Chia tay vì “thù trong” lẫn “giặc ngoài”
Những lời tố này xuất phát từ trưởng nhóm fanclub (câu lạc bộ người hâm mộ) của Jack (tên thật là Trịnh Trần Phương Tuấn), tuy nhiên, ngay thời điểm đó, nhân vật chính lại không lên tiếng một cách chính thức và rõ ràng. Ngày 26.12, Công ty quản lý ICM đã phản hồi với truyền thông thông qua bản thông cáo báo chí quanh những ồn ào. Theo đó, phía Công ty ICM khẳng định Jack vẫn là nghệ sĩ độc quyền của đơn vị này với bản hợp đồng có thời hạn 5 năm từ ngày 1.5.2019. “Về những thông tin đồn thổi trong khoảng thời gian qua, những sự công kích ác ý dành cho nhân sự của Công ty ICM hay dành cho K-ICM về cách đối xử với Jack, xin thẳng thắn nói rằng chúng tôi sẽ không giải thích, không phản hồi vì đó là những cáo buộc vô căn cứ nhằm mục đích phá hoại, chia rẽ nội bộ ICM”, thông cáo viết. Sau đó, trên fanpage Phương Tuấn (được cho là fanpage chính thức của Jack), có đăng trạng thái: “Pháp luật đang và sẽ bảo vệ Jack”. Anh cũng đăng tải bản demo ca khúc Đom đóm hợp tác cùng ViruSs, đồng thời khẳng định sẽ “chiến đấu bằng mọi giá”. Và “cuộc chiến” vẫn chưa có hồi kết…
|
Trước vụ việc Jack, showbiz Việt đã chứng kiến không ít những ồn ào từ nhiều vụ chia tay “cơm không lành canh không ngọt” giữa ca sĩ với công ty/người quản lý: Sơn Tùng M-TP, Erik, Suni Hạ Linh, Tronie... Đình đám nhất có lẽ là vụ việc giữa Sơn Tùng M-TP hồi cuối năm 2014, khi công ty quản lý anh ra văn bản cấm diễn 6 tháng với lý do anh nhiều lần vi phạm hợp đồng lao động. Sau đó, nam ca sĩ đã “phản pháo”…
Cả ca sĩ nhí và công ty quản lý cũng dính lùm xùm. Vài năm trước, một trung tâm đã phát hiện và đưa giọng ca nhí Mai Chí Công đến Hà Nội đào tạo. Tuy nhiên, sau này gia đình của “hot boy” The voice kids đã phá vỡ những cam kết trong hợp đồng độc quyền với trung tâm, tự ý ký hợp đồng với công ty khác. Bố của Mai Chí Công cho rằng gia đình ông chưa bao giờ nhận được những kế hoạch về định hướng đào tạo rõ ràng, hay lịch biểu diễn thường về đêm, phải cam kết tham gia đầy đủ show diễn nhưng không ghi rõ giới hạn số lượng show... của trung tâm.
Nhìn lại các hợp đồng “giữa đường đứt gánh”, có thể thấy nguyên nhân xoay quanh các vấn đề: sức khỏe không đảm bảo vì lịch diễn quá nhiều, thiếu tôn trọng lẫn nhau, quyền lợi không phù hợp với trách nhiệm… “Chân lý ở cả showbiz VN lẫn thế giới: sau một giai đoạn cơm lành canh ngọt, khi nghệ sĩ bắt đầu có “name”, nổi tiếng sẽ nảy sinh tâm lý chống lại đơn vị quản lý họ vì những lý do mà ban đầu họ chấp nhận”, một cựu quản lý của nhiều ca sĩ nổi tiếng nhận định. Chưa kể, theo ông bầu Hoàng Tuấn - quản lý ca sĩ Đan Trường hơn 20 năm qua, “khi ca sĩ bắt đầu được chú ý trên thị trường, họ cũng sẽ dễ bị tác động bởi nhiều “chiêu dụ” bên ngoài, với những hứa hẹn thơm tho, chiến lược hoành tráng, viễn cảnh xán lạn… Đan Trường hay cả những ca sĩ sau này của công ty chúng tôi cũng từng nhận không ít những lời mời lẫn kích động như vậy”.
Thiếu chuyên nghiệp trong ký kết hợp đồng
Một nhạc sĩ từng quản lý nhiều ca sĩ chia sẻ, trạng thái tâm lý của ca sĩ không khác gì mấy so với người lao động khi làm ở một tổ chức và nhìn nhận: “Khi ca sĩ lên ngôi sao rồi thường chủ quan, cho rằng mình làm gì cũng đúng, đủ giỏi để lựa chọn con đường của mình. Cách nghĩ này lại được cộng hưởng bởi những tung hô xung quanh nên họ càng chủ quan”.
Những lùm xùm trong showbiz cho thấy việc cần nhìn nhận từ cả hai phía: ca sĩ và công ty quản lý, trong việc thiếu chuyên nghiệp khi ký kết hợp đồng cũng như việc thiếu tôn trọng những cam kết trong hợp đồng; hay cách khai thác chỉ nghĩ đến lợi nhuận. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, nhiều hợp đồng được soạn thảo không chặt chẽ với những quy định về quyền và trách nhiệm cho cả hai. Điều này đã tạo khe hở để các bên tìm cách lợi dụng. Thậm chí, không ít ca sĩ hay nhóm nhạc vẫn chưa chú trọng đến sự chặt chẽ trong các bản hợp đồng, mà chủ yếu hoạt động theo “nguyên tắc tình cảm”. “Những quy định được ràng buộc bởi các yếu tố pháp lý sẽ giúp việc vận hành được chuyên nghiệp. Thực tế, các nguyên tắc và cơ sở pháp lý cũng như ý thức tuân thủ các ràng buộc pháp lý là một trong những nguyên nhân tạo nên tính chuyên nghiệp của nghệ sĩ quốc tế”, ông Long nói.
Song, ở góc độ khác, theo ông Hoàng Tuấn, dù có hợp đồng nhưng khi quyền lợi và nghĩa vụ không phù hợp thì một trong hai phía sẽ tìm cách ra đi. “Làm sao để ca sĩ cảm thấy không nơi nào tốt hơn nơi mình đang làm việc, đó mới là yếu tố quyết định sự lâu dài của các cuộc hợp tác, sự bền chặt của các quan hệ ca sĩ - quản lý”, ông Tuấn nói. “Đến nay công ty chúng tôi với ca sĩ Đan Trường, Cao Thái Sơn, Trung Quang (hay cả Hương Tràm trước đây) không làm hợp đồng. Nguyên tắc của chúng tôi là đừng bao giờ nghĩ bên nào quan trọng hơn, mà phải làm việc vì cần nhau”, ông nói.
Bình luận (0)