Nửa năm trôi qua bạn đã làm được gì, tiết kiệm được bao nhiêu?

Thảo Phương
Thảo Phương
05/07/2024 17:30 GMT+7

Những ngày đầu tháng 7, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều dòng trạng thái với nội dung nửa năm trôi qua đã làm được gì, tiết kiệm được bao nhiêu. Hết nửa năm, có người dần thực hiện được những mục tiêu và dự định mà mình đã đặt ra, cũng có những câu chuyện dở khóc dở cười cho rằng nửa năm nay "xé nháp" vì chưa dư được đồng nào…

Chưa tiết kiệm được đồng nào đã hết nửa năm

“Quay qua quay lại chưa làm được gì mà đã hết nửa năm, nhìn vào số dư tài khoản mà thấy nản lòng”, đó là chia sẻ của Lê Thị Cẩm Tú (23 tuổi), ngụ tại kiệt 82 Nguyễn Lương Bằng, P.Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng). Ra trường đi làm được hơn 7 tháng nay nhưng Tú cho biết nhận lương tháng nào là tiêu hết tháng đó nên nửa năm qua chưa tiết kiệm được đồng nào.

“Mục tiêu thì có nhiều nhưng hiện tại mới ra trường chỉ mong có công việc làm để lấy kinh nghiệm trước. Mang tiếng đi làm mà nửa năm qua không tiết kiệm được đồng nào thì cũng nản thật, mà nhiều lúc nghĩ lại thôi kệ không vay nợ là may rồi”, Tú cười nói.

Nửa năm trôi qua bạn đã làm được gì, tiết kiệm được bao nhiêu?- Ảnh 1.

Nửa năm trôi qua, nhiều người trẻ hoang mang vì chưa thực hiện được mục tiêu đã đề ra

THẢO PHƯƠNG

Đặt mục tiêu trong năm nay sẽ để dành tiền để mua xe mới, tuy nhiên, nửa năm trôi qua số tiền tiết kiệm trong tài khoản của vẫn chưa đến 10 triệu đồng. Nguyễn Huy Minh (23 tuổi), làm việc trên đường Nguyễn Gia Thiều, Q.3 (TP.HCM), chia sẻ: “Cứ đầu năm mình lại đặt mục tiêu để phấn đấu. Như năm nay mục tiêu lớn nhất của mình là mua xe nhưng có vẻ khó mà thực hiện được. Vì đã hết nửa năm mà số tiền tiết kiệm mới được ¼ chiếc xe”.

Minh cho biết tháng nào nhận lương xong cũng tính toán chi li hết mức mới tiết kiệm được 3 triệu đồng. “Nhưng có những khoản phát sinh mà mình không tính trước được như đám cưới, sinh nhật, khám bệnh… nên dần sẽ bị thâm hụt vào khoản tiền tiết kiệm”, Minh nói. Với số tiền chưa đến 10 triệu đồng trong tài khoản, Minh cho biết tháng sau nhóm bạn rủ đi du lịch và nếu tham gia, có thể khoản tiết kiệm đó cũng sẽ hết.

Cố gắng tăng tốc trong nửa năm còn lại để về đích

Trong năm nay, Nguyễn Thị Kim Ngân (25 tuổi), ngụ tại đường Kha Vạn Cân, TP.Thủ Đức (TP.HCM) đặt mục tiêu làm việc chăm chỉ để mỗi tháng đi du lịch một nơi. Dù nửa năm qua không tiết kiệm được bao nhiêu và tự nhận là nghèo vì đi du lịch, nhưng Ngân vẫn thấy vui.

Cô nàng chia sẻ: “Nửa năm qua mình đi du lịch được khá nhiều địa điểm ở trong nước, trung bình mỗi tháng đi 1 lần. Nhiều khi cũng muốn đặt mục tiêu lớn hơn nhưng hiện tại những điều đó vượt ngoài khả năng. Cho nên, trước mắt mình muốn đi nhiều để trải nghiệm. Dù tiền tiết kiệm dành hết cho những chuyến du lịch nhưng mình không thấy hối tiếc”.

Có những người trẻ, mục tiêu mà họ hướng đến không chỉ là tiền bạc, tiết kiệm được bao nhiêu mà là trau dồi thêm kiến thức và phát triển bản thân.

“6 tháng đầu năm mình đã tiết kiệm và mua được 1 chiếc laptop mới. Hiện tại, ngoài thời gian đi làm mình còn học thêm các khóa học về marketing vào buổi tối. Mình nghĩ mục tiêu tiết kiệm được nhiều tiền rất quan trọng nhưng việc làm giàu kiến thức, vốn hiểu biết của bản thân cũng cần được đầu tư. Vì đó chính là vốn liếng vững chắc để mình phát triển sau này”, Võ Thị Như Quỳnh (20 tuổi), làm việc trên đường Nguyễn Văn Luông, P.11, Q.6 (TP.HCM) chia sẻ.

Còn Khắc Ngọc Đạt (23 tuổi), ngụ tại đường Nguyễn Văn Lượng, P.16, Q.Gò Vấp (TP.HCM), thì chia sẻ: “Trong năm 2024, mình đặt ra khá nhiều mục tiêu, như: học hỏi thêm nhiều kỹ năng nhằm nâng cao giá trị bản thân, từ đó có công việc tốt, thu nhập cao; duy trì rèn luyện sức khỏe mỗi ngày với chạy bộ; kinh doanh về phụ kiện ngành thể thao; đi du lịch tại Hà Giang cùng mẹ…”.

Nửa năm trôi qua bạn đã làm được gì, tiết kiệm được bao nhiêu?- Ảnh 2.

Nhiều người trẻ cho biết sẽ cố gắng làm việc để hoàn thành mục tiêu năm 2024 trong 6 tháng còn lại

THẢO PHƯƠNG

Đạt cho biết vì những mục tiêu mình đề ra đều mang tính dài hạn, cho nên ngoài một công việc tốt, thu nhập ổn định bản thân đã đạt được, chàng trai gen Z vẫn cố gắng trau dồi để tốt hơn mỗi ngày.

“Mình bắt đầu có ý định khởi nghiệp từ những tháng đầu năm, đến nay cũng đã hoàn thành được nửa chặng đường. Nửa năm còn lại mình sẽ không ngừng đầu tư về mặt hình ảnh, chất lượng sản phẩm để hoàn thiện dự án của bản thân”, Đạt cho hay.

Làm chủ một cơ sở sản xuất nhỏ, anh Võ Văn Trí (33 tuổi), ngụ tại đường A3, P.Phước Long, TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), chia sẻ: “May mắn nửa năm qua 2 vợ chồng làm ăn cũng khá ổn định nên đã hoàn thành mục tiêu của 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, tôi cũng có thời gian, tài chính để đưa ông bà nội ngoại 2 bên đi du lịch đây đó. Hy vọng nửa năm còn lại sẽ bùng nổ hơn”.

Thạc sĩ Đinh Văn Mãi, giảng viên bộ phận kỹ năng mềm, Trung tâm phát triển năng lực sinh viên của Trường ĐH Văn Lang, chia sẻ: “Để hoàn thành được những mục tiêu đã đặt ra trong cuộc sống thì trước hết cần hiểu bản thân muốn gì để xác định mục tiêu rõ ràng, cụ thể, phù hợp với năng lực. Cần chủ động xây dựng kế hoạch triển khai mục tiêu đề ra, trong đó sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các công việc. Sau đó, lên lịch trình thực hiện kế hoạch hiệu quả, tránh thói quen trì hoãn bằng việc đặt thời gian cụ thể cho mỗi nhiệm vụ và cố gắng hoàn thiện công việc”.

Ông Mãi cho biết việc lập kế hoạch thực hiện mục tiêu cần được duy trì đều đặn để tạo nên thói quen làm việc có kỷ luật. Từ đó, ghi nhận những nỗ lực đã đạt được bằng việc nhận diện rõ những mục tiêu đã hoàn thành.

“Trong thời buổi công nghệ phát triển mạnh mẽ, người trẻ hãy tận dụng thời gian để thường xuyên cập nhật kiến thức mới bằng việc học tập nâng cao trình độ, tham gia các khóa học trực tuyến từ nguồn học liệu mở; trau dồi các kỹ năng cá nhân như: giao tiếp, giải quyết vấn đề, quản lý cảm xúc; đồng thời phát triển các mối quan hệ với những người cùng mục tiêu, tư duy tích cực để thúc đẩy nhau theo đuổi mục tiêu", ông Mãi cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.