Ông Vương Đình Huệ tiếp tục được đề cử bầu làm Chủ tịch Quốc hội

Lê Hiệp
Lê Hiệp
20/07/2021 12:41 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV tiếp tục giới thiệu ông Vương Đình Huệ để Quốc hội bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XV.

Sáng nay, 20.7, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch và uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.
Ông Vương Đình Huệ, người vừa được bầu là Chủ tịch Quốc hội khóa XIV hồi tháng 4 vừa qua, tiếp tục được đề cử để Quốc hội bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức

Theo chương trình đã được thông qua, chiều nay, Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín để bầu Chủ tịch Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ ngay sau khi có kết quả bầu và Quốc hội thông qua nghị quyết về việc bầu Chủ tịch Quốc hội.
Ông Vương Đình Huệ năm nay 64 tuổi, là Bí thư Hà Nội thứ 2 được giới thiệu bầu làm Chủ tịch Quốc hội (người trước đó là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng).
Ông Huệ quê xã Nghi Xuân, H.Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An; là Uỷ viên T.Ư Đảng 4 khoá (từ khoá X đến khoá XIII); Uỷ viên Bộ Chính trị 2 khoá (XII, XIII). Ông tham gia T.Ư lần đầu năm 49 tuổi và tham gia Bộ Chính trị lần đầu năm 54 tuổi.
Ông là đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, XV. Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV vừa qua, ông Huệ là người có tỷ lệ phiếu bầu cao nhất cả nước.
Ông Vương Đình Huệ xuất thân là giảng viên tại ĐH Tài chính - Kế toán Hà Nội, được phong Nhà giáo ưu tú năm 1988. Ông có 4 năm làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Kinh tế Bratislava, Cộng hòa Slovakia.
Kể từ khi tham gia T.Ư vào năm 2006, ông Huệ trải qua các cương vị: Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng ban Kinh tế T.Ư, Phó thủ tướng phụ trách kinh tế.
Tháng 2.2020, ông được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội thay ông Hoàng Trung Hải, và đến tháng 10.2020 chính thức được bầu làm Bí thư Thành uỷ.

Chủ tịch Quốc hội khóa XV Vương Đình Huệ phát biểu nhậm chức

Ông Huệ gây ấn tượng lớn đầu tiên vào tháng 9.2011, khi vừa nhậm chức Bộ trưởng Tài chính, đã tổ chức một hội thảo lớn về giá xăng dầu, tuyên bố "nếu cần công bố gian lận tôi sẽ công bố các gian lận", yêu cầu các đầu mối kinh doanh xăng dầu "đừng doạ nhà nước", "nếu doanh nghiệp nào không làm được thì rút"...
Trên cương vị Phó thủ tướng, ông Huệ được ghi công trong việc kiềm chế nợ công; tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu, sửa đổi luật Các tổ chức tín dụng.
Ông Vương Đình Huệ cũng có nhiều đóng góp trong xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, tăng năng lực cho các ngân hàng với việc Quốc hội và Chính phủ chấp thuận tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng cổ phần thương mại nhà nước, bổ sung vốn điều lệ cho VAMC...
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng từng là Trưởng ban chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém ngành Công thương.
Trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Huệ xuất hiện ở nhiều nơi và chỉ đạo xử lý nhiều việc cụ thể, như nhà 8B Lê Trực, bãi rác Nam Sơn. Dưới thời của ông, Hà Nội cũng đã công bố được 6 đồ án quy hoạch đô thị trung tâm và định hướng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Trong 3 tháng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XIV, ông Huệ nhiều lần nhấn mạnh về việc xây dựng một Quốc hội liêm chính để giám sát được Chính phủ liêm chính; một Quốc hội chủ động, dẫn dắt thay vì “bắc nước sôi chờ gạo".
Đề cử nhân sự Phó chủ tịch và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề cử nhân sự Phó chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.
Theo đó, các ông Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Khắc Định và Nguyễn Đức Hải vẫn tiếp tục được giới thiệu để quốc hội bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội. Ngoài ra, thượng tướng Trần Quang Phương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội. Ông Phương dự kiến sẽ thay vị trí của ông Đỗ Bá Tỵ.

13 nhân sự được đề cử bầu làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ gồm các ông, bà Nguyễn Thúy Anh (Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội), Dương Thanh Bình (Trưởng ban Dân nguyện), Bùi Văn Cường (Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), Vũ Hải Hà (Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại), Lê Quang Huy (Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT), Lê Thị Nga (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp), Vũ Hồng Thanh (Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế), Nguyễn Thị Thanh (Trưởng ban Công tác đại biểu), Hoàng Thanh Tùng (Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật), Nguyễn Đắc Vinh (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục).

Ngoài ra, nhân sự Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 3 gương mặt mới gồm: thiếu tướng Lê Tấn Tới (Thứ trưởng Bộ Công an); ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, ông Y Thanh Hà Nie Kđăm, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Chiều nay, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua danh sách bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi bỏ phiếu kín bầu các chức danh nêu trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.