Phi ngựa trên thảo nguyên Mông Cổ

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
15/09/2019 13:00 GMT+7

Phi ngựa ở Mông Cổ là một trải nghiệm đặc biệt. Chính ở đất nước này mới là nơi mà chuyện phi ngựa trở nên đúng nghĩa. Ngựa thoải mái tung vó giữa thảo nguyên ngút ngàn...

Ngựa chạy nhanh như gió

Những ngày ở Mông Cổ, trong hình dung của tôi ấn tượng bởi 3 điều: Đại Hãn, ngựa chiến và thảo nguyên. Hẳn đó cũng là những thứ thu hút nhất của du khách khi đến đây.
Rời khỏi thủ đô Ulaanbaatar, cảm giác bỗng nhiên thay đổi hoàn toàn. Tầm mắt bỗng trải dài xa đến vô tận, cảm giác choáng ngợp khi thảo nguyên xuất hiện. Cỏ xanh trải ra ngút tầm mắt, hoa dại đung đưa, trời xanh ngắt, mây trắng lững lờ. Ngồi trên xe lướt qua thảo nguyên, cứ ít phút lại thấy một đàn gia súc hàng trăm con nhởn nhơ gặm cỏ dưới trời xanh, xa xa là một túp lều ger (nhà lều truyền thống của người Mông Cổ) như một cây nấm trắng trên nền cỏ.
Ngựa ở đây thoải mái tung vó. Giống ngựa ở đây cũng là một khác biệt, nòi ngựa chiến của Mông Cổ là một dòng riêng biệt và nổi tiếng. Không phải là dòng ngựa quý tộc của châu Âu, dòng ngựa này tuy không cao to nhưng có sức dẻo dai tuyệt vời. Những con ngựa Mông Cổ đã từng chạy khắp thảo nguyên, sa mạc, thành trì, tiến về châu Âu, càn quét châu Á thời đế quốc Mông Cổ.
Chúng tôi đứng chờ khoảng nửa tiếng thì một đàn ngựa gần 50 con từ xa xuất hiện. Ngựa trắng, ngựa đen, ngựa nâu nối nhau băng băng chạy đến. Những chú bé Mông Cổ chỉ khoảng 9 - 10 tuổi đã gò mình trên lưng ngựa, dẫn đầu cả đoàn ngựa tập hợp. Những chú ngựa nhỏ người nhưng săn chắc và chạy nhanh như gió. Chúng rất thuần thục trong việc chở người trên lưng. Đa số chúng tôi chưa từng cưỡi ngựa, nhưng chỉ cần đi ít phút, nhiều người đã có thể tự mình điều khiển. Ngồi trên lưng ngựa, dạo bước trên mặt cỏ thảo nguyên ngút ngàn mắt, bên cạnh bìa rừng... là một trải nghiệm tuyệt vời khó có được ở nơi nào khác.
Phi ngưa trên thảo nguyên Mông Cổ1

Trải nghiệm cưỡi ngựa trên thảo nguyên

Cũng chính ở vùng thảo nguyên này, Kim Dung đã miêu tả về ngựa Hãn huyết bảo mã trong truyện Anh hùng xạ điêu, với mồ hôi đỏ như máu, chạy nhanh như gió lốc, ngày đi hàng ngàn dặm. Theo lịch sử thì Hán Vũ đế đã treo thưởng hậu hĩnh cho những ai tìm được loại ngựa này. Nhiều tư liệu cho thấy chính Thành Cát Tư Hãn cũng cưỡi một con Hãn huyết bảo mã. Sự xuất hiện của loài ngựa này tại Mông Cổ hẳn là chuyện thật. Bởi đất nước này từng nằm trên Con đường tơ lựa, không khó khăn để đưa Hãn huyết bảo mã (hay tên chính thức là Akhal-Teke) từ đất nước khai sinh loài ngựa này là Turkmenistan về. Hai nước này không quá xa xôi để làm điều đó.
Chúng tôi đến đây theo cuộc thi do nước này đăng cai tổ chức, đề thi là những hình ảnh mang tính chất của những chú ngựa đang tung vó, dựa vào cách truyền tin tiếp nối từ thời xưa của người Mông Cổ gọi là utuu. Với hệ thống truyền tin này, chỉ mất khoảng 20 ngày để đưa tin vượt biển Adriatic và Thái Bình Dương. Trạm chuyển tin cách bờ biển khoảng 25 - 30 km. Khi một sứ giả đưa tin đến trạm, có khoảng 300 - 400 con ngựa đang chờ sẵn để tiếp tục chuyển tin. Sáng kiến này đã giúp thúc đẩy các hoạt động của chính quyền trong và ngoài khu vực của đế quốc Mông Cổ.
Mùa thu ở Mông Cổ, thỉnh thoảng bắt gặp cả một triền núi cây đổi lá vàng, lá đỏ. Cưỡi ngựa chạy giữa thảo nguyên, mây trắng trên đầu. Buổi tối, ngủ ở lều ger, đốt lửa sưởi ấm, ăn thịt cừu nướng. Hoặc đi sâu hơn, đến với những con tuần lộc trong những ngôi làng nằm trong rừng. Bụi bặm hơn thì lên lưng lạc đà, tiến vào sa mạc Gobi ngút ngàn cát vàng óng. Những trải nghiệm ấy khiến Mông Cổ dần trở thành nơi yêu thích của những tín đồ du lịch yêu tự do, say mê tiếng gọi của thiên nhiên.
Phi ngưa trên thảo nguyên Mông Cổ2

