Tối 5.6, tờ South China Morning Post đưa tin ông Vương Nghị - Ngoại trưởng Trung Quốc, vừa có cuộc gọi để trao đổi với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. Cuộc gọi được ông Vương thực hiện từ tỉnh Quý Châu, nơi ông vừa có các cuộc hội đàm với các đồng cấp của Hungary, Ireland, Serbia và Ba Lan.
Nga - Trung liên thủ ?
Theo đó, trong cuộc gọi, Ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi Nga cùng phối hợp chống lại các hành động “ngang ngạnh” của Mỹ.
“Mỹ đã thành lập các nhóm nhỏ dưới chiêu bài dân chủ, sử dụng nhân quyền như một cái cớ để can thiệp vào chính trị nội bộ các nước và thực hiện chủ nghĩa đơn phương dưới ngọn cờ chủ nghĩa đa phương”, tờ South China Morning Post dẫn lời Ngoại trưởng Vương dựa trên nội dung thông cáo được phát đi sau cuộc gọi.
Hải quân Trung Quốc tập trận viễn chinhTờ South China Morning Post ngày 6.6 đưa tin một đơn vị hải quân thuộc Chiến khu Nam bộ của Trung Quốc vừa hoàn tất đợt tập trận xa bờ kéo dài một tháng tại Thái Bình Dương. Các tàu chiến đã di chuyển hơn 6.700 hải lý (khoảng 12.400 km), vượt biển Celebes (nằm giữa Philippines và Indonesia) và đến tập trận tại vùng tây Thái Bình Dương.
Số tàu chiến tham gia tập trận không được công bố nhưng quân đội Trung Quốc thông báo hơn 20 cuộc tập trận nhỏ đã diễn ra trong đợt tập trận này, trong đó có nội dung chống tên lửa và chống máy bay. Giới chuyên gia quân sự nhận định đợt tập trận này cho thấy Trung Quốc đang muốn mở rộng phạm vi hoạt động ra các vùng biển xa hơn, mang thông điệp cho thấy hải quân Trung Quốc đã có thể áp sát căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam.
Vi Trân
|
Thực tế, Washington cũng đã xác định Nga và Trung Quốc đang là 2 đối thủ cạnh tranh lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt. Đó là điều đã được các quan chức đầu ngành tình báo Mỹ nhấn mạnh khi điều trần tại Quốc hội nước này hồi tháng 4 vừa qua, theo Đài NPR.
Washington không nhún nhường
Trong khi đó, Mỹ dưới thời ông Biden cũng liên tục có nhiều động thái đối phó Trung Quốc. Washington đã liên tục đẩy mạnh các hoạt động thể hiện sự ủng hộ dành cho Đài Loan, vốn được xem là vấn đề mang tính “lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh. Hôm qua 6.6, nhóm gồm 3 thượng nghị sĩ Mỹ Tammy Duckworth, Dan Sullivan và Christopher Coons đến từ 2 đảng chính trị Mỹ đã có chuyến viếng thăm Đài Loan, gặp gỡ nhà lãnh đạo sở tại Thái Anh Văn.
Kể từ khi ông Biden nhậm chức, nối tiếp các diễn biến vào năm 2020, số lượng chuyến công du của quan chức và chính trị gia Mỹ đến Đài Loan vẫn liên tục diễn ra. Cuối tháng 3 vừa qua, Đại sứ Mỹ tại Palau John Hennesey-Niland cùng Tổng thống Palau Surangel Whipps đến Đài Loan. Sang tháng 4, Tổng thống Biden phái một nhóm cấp cao gồm cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Christopher Dodd, các cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Armitage và James Steinberg viếng thăm Đài Loan.
Không những vậy, chính quyền của Tổng thống Biden cũng đang xem xét bán pháo tự hành M109A6 “Paladin” cho Đài Loan. Vào tháng 5, lực lượng phòng vệ trên không của Đài Loan đã bắn thử tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 ở phía đông nam Đài Loan. Đây là lần đầu tiên Washington cho phép Đài Bắc bắn thử loại tên lửa này ở các khu vực xung quanh đảo sau khi bán cho Đài Loan.
Gần đây, Trung Quốc liên tục triển khai các nhóm chiến đấu cơ xâm nhập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Do đó, việc Washington cho phép Đài Bắc bắn thử tên lửa AIM-120 mang ý nghĩa như một lời cảnh báo đối với lực lượng không quân do Bắc Kinh phái đi. Thêm vào đó, pháo tự hành M109A6 “Paladin” cũng giúp Đài Loan tăng cường năng lực phòng thủ trước nguy cơ đổ bộ tấn công do Bắc Kinh phát động.
Bên cạnh đó, tối 12.3 (theo giờ VN) - tức chưa đầy 2 tháng sau khi ông Biden nhậm chức, Mỹ đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử của “bộ tứ kim cương” (gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ). Hội nghị không chỉ đưa ra chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào Trung Quốc mà còn hoàn thiện chiến lược đối phó Bắc Kinh. Trước đó, giữa tháng 2, chưa đầy 1 tháng sau khi ông Biden nhậm chức, hội nghị cấp cao của ngoại trưởng các nước thuộc “bộ tứ kim cương” cũng đã diễn ra.
Nằm trong chuỗi hành động đối phó Bắc Kinh, Bloomberg ngày 4.6 đưa tin Tổng thống Biden đã ký sắc lệnh đưa vào danh sách đen 59 công ty Trung Quốc có quan hệ với quân đội hoặc lĩnh vực do thám, trong đó có Huawei Technologies và 3 công ty truyền thông lớn nhất nước này. Hay mới đây, ông Biden còn yêu cầu lực lượng tình báo Mỹ tiến hành điều tra nguồn gốc vi rút gây ra Covid-19. Tất cả khiến cho giới quan sát nhận xét Tổng thống Biden không hề có ý định “xuống thang” các chính sách từ thời người tiền nhiệm để đối phó Trung Quốc.
Khiến Nga “bật ngửa”
Theo kế hoạch, ông Biden sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào ngày 16.6 tới tại Thụy Sĩ. Cuộc gặp được lên kế hoạch từ tháng 5 nhằm “cải thiện quan hệ song phương”. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Biden kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Thế nhưng, ngay trước thềm cuộc gặp, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman ngày 28.5 bất ngờ thông báo người đồng cấp Nga Sergei Ryabkov về Mỹ quyết định không quay lại Hiệp ước Bầu trời mở. Có hiệu lực từ năm 2002, hiệp ước cho phép máy bay nước khác bay ngang bầu trời những quốc gia thành viên để quan sát các cơ sở quân sự của đối phương.
Đến cuối năm ngoái, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Washington rút khỏi hiệp ước với lý do Moscow nhiều lần vi phạm thỏa thuận. Khi đó, trong vai trò đối thủ tranh cử Tổng thống Mỹ với ông Trump, ông Biden cho rằng chính quyền đương nhiệm đã suy nghĩ “thiển cận” khi đưa ra quyết định trên. Cho nên, sau khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ, Moscow úp mở rằng Washington sẽ nối lại hiệp ước trên. Chính vì vậy, việc thông báo không quay lại hiệp ước Bầu trời mở được xem như cú trở cờ của ông Biden, khiến Nga phải bất ngờ.
Không những vậy, hôm qua (6.6), Tổng thống Biden có bài bình luận đăng trên tờ The Washington Post về chuyến công du sắp tới đến châu Âu, trong đó có chương trình hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin. Qua bài viết, ông khẳng định sẽ sát cánh cùng các đồng minh châu Âu để chống lại Nga.
Từ những diễn biến trên, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga vào ngày 16.6 tới được đánh giá sẽ rất căng thẳng.
Bình luận (0)