|
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 6: Chiến dịch Mậu Thân
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 5: Chiến thắng Ấp Bắc
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 4: Đơn độc trong vùng nguy hiểm
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 3: Bắt đầu cuộc sống kép
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 2: Tìm đường đến Mỹ
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 1: Sứ mệnh bắt đầu
Sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân, Ẩn cho biết CIA đã tiếp cận ông và đề nghị ông tới điều hành một trại bò sữa ở Tây Ninh, nằm giữa vùng B và C, được biết là nơi Việt Cộng hay thâm nhập. Ẩn sẽ đóng vai là một chủ trại quý phái, nhiệm vụ thực sự của ông chỉ là nuôi bò và quan sát các công nhân rồi báo cáo. Ẩn rất lo lắng trước đề nghị này bởi vì ông sẽ phải rời tờ Time và trở thành một điệp viên hai mang, điều mà ông chẳng hề muốn chút nào. Lời đề nghị có câu “hãy đến gặp chúng tôi sau”, nghĩa là ông có thể từ chối. “Tôi quyết định không xin ý kiến cấp trên rằng tôi có nên nhận lời hay không bởi lẽ tôi không hề muốn làm điệp viên hai mang chút nào”.
Cho rằng có lẽ lý do khiến Ẩn từ chối là bởi ông không thích làm chủ trang trại, nên nhân viên CIA đã tiếp cận ông lần trước lại gợi ý ông đến điều hành một nhà máy đồ hộp ở Nha Trang và Vũng Tàu, cũng với mục đích là theo dõi hoạt động của Việt Cộng. Công việc duy nhất của Ẩn sẽ là quan sát hoạt động của các ngư dân đến bán cá, bởi vì CIA muốn tìm ra những chiếc thuyền được sử dụng để tuồn vũ khí vào miền Nam. Ẩn cũng đã nhanh chóng từ chối lời đề nghị.
Một đề nghị gây tò mò khác đến từ CIO, ngay sau khi ký Hiệp định Paris vào năm 1973. Biết rằng phái đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời đang trú tại một khách sạn gần đấy, CIO lên kế hoạch cài thiết bị nghe lén điện tử tại tiệm Givral nhằm mục đích thu được thông tin có giá trị từ các cuộc trao đổi của họ liên quan đến kế hoạch lập “chính phủ liên hiệp”. Givral do tư nhân sở hữu, vì thế CIO muốn vợ của Ẩn dùng tiền của CIO để mua lại quán này. Ông Ẩn không thích vụ này chút nào, nhưng việc cài máy nghe lén vẫn được tiến hành và một phần của tiệm đã được tân trang thành một quầy cà phê sữa và kem để che giấu mục đích thực sự của việc sửa quán, tức là lắp thiết bị nghe lén. “Đó là cách rất dễ để bị bắt. Không ai có thể bảo vệ anh ngoại trừ chính bản thân anh”, Ẩn nói.
Phần lớn các đồng nghiệp vào lúc này hay lúc khác cho rằng Ẩn đang cộng tác ở một cấp độ nào đó với CIA. Richard Pyle, Trưởng văn phòng hãng AP tại Sài Gòn từ năm 1970 đến 1973, nhớ lại rằng vào mỗi ngày, từ chiếc bàn quen thuộc của mình tại quán Givral, “Ẩn chia sẻ các mẩu tin thú vị về chính trường rối rắm của Sài Gòn cũng như những mưu đồ bên trong Dinh Tổng thống cho một đám đông thính giả chăm chú lắng nghe như những đồ đệ - đó là các phóng viên Việt Nam làm việc cho báo đài nước ngoài. Những phóng viên này sau đó trở về các văn phòng với thông tin nội tình mới nhất mà họ nhận được từ “các nguồn tin” của mình. Không có gì bí ẩn với xuất xứ của các thông tin ấy, và một câu đùa thường trực của cánh nhà báo đó là bất cứ ai có mối liên hệ với Ẩn đều chắc chắn là người của CIA”.
