Nứt gót chân mức độ nặng có thể dẫn đến chảy máu và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Không chỉ da khô mà một số nguyên nhân khác cũng có thể gây nứt gót chân, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Thiếu vitamin C, B3 và E có thể khiến da bị khô và nứt nẻ gót chân |
SHUTTERSTOCK |
Thường xuyên đi chân đất, gót chân hay bị ma sát, mang giầy kém chất lượng cũng có thể dẫn đến nứt gót chân. Trong một số trường hợp, nứt gót chân còn có thể là dấu hiệu của một số loại bệnh như tiểu đường, nhiễm nấm hay chàm.
Ngoài ra, lão hóa da và thiếu hụt một số loại vitamin cũng khiến gót chân bị nứt nẻ. Các bằng chứng nghiên cứu cho thấy người dân ở các quốc gia xuất hiện tình trạng suy dinh dưỡng phổ biến sẽ dễ bị nứt gót chân do thiếu vitamin.
Nứt gót chân do thiếu vitamin
Thông thường, nứt gót chân do thiếu vitamin sẽ ít gặp hơn các loại nứt gót chân do các nguyên nhân khác. Tuy nhiên, nếu nứt gót chân do thiếu vitamin thì các loại vitamin thiếu sẽ là vitamin C, B3 và E, bác sĩ da liễu người Mỹ Anna Guanche tiết lộ.
Cụ thể, những người nứt gót chân do thiếu vitamin C sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh Scorbut. Các triệu chứng thường gặp của tình trạng này là da khô, chảy máu nướu răng, chảy máu nang lông. Để khắc phục tình trạng thiếu vitamin C, các chuyên gia khuyến cáo nên tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, ổi, cải xoăn.
Trong khi đó, thiếu vitamin B3 cũng sẽ gây các triệu chứng như khô da, dễ bị kích ứng, tiêu chảy và trí nhớ kém. Ức gà, đậu lăng, trái bơ và các hồi là những món giàu vitamin B3.
Thiếu vitamin E sẽ gây ra các vấn đề về thị lực, yếu cơ, lão hóa sớm và khô da. Khi đó, người mắc có thể bổ sung vitamin E bằng cách ăn xoài, hạt hướng dương và hạnh nhân.
Nếu nghi ngờ tình trạng nứt gót chân của mình là do thiếu vitamin, người mắc cần tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung vitamin đúng cách, theo Healthline.
Bình luận (0)