Tác giả cùng đại bàng trên đồi Zaisan Hill

“Hốt bạc” nhờ... chim đại bàng

Một đất nước Mông Cổ đang phát triển theo cách rất mới so với di sản khổng lồ của quá khứ. Kèm theo đó là một thế hệ trẻ mới. Chẳng hạn như anh bạn Zolo Zolkhuu. Anh học ngành xây dựng tại Trường ĐH Xây dựng của VN theo học bổng chính phủ. Tốt nghiệp về nước, Zolo ở lại thủ đô làm, nơi cách thị trấn quê nhà khoảng 300 km. Nhưng Zolo không theo nghề xây dựng mà theo nghề hướng dẫn viên du lịch. Ở Mông Cổ, nghề du lịch có thu nhập tốt hơn vì những người làm nghề xây dựng buộc phải nghỉ làm vào mùa đông vì thời tiết quá lạnh giá và khắc nghiệt. Người VN đến Mông Cổ thường tìm đến Zolo vì anh nói và viết tiếng Việt rất tốt. Là người xuất thân từ vùng quê, anh thông thạo Mông Cổ trong lòng bàn tay và thường xuyên dẫn khách đến cả những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất.
Bat-Erdene Nyamgere cũng chọn nghề du lịch. Anh từng học tại Trường California College nên nói tiếng Anh thông thạo. Đó là lợi thế vào thời điểm này, khi Mông Cổ được “khai quật” và dân du lịch ùn ùn kéo đến.
Ngành du lịch đang biến Mông Cổ thay đổi nhanh chóng. Những khách sạn, quán bar, nhà hàng, quán karaoke mọc lên liên tục. Bên cạnh đó, người dân cũng tận dụng mọi cách để phục vụ du khách. Ngay cả ngọn đồi Zaisan Hill mà chúng tôi leo lên để có thể ngắm toàn cảnh Ulaanbaatar có sẵn một chàng trai ngồi đó với chú chim đại bàng. Bỏ ra 5.000 tugrik (khoảng 43.000 đồng) là có thể chụp hình thoải mái với đại bàng cùng khung cảnh thành phố phía dưới chân.
Những con đại bàng oai vệ, những con lạc đà cao lớn và hiền lành, những tấm bia bằng da thú và cung tên... có thể gặp khắp nơi trên dọc đường đi ra thảo nguyên. Xe dừng giữa đường, du khách có thể chụp hình với đại bàng, cưỡi lạc đà, bắn cung tên. Chi phí vẫn khá rẻ cho một lần trải nghiệm. Ở mỗi nơi có cảnh đẹp, các khu nghỉ ngơi cũng mọc lên ngày càng hiện đại. Không hề có khách sạn trên thảo nguyên. Thay vào đó là những túp lều ger dành cho du khách, nơi những chiếc giường nệm đã thay thế các tấm thảm trải trên đất của dân du mục. Lò sưởi thay vì đốt bằng phân khô đã được thay thế bằng củi. Các khu nghỉ có nhà ăn, phòng tắm nước nóng, khu massage hiện đại cùng một số phương tiện giải trí.
Ulaanbaatar là nơi có một thương hiệu chuyên về len cashmere, loại len quý và hiếm được đan từ lông dê sống ở những vùng lạnh giá. Đó là nơi hiện đại, tách biệt hẳn với tất cả thảo nguyên, sa mạc của đất nước Mông Cổ. Ulaanbaatar có những ngôi nhà cao tầng đang liên tục xây dựng, những quán karaoke khắp nơi, garage ô tô mở đầy thủ đô. Có đến 90% dân thủ đô lái xe hơi nên luôn luôn bắt gặp những chiếc xe hơi nối thành hàng. Ở đây kẹt xe kinh khủng. Chính phủ phải quy định các loại xe mang biển số chẵn hay lẻ được lưu thông vào ngày quy định trong tuần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.