Câu hỏi đặt ra là nếu chúng ta rơi vào những tình huống như thế thì cần ứng xử ra sao để không tránh họa vào thân? Và chẳng may khi ta lưu thông trên đường xảy ra quẹt thì phải ứng xử như thế nào cho được lòng cả hai bên?
Phải học cách kiềm chế, tránh những xung đột
Anh Nguyễn Thanh Liêm, ngụ tại ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn (TP.HCM), chia sẻ: “Trong cuộc sống hàng ngày việc va chạm là điều khó tránh khỏi. Chúng ta bắt buộc phải học cách kiềm chế và cách xử lý tình huống cho phù hợp nhất, tránh những xung đột đáng tiếc, dẫn đến những cảnh xô xát thân thể, có khi xảy ra án mạng từ những mâu thuẫn không đáng”.
Anh Liêm kể: “Tôi còn nhớ có một hôm, tôi đi xe Grab car, đang ngồi trên xe thì từ phía sau có một anh thanh niên tông thẳng xe máy vào xe hơi tôi đang đi. Không chỉ anh ta mà còn kéo theo 2 xe nữa ngã cùng. Nhưng khi ấy tôi thấy bác tài xế rất bình tĩnh, xuống xe, xem xét tình hình và phụ đỡ xe của một chị phụ nữ bị ngã. Anh thanh niên kia rối rít xin lỗi, xe hơi bị móp, xe máy của 2 chị kia thì trầy xước. Tuy nhiên, tất cả đều ổn thỏa, không một lời to tiếng, chỉ nghe những lời xin lỗi dành cho nhau, và bác tài nói anh kia là lần sau chạy chậm thôi nha, cứ thế này là nguy hiểm lắm cho cả người khác nữa”.
|
Anh Liêm, nhớ lại: “Khi ấy tôi có thắc mắc là sao bác tài không bắt đền anh kia, thì bác tài nói là thôi cái này có mua bảo hiểm rồi, bắt đền người ta cũng rắc rối, và làm ùn tắc giao thông, hơn nữa họ cũng biết lỗi rồi. Thôi bỏ qua cho họ để mọi việc êm thấm. Đấy là một cách hành xử rất lịch sự và văn minh, thay vì tranh cãi, đánh nhau…”.
Còn theo chị Ngô Thị Lệ Thủy, làm việc tại Công ty TNHH Liên Hiệp Phát, Q.Tân Bình (TP.HCM), chúng ta đi trên đường nhiều chắc hẳn sẽ có những lần va chạm về giao thông, va chạm về ý thức nơi công cộng, nhưng chúng ta phải luôn tâm niệm là của cải vật chất đều ở ngoài thân, mình có thể làm ra chúng, thế thì đừng vì chúng mà phải hy sinh tính mạng của mình. “Nếu ta gặp những tình huống khó thì nên báo công an để họ can thiệp chứ đừng để xảy ra xô xát không cần thiết. Nếu thấy nhẹ thì có thể bỏ qua cho nhau, thiệt hại một chút về kinh tế cũng không đáng để ý. Nếu 2 bên đều cư xử được như thế thì êm xuôi, tốt đẹp”, chị Thủy khuyên.
Cũng theo chị Thủy, việc ứng xử ra sao nó tùy thuộc vào thái độ của bạn và phải cài đặt sẵn trong tâm thức của mình là đừng vì vật chất mà sẵn sàng có những hành động thiếu khôn ngoan gây tổn thương đến cơ thể.
Nên nở nụ cười và nói lời xin lỗi dù đúng hay sai
Đề cập đến vấn đề văn hóa ứng xử nơi công cộng, thạc sĩ công tác xã hội Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương Lai (TP.HCM), nói: “Ứng xử là phản ứng của con người đối với người khác trong một hoàn cảnh, một tình huống cụ thể. Như thế chúng ta nhận thấy ứng xử là một phần quan trọng trong kỹ năng giao tiếp giữa người với người trong xã hội. Vì vậy trong từng hoàn cảnh, từng tình huống cụ thể chúng ta cần bình tĩnh đánh giá tình hình để chọn lựa một cách ứng xử phù hợp, khôn ngoan, mềm dẻo”.
Vì sao chúng ta phải làm như thế? Thạc sĩ Minh Hải nói: “Một mặt vừa uốn nắn người khác nhưng không làm mất mặt họ, một mặt bảo vệ được lẻ phải, bảo vệ được bản thân. Điều đó có nghĩa là không có một cách ứng xử duy nhất cho tất cả các hoàn cảnh cụ thể dù đó là cách ứng xử tích cực hay tiêu cực”.
Quay lại chuyện cô nhân viên xe buýt bị 4 thanh niên đánh đập trên xe buýt, thạc sĩ Minh Hải khuyên: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào thì thanh niên đại diện cho phái mạnh mà đánh phụ nữ là hoàn toàn sai. Đây lại có đến 4-5 thanh niên cùng đánh phụ nữ thì chúng ta lại càng phẫn nộ và lên án về hành vi này. Theo tôi, có thể nhóm thanh niên này bị quê khi bị nhắc nhở trước các hành khách khác cho nên làm họ bực tức, có hành động không hay”.
Nhìn rộng ra văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông gặp sự cố như va quẹt, lấn đường…, thạc sĩ Minh Hải, nói: “Dù ta có lỗi hay người khác có lỗi việc đầu tiên nên nở nụ cười và nói lời xin lỗi xem đây như thái độ ta thông cảm với người mắc lỗi hoặc người thông cảm cho ta nếu ta mắc lỗi. Sau đó, tùy thái độ của người kia để ứng xử tiếp theo cho phù hợp. Người ta nói tất cả những việc xảy ra ngoài đường phố dẫn đến tức giận, xung đột, đánh nhau... lý do từ sự việc xảy ra chỉ chiếm khoảng 10%, trong khi có đến 90% là do suy nghĩ, suy diễn trong đầu của chúng ta đã dẫn đến hành động tiêu cực”.
Bình luận (0)