Xôn xao vụ Úc nghe lén Việt Nam và các nước châu Á

31/10/2013 20:15 GMT+7

(TNO) Các cư dân mạng và bạn đọc Thanh Niên Online đang dành sự quan tâm đặc biệt tới thông tin cơ quan tình báo của Úc vận hành các cơ sở do thám tuyệt mật đặt tại các đại sứ quán ở Việt Nam và nhiều nước châu Á.

>> Úc nghe lén Việt Nam và nhiều nước châu Á
>> EU nổi giận vì chương trình do thám của Mỹ

Dư luận xôn xao vụ việc Úc nghe lén Việt Nam và các nước châu Á
Dư luận xôn xao vụ việc Úc nghe lén Việt Nam và các nước châu Á - Ảnh: AFP

Ngày 31.10, tờ Sydney Morning Herald (Úc) đã dẫn lời cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden và một cựu sĩ quan tình báo Úc tiết lộ các đại sứ quán Úc tại nước ngoài đang được dùng làm cơ sở nghe lén các cuộc gọi điện thoại và thu thập dữ liệu tình báo trên khắp châu Á, bao gồm cả Việt Nam.

Sau khi thông tin từ Sydney Morning Herald được báo chí trong nước đăng tải lại, dư luận ngay lập tức có phản ứng về vụ việc này với nhiều luồng ý kiến trái chiều.

“Nghe lén là một phần của ngành tình báo trên khắp thế giới”

Một trong những luồng ý kiến đó cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên về hoạt động tình báo, nghe lén của một quốc gia đặt ở những quốc gia khác.

Một bạn đọc nhận xét: “Nghe lén là một phần của ngành tình báo trên khắp thế giới”.

 
Thanh Niên Online đã liên hệ với Đại sứ quán Úc tại Hà Nội về vấn đề trên. Tuy nhiên đại diện bộ phận truyền thông của Đại sứ quán Úc tại Hà Nội cho biết không có bình luận gì về các thông tin này. (Trường Sơn)

Độc giả Trần Quang Thông bình luận: “Công tác tình báo muốn thu thập được nhiều thông tin thì phải áp dụng mọi biện pháp. Nghe lén là một trong những biện pháp hiệu quả. Nước nào làm được là do họ có cách làm hiệu quả. Chỉ khi nào bị phát hiện thì họ mới buộc phải ngừng lại”.

Độc giả Đỗ Quốc Đại có cùng quan điểm: “Chuyện nghe trộm điện thoại là chuyện thường tình trong hoạt động tình báo. Chỉ có điều bị lộ hay chưa bị lộ mà thôi”.

Độc giả Anton từ Canberra (Úc) viết: “Các chính phủ trên thế giới đều sử dụng các biện pháp thu thập thông tin về các chính phủ khác theo cách công khai và bí mật. Thu thập thông tin và bảo vệ thông tin là vấn đề rất quan trọng đối với mỗi quốc gia. Bởi nó có tác động rất lớn đến an ninh, chính trị, pháp lý, kinh tế và văn hóa”.

Không những thế, nhiều người còn cho rằng các chính phủ thay vì “than vãn” chuyện bị nghe lén thì hãy đưa ra các giải pháp bảo vệ an toàn thông tin của quốc gia mình tốt hơn.

Nickname Tèo bày tỏ quan điểm: “Vấn đề ở đây là tại sao người ngoài có thể nghe và theo dõi chúng ta mà ta lại không biết? Đơn giản là công nghệ của ta không bằng họ. Chúng ta chỉ biết mua công nghệ mà không biết làm chủ nó. Thêm vào đó, chúng ta ngày nay lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ nên mới có tình trạng lạy ông con ở bụi này".

Tức giận vì bí mật thông tin cá nhân bị đe dọa

 

Có thể tôi đang nói chuyện chăn gối vợ chồng tôi cũng bị mấy ông này nghe lén chăng? Thế giới này loạn hết rồi

Nickname Duyuy

Trong khi đó, sau khi tiếp cận thông tin về “scandal” nước Úc nghe lén điện thoại tại Việt Nam, và khắp châu