NXB GD chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM: Trả cho mục đích gì cũng xung đột lợi ích

07/12/2019 07:36 GMT+7

Các chuyên gia và đại biểu Quốc hội đều bất ngờ về việc lãnh đạo, cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM nhận thù lao dễ dàng từ doanh nghiệp và cho rằng đó là xung đột lợi ích.

Luật Phòng chống tham nhũng quy định không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức

“Về nguyên tắc, là công chức anh phải từ chối”

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng phải làm rõ thù lao đấy là để trả cho việc gì, nhưng dù trả cho việc gì thì cũng không được vì nó bị xung đột lợi ích.
“Nếu có một hợp đồng như vậy, về mặt nguyên tắc anh phải từ chối, vì anh là công chức... Một trong những nguyên tắc công vụ là không được để xảy ra xung đột lợi ích, nó là nguyên tắc cao nhất của quyền lực công”, tiến sĩ Dũng nhấn mạnh.
Một cán bộ của Bộ GD-ĐT chia sẻ ông cũng muốn viết sách về đổi mới phương pháp dạy học dành cho giáo viên, nhưng muốn phát hành thì phải phối hợp với nhà xuất bản (NXB), nên ông tránh để khỏi gây áp lực cho các trường và giáo viên khi phải chọn sách do “người của Bộ” biên soạn.

UBND TP.HCM yêu cầu Sở GD-ĐT giải trình về khoản thù lao của NXB Giáo dục

Ngày 6.12, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã ký công văn khẩn gửi Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu giải trình về các nội dung bài báo NXB Giáo dục chi thù lao hằng tháng cho lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM trên Báo Thanh Niên ngày 5.12. Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm chỉ đạo như sau: Đề nghị Sở GD-ĐT giải trình các nội dung đề cập trong bài báo nêu trên, báo cáo thường trực UBND trước ngày 8.12.  
 Bích Thanh - T.Hiếu
Còn nhớ cách đây gần 10 năm, một Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học của Bộ đứng tên trên hàng loạt cuốn sách ôn thi bán trên thị trường. Dù lúc đó không quy định nào cấm, sách tham khảo cũng là loại sách tự chọn nhưng dư luận vẫn xôn xao khi cán bộ của Bộ viết sách để bán cho học sinh. Dư luận có quyền nghi ngờ cho đó là sự “chỉ đạo” các cơ sở giáo dục về việc mua sách nào để ôn thi cho đơn vị mình.

Tìm chuyên gia sao phải qua lãnh đạo sở ?

Trả lời báo chí ngày 6.12, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: “Thù lao mà NXB Giáo dục chi cho cán bộ, chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM là thù lao việc sở hỗ trợ NXB về công tác chuyên môn, tổ chức đội ngũ tác giả, chuyên gia tư vấn... trong quá trình biên soạn bộ SGK mới. Đây không phải là thù lao cho cán bộ sở để làm công tác phát hành sách”.
Đối chiếu với luật Phòng chống tham nhũng, một trong những quy định đáng chú ý là: người có chức vụ, quyền hạn không được tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác về công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết. Luật này cũng quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