Rất có lý khi CIA tìm cách tuyển mộ Ẩn. Ai cũng biết trong các công đoàn lao động thân chính phủ đều có đầy người của Cộng sản và các hội đoàn này đang trở thành thùng chứa những người thâm nhập. Một đầu mối ở CIA đã đề nghị Ẩn ngụy trang làm phóng viên mảng tin tức công đoàn để có thể theo dõi các hoạt động bị tình nghi là của Việt Cộng. Đáp lại, CIA sẽ cung cấp cho Ẩn vài tin độc quyền rất giá trị, nhờ đó có thể nâng cao vị thế của ông tại tờ tạp chí. Ẩn kể với tôi rằng ông đã từ chối lời đề nghị, với lý do rằng ông đã có đủ các nguồn tin tốt rồi, bởi lẽ ông biết rằng công việc theo đề nghị là rất nguy hiểm cho vỏ bọc của ông…
Khi chiến tranh kết thúc, Ẩn đối mặt với câu hỏi là liệu có phải ông từng làm điệp viên hai mang hay không. “Tôi may mắn bởi vì nếu trước kia từng nhận lời làm việc cho CIA thì nay sẽ gặp rắc rối lớn với bên an ninh. Tôi bị theo dõi rất chặt bởi tôi là người duy nhất không bị bắt trong suốt hai mươi ba năm và họ muốn biết làm sao lại có chuyện như vậy. Họ không thể kiểm tra các mối liên lạc của tôi bởi tôi tự làm việc cho mình. Tôi là một ca đặc biệt bởi không ai ra lệnh cho tôi. Không có một người điều khiển tôi thực sự. Tôi gửi báo cáo đi và trước khi chiến tranh kết thúc thì họ không nói với tôi điều gì ngoại trừ vụ Ấp Bắc. Sau chiến tranh, họ bảo tôi viết ra mọi thứ để chuẩn bị nhận danh hiệu. Tôi đã làm như vậy nhưng rồi họ muốn thêm nữa. Họ muốn biết tất cả các đầu mối của tôi, họ muốn tôi báo cáo tên của tất cả bạn bè, tất cả những người mà tôi đã làm chung trong chừng ấy năm. Tôi từ chối. Tôi có quá nhiều bạn bè rất tin tưởng vào tôi. Tôi cũng không bao giờ tiết lộ nguồn tin. Rồi thì họ cho rằng tôi có người bảo trợ, có thể là trong mạng lưới Tưởng Giới Thạch như bạn tôi là Francis Cau, đứng đầu mạng lưới tình báo ở Đông Nam Á, người thường đến nhà tôi. Nhiệm vụ của ông ta là nhổ cỏ Cộng sản ở Chợ Lớn, ông ta thường chia sẻ thông tin với tôi và muốn tôi làm việc cho ông ta”.
Hai vụ việc trên có thể chứng minh rõ ràng nhất cho sự khách quan rạch ròi của Ẩn đối với nghề kép của mình và đánh tan lời buộc tội về hoạt động tung tin thất thiệt xảy ra trong Chiến dịch Lam Sơn 719 và Chiến dịch Xuân - Hè 1972.
Ngày 8.2.1971, hai mươi ngàn lính Việt Nam Cộng hòa tiến qua vùng cán chảo của Lào để cắt đứt Đường mòn Hồ Chí Minh trong một chiến dịch có tên gọi “Lam Sơn 719”... Mục tiêu trực tiếp đầu tiên là thị trấn Tchepone, cách biên giới Việt Nam chừng bốn mươi cây số. Thị trấn này nằm kế bên Đường 9 và trên thực tế tất cả các tuyến nhánh của Đường mòn Hồ Chí Minh đều đi xuyên qua khu vực này.
Chuyện Ẩn gửi trước bản phân tích của mình dự báo về chiến dịch ở Lào là hiển nhiên. “Ai cũng biết trước rất rõ về nước Lào, trừ những người lãnh đạo,” ông Ẩn nói với tôi. “Trong số các đầu mối tiếp xúc đầu tiên của tôi có một đại tá Quân lực Việt Nam Cộng hòa, các lính dù và lực lượng đặc biệt. Tôi nhớ cái hôm gặp viên đại tá, người vừa vắng mặt tại Sài Gòn trong vài ngày. Da ông ta rám nắng, và tôi biết ông ta vừa đi đâu đó về, vì thế tôi hỏi, “Ông vừa đi câu cá ở Nam Lào về hả?” Ông ta cười và ngay lúc đó tôi biết câu trả lời là gì. Tôi rất lo lắng bởi tôi biết điều gì đang chờ đợi tất cả họ ở đấy. Tôi bảo ông ta nên cẩn thận và nhìn vào các tấm bản đồ về hoạt động của quân Cộng sản. Tôi không thể phá hỏng kế hoạch của phía bên kia, nhưng tôi muốn những người bạn của tôi cẩn trọng”…
Chiến dịch Lam Sơn 719 được lên kế hoạch từ tháng 11.1970; tới tháng 1.1971, quân đội đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho một số phương thức hành động. Ẩn nhận được thông tin từ một trong những đầu mối của mình bên trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa về kế hoạch tấn công xuyên biên giới đang được chuẩn bị và có thể diễn ra trước mùa mưa để qua đó làm gián đoạn hoạt động của Đường mòn Hồ Chí Minh trong một thời gian dài hơn.
Cuối cùng, bản báo cáo (của Phạm Xuân Ẩn) đã tới Trung ương cục miền Nam và công tác chuẩn bị phòng thủ đối phó với Chiến dịch Lam Sơn 719 được tiến hành…
Larry Berman
Người dịch: Đỗ Hùng
Bản quyền và Thực hiện: First News - Trí Việt
Bình luận (0)