Nước giàu nào không hứng thú chia sẻ bản quyền vắc xin Covid-19?

07/05/2021 12:28 GMT+7

Các nước phát triển đang tỏ ra bất đồng về việc dỡ bỏ bản quyền để chia sẻ công thức chế tạo vắc xin Covid-19 .

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 6.5 nói tuyệt đối ủng hộ việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19. Nhà lãnh đạo nói rằng vắc xin nên được chia sẻ cho người dân trên toàn thế giới.
Trước đó, chính quyền Mỹ thông báo sẽ dỡ bỏ việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các vắc xin của nước này nhằm giúp thế giới ngăn chặn Covid-19. Quyết định được các nước đang phát triển gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung vắc xin ủng hộ mạnh mẽ. Trong khi đó, các nước phát triển "sân nhà" của các công ty dược lớn tỏ ra thờ ơ.

Các hãng dược phản đối chia sẻ bằng sáng chế vắc xin Covid-19

Phía Anh tỏ ra thận trọng về quyết định này, trong khi Đức phản đối. CNN dẫn lời một người phát ngôn chính phủ Đức tuyên bố bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là nguồn gốc của sự sáng tạo và bước đi của chính quyền Mỹ sẽ có những tác động đáng kể đối với việc sản xuất vắc xin.
“Yếu tố hạn chế trong sản xuất vắc xin là năng lực sản xuất và các tiêu chuẩn chất lượng cao, không phải là bằng sáng chế”, người phát ngôn này nói. Công ty BioNTech của Đức là hãng sản xuất vắc xin chung với công ty Pfizer của Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 6.5 nói sẵn sàng ủng hộ ý kiến dỡ bỏ bản quyền vắc xin Covid-19, theo TASS. “Trong các điều kiện hiện đại, chúng ta không nên nghĩ về việc thu lợi nhuận tối đa mà là về đảm bảo an toàn của người dân. Sự an toàn chỉ được đảm bảo nếu vắc xin được sử dụng rộng rãi ở đa số nước trên thế giới”, Tổng thống Putin nói.
Việc đàm phán về bản quyền vắc xin Covid-19 đang diễn ra tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các nước có số ca nhiễm cao như Nam Phi và Ấn Độ đã kêu gọi dỡ bỏ quyền này để có được công thức và sản xuất vắc xin.
Giới chuyên gia dự đoán phải mất vài tháng thì quá trình đàm phán về thời hạn, quy mô của việc dỡ bỏ bản quyền vắc xin mới được hoàn tất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.