và hay hơn. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực, còn thành bại thì phải đợi khi sản phẩm đưa ra với công chúng để có sự đánh giá phản hồi. Còn Táo quân vi hành chỉ là một chương trình “đặt hàng” theo nhu cầu sản xuất truyền hình của VTV và cộng đồng bà con đang sống làm việc ở châu Âu, làm nội dung và phát sóng 1 lần thôi. Đây không phải là chương trình mới hoặc dàn dựng có gì quá đặc biệt.
Không muốn nấp sau “ông trùm” nào cả
Truyền thông vẫn gọi anh là “ông trùm” của nhiều chương trình, dự án có sức hút, độ lan tỏa trên truyền hình. Vậy sau màn ảnh, sau công việc thì trong gia đình, đạo diễn Đỗ Thanh Hải là người thế nào?
Tôi không muốn hình ảnh mình nấp sau “ông trùm” nào cả, cứ gọi tôi bằng tên riêng để thấy một đạo diễn gắn bó với nghề nghiệp làm phim là ổn. Tôi cũng không khác gì một người lao động bình thường, sau giờ làm thì cũng về nhà, sinh hoạt với gia đình và cùng lo toan mọi việc khác.
Người ta hay nói: Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ. Với trường hợp của anh, “bóng dáng” đó có lớn và rất quan trọng không?
Chắc chắn là như vậy, rất quan trọng và rất lớn.
Anh có thể tiết lộ sắp tới VFC sẽ ra mắt những “bom tấn” truyền hình nào nữa?
Năm 2020, VFC có một số dự án hứa hẹn đem lại sự quan tâm cho khán giả. Gần nhất là dự án phim của đạo diễn Bùi Tiến Huy, phim quay tại nhiều tỉnh thành và cả bên châu Âu, quy tụ những gương mặt nổi tiếng tài năng như Lã Thanh Huyền, Nhan Phúc Vinh, Diễm My 9X, Mạnh Trường... Hay dự án phim rất phá cách trẻ trung của đạo diễn Khải Anh: phim Xóm trọ Balanha. Đạo diễn Mai Hồng Phong, sau thành công với Quỳnh búp bê cũng sẽ trở lại với một bộ phim đầy cảm hứng về nghề thẩm phán, bộc lộ những mặt tối sáng sau mỗi bản án luận tội tại tòa án.
- Nghệ sĩ Ưu tú - đạo diễn Đỗ Thanh Hải sinh năm 1973.
- Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN (VFC).
- Đạo diễn, biên kịch, sản xuất những chương trình như Táo quân, Gặp nhau cuối tuần, Gặp nhau cuối năm, Gala cười, Lễ hội bắn pháo hoa quốc tế…
- Đạo diễn nhiều bộ phim truyền hình như Xin hãy tin em, Của để dành, Nhà có 3 chị em, Phía trước là bầu trời…
- Giải Đạo diễn xuất sắc nhất Giải thưởng Hội Điện ảnh VN năm 2006.
- Giải Cánh diều vàng phim truyện video xuất sắc nhất năm 2006.
- Giải Cánh diều bạc phim truyền hình dài tập xuất sắc nhất năm 2001 (không có giải vàng).
- Huy chương vàng phim truyền hình, Liên hoan truyền hình năm 2000 và 2006.
|
Người quản lý nghệ thuật giỏi
NSND Hoàng Dũng
Xử lý khéo léo giữa tình cảm và công việc
MC Thảo Vân
|
Bình luận (0)