Liên kết phải tuân theo luật

 
Chiều tối 6.12, đại diện Bộ GD-ĐT có ý kiến về việc Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với NXB Giáo dục VN biên soạn một bộ SGK và nhận thù lao hằng tháng từ nhà xuất bản này.
Phần trả lời ghi rõ: Theo quy định của luật Xuất bản thì việc liên kết với tổ chức, cá nhân trong hoạt động xuất bản quy định trách nhiệm của tổng giám đốc (giám đốc) NXB. Vì vậy, tổng giám đốc (giám đốc) NXB phải chịu trách nhiệm về đối tác, hình thức liên kết và giao kết hợp đồng liên kết đối với từng xuất bản phẩm (ở đây là SGK).
Trách nhiệm của đối tác (cá nhân, tổ chức) liên kết xuất bản với NXB đã được quy định trong luật Xuất bản và các quy định có liên quan của pháp luật. Ngoài ra, nếu đối tác liên kết xuất bản là cán bộ, công chức nhà nước thì phải tuân thủ các quy định của luật Công chức, luật Phòng, chống tham nhũng...; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng tránh sự xung đột về lợi ích có thể xảy ra.
Trong trường hợp này, NXB Giáo dục VN và Sở GD-ĐT TP.HCM có trách nhiệm giải trình cụ thể về việc mà báo chí đã nêu...  
 Tuyết Mai
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, bày tỏ: “Tôi cho rằng đầu tiên phải yêu cầu cả NXB Giáo dục và cả Bộ GD-ĐT phải giải thích về vấn đề này. Tại sao lại có khoản thù lao này và tại sao lại là TP.HCM? Liệu có gì đằng sau đó không? Nếu lý do là tìm chuyên gia để soạn SGK, tại sao anh không công bố công khai thông tin để xã hội, chuyên gia biết mà tham gia? Tại sao phải thông qua lãnh đạo sở? Giải thích đó không ổn. Họ đã bao giờ thông báo tìm chuyên gia một cách công khai chưa? Nếu giám đốc sở giới thiệu người nhà, người quen thì sao? Nếu thực sự vì mục đích đi tìm chuyên gia thì phải tìm ở các hiệp hội, chứ không ai tìm qua sở. Giải thích như vậy tôi cho là không hợp lý”.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng cần xem xét kỹ những thông tin mà các vị lãnh đạo sở đó có được là qua hoạt động thực thi công vụ của họ. Ví dụ mạng lưới chuyên gia công tác trong ngành, họ muốn có cũng phải thông qua phòng ban chức năng. Cho nên họ không thể hưởng thù lao cho cá nhân mình được. Việc nhận thù lao khiến họ không khách quan khi đưa ra lựa chọn SGK là có khả năng diễn ra. “Rất nhiều cử tri nói với tôi rằng, thậm chí còn có câu chuyện ngấm ngầm đằng sau đó, nó có vẻ không minh bạch”, ông Nhưỡng chia sẻ.

Sở GD-ĐT TP.HCM còn ai đủ tiêu chuẩn chọn SGK ?

Danh sách của “Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn SGK mới” nhận thù lao của NXB Giáo dục VN gồm 11 người của Sở GD-ĐT TP.HCM: ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở là trưởng ban; Phó giám đốc Nguyễn Văn Hiếu là phó ban; còn lại đều là các trưởng, phó trưởng phòng giáo dục tiểu học, trung học; chánh văn phòng, phó chánh văn phòng. Quyết định nhận thù lao còn có nhóm tư vấn hỗ trợ gồm 15 người, trong đó 14 người là chuyên viên các môn học hoặc phòng ban chuyên môn của sở GD-ĐT TP.HCM.
Đại diện của cả NXB Giáo dục VN và Sở GD-ĐT TP.HCM đều lý giải về việc lựa chọn SGK trong thời gian tới không bị ảnh hưởng bởi việc nhận thù lao kể trên. Các ý kiến này cho rằng các cơ sở giáo dục được quyền chọn SGK theo Nghị quyết 88 của Quốc hội và bộ SGK do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp biên soạn cũng được các trường tại TP.HCM lựa chọn công bằng với các bộ SGK khác.
Tuy nhiên, đến tháng 7.2020 khi luật Giáo dục chính thức có hiệu lực thì việc lựa chọn SGK sẽ là quyền của UBND cấp tỉnh. Khi đó, Sở GD-ĐT sẽ là cơ quan tham mưu và có vai trò chính trong hội đồng lựa chọn SGK mới cho địa phương mình.
Dự thảo thông tư quy định chọn SGK mà Bộ GD-ĐT mới công bố, nêu rõ: “Người đã tham gia biên soạn, thẩm định SGK của các NXB không được tham gia hội đồng”. Đây là quy định mang tính nguyên tắc căn bản và dù thông tư soạn theo Nghị quyết của Quốc hội hay theo luật Giáo dục thì quy định này vẫn phải áp dụng.
Vấn đề đặt ra, khi thực hiện luật Giáo dục, với hàng chục lãnh đạo, cán bộ của Sở GD-ĐT TP.HCM nhận thù lao của NXB Giáo dục VN “tham gia biên soạn SGK” như vậy thì UBND TP.HCM có thể dựa vào Sở GD-ĐT để thành lập hội đồng chọn SGK được không? Ai sẽ là người của Sở GD-ĐT đủ tiêu chuẩn để lãnh đạo và tham gia vào hội đồng này?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.