Dương Thị Huệ, người phụ nữ 46 tuổi có làn da đen sạm, dáng vóc rắn chắc ấy xuất thân từ Thái Nguyên. Thế rồi, duyên nợ đưa đẩy chị đến vùng đất
Lăng Cô (H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế). Chị gặp gỡ người đàn ông quê ở làng An Cư Đông 1, TT.Lăng Cô từ năm 24 tuổi, rồi theo về quê chồng. Để rồi bây giờ, trong tất bật mưu sinh, chị trở thành tay lái bon bon với chiếc xe thồ trên đường, khẩu trang kín mít.
Khó mà kể hết những bươn chải vất vả mà chị Huệ đã trải. Lấy chồng, chị quen lên núi chặt từng gánh củi về bán mà thời giá 20 năm trước chỉ 8.000 đồng mỗi gánh. Khi đôi vai, đôi tay chai sần, chị chuyển sang bán bánh cuốn Hà Nội ở rìa chợ Lăng Cô. Chồng phụ thợ hồ và phụ bạn đánh cá theo mùa, vợ bán bánh gom góp mua được chiếc xe máy đi lại. Có xe, chị học bằng lái và nhận chở giúp một số người lui tới trong địa bàn huyện. Để rồi đến năm 2004, chị chuyển hẳn qua nghề chạy
xe máy thồ, trở thành người phụ nữ đầu tiên “gia nhập” đội quân chạy xe máy thồ ở Lăng Cô, vùng đất là thành viên câu lạc bộ vịnh đẹp
thế giới thu hút du khách thập phương.
Tay lái “cự phách”
Không chỉ khách đi gần, chị Huệ còn chở khách vượt luôn đèo Hải Vân, Phú Gia, Phước Tượng khi khách không muốn đi đường hầm, hoặc khi chưa có hầm đường bộ. Khách của chị có đủ kiểu: đi bệnh viện khám chữa bệnh, đi thăm người đau ốm... Phí từ mười, mười lăm ngàn đồng mỗi “cuốc”, chị nhận chở tất. Có lần chị đang đợi khách ở Lăng Cô, một vị khách nam người nước ngoài đến nhờ mình chở đi loanh quanh thị trấn. “Mình không hiểu mô tê chi cả, sau nhờ phiên dịch họ nói giúp cho mới hiểu. Sau lần ấy mình về mua sách tiếng Anh để tự học”, chị kể. Sau một thời gian kiên trì học tiếng Anh, rồi được các bạn nhân viên lễ tân ở một số khách sạn bày vẽ thêm, chị Huệ có thể bập bõm nói tiếng “bồi” đủ giao tiếp cơ bản.
Kiếm được tiền từ sự vất vả và đam mê, kèm theo sự tự hào khi được giới thiệu cho khách nước ngoài về quê hương đất nước thì còn gì thú vị bằng!
|
Năm 2007, chị Huệ in danh thiếp cá nhân. Tấm danh thiếp in song ngữ Việt - Anh, ghi rõ là chở khách và
tư vấn,
hướng dẫn dịch vụ vận chuyển cho khách đi lại khi tham quan Lăng Cô hay những địa phương lân cận. Chạy xe thồ, nhưng chị không phải ngồi lì một chỗ cạnh xe máy dưới bóng râm chờ khách, mà chờ... những cuộc gọi từ nhà hàng, khách sạn, bến cảng. “Chuyện này do một bác Việt kiều ở Đức “vẽ” cho mình. Sau khi thồ ông đi tham quan ở Lăng Cô rồi lên TP.Huế trở về, ông biểu mình nên in “nêm cạc” (name card) cho người ta biết. Rứa rồi mình làm theo, không ngờ rất hiệu quả”, chị Huệ cười xởi lởi.
Hướng dẫn viên “bất đắc dĩ”
Khoảng 15 năm trước, những chuyến tàu biển chở khách đầu tiên bắt đầu cập cảng Chân Mây (xã Lộc Vĩnh, H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) để đưa khách trung chuyển qua đường bộ tham quan, khám phá di sản, danh thắng ở miền Trung.
Trong một ngày tình cờ, chị Huệ nhận được cuộc gọi từ bến cảng. Thế là việc cầm lái của chị Huệ được “se duyên” với nguồn khách quan trọng này từ đó đến nay.
Kể chuyện chở khách lẻ ở khu vực cảng Chân Mây, thi thoảng chị nhìn tôi thoáng chút âu lo. Hỏi ra mới hay, nhiều nhà lữ hành không mấy “ưa” những người chạy xe thồ đón khách
du lịch ở cảng như chị. Bởi phần lớn du khách cập cảng đều đã mua tour, khi họ cập cảng đã có ô tô hạng sang chờ sẵn. Mặt khác, để đảm bảo an toàn và mỹ quan, việc cấm xe thồ vào cảng là điều dễ hiểu. Nhưng, không phải du khách nào cũng thích dạo chơi, thưởng lãm cảnh vật bằng những “món ăn sẵn”, mà họ thích tự do khám phá, tiết kiệm chi tiêu hay do nhu cầu riêng tư. Miễn là họ tự chịu trách nhiệm về sự an toàn và trở về du thuyền đúng giờ.
Du khách thường yên tâm khi ngồi sau xe chị Huệ
|
Vậy nên, khách lẻ trong những chuyến tàu biển, từ hạng sang đến hạng trung, nay đã trở thành “nguồn” khách để chị Huệ “kiếm cơm”. Đấy cũng chính là lý do chị theo nghề thồ khách, trở thành một “driver” kiêm hướng dẫn viên bất đắc dĩ trong lòng vịnh đẹp Lăng Cô.
Khoảng 10 năm tự học tiếng Anh, với kinh nghiệm giao tiếp, bây giờ chị Huệ tự tin để đưa khách nước ngoài đi đây đi đó, tư vấn cho khách ăn uống, mua sắm, nói về độ hấp dẫn của điểm đến, về thói quen
tiêu dùng, về tập quán và con người ở miền Trung, kể cả chuyện... mặc cả giá tiền. Chính những điều này khiến khách càng có thiện cảm hơn với chị.
“Chị ấy thật nhiệt tình, vui vẻ, đi xe lại an toàn. Chị là phụ nữ nhưng lái xe thồ thật cự phách. Tụi mình rất thích chị ấy. Nếu có dịp trở lại tụi mình cũng nhờ chị ấy đưa đi tham quan”, Don, một chàng trai người Pháp đi du lịch bằng tàu biển cùng bạn gái được chị Huệ chở từ cảng Chân Mây vào Langco Beach, chia sẻ.
Nếu nữ phi công đo tuổi nghề bằng giờ bay, thì nữ xe thồ Dương Thị Huệ tính bằng đơn vị cây số, cả trăm ngàn cây số. “Gót hồng” của người phụ nữ này theo chân du khách, khách thồ in dấu ở hàng chục địa danh du lịch trên cung đường di sản miền Trung. Những “cuốc” xe thồ đi từ vùng Chân Mây - Lăng Cô đến Hội An, Đà Nẵng, Huế tùy nơi mà chị lấy giá 30 - 50 USD (cho khách nước ngoài). Khi “vào mùa”, chị Huệ khá bận rộn với những cuộc điện thoại gọi từ khách sạn, bến cảng. Những cuộc điện thoại ấy giúp chị có nguồn thu đáng kể, bên cạnh những chuyến xe 3 bánh thồ hàng của chồng.
Vợ chồng họ đang vun vén cho tương lai 2 con, một con gái sinh viên, một trai kế lớp 8. Chị khoe con gái đầu đang học năm thứ 3 ngành lữ hành khoa du lịch
quốc tế. Chị tin con gái rồi cũng sẽ theo ngành du lịch. Ngành này phải có đam mê và chấp nhận vất vả. “Kiếm được tiền từ sự vất vả và đam mê, kèm theo sự tự hào khi được giới thiệu cho khách nước ngoài về quê hương đất nước thì còn gì thú vị bằng!”, chị bộc bạch.
Sự thân thiện, niềm nở khiến nhiều du khách mến chị Huệ xe thồ
|
Bình luận (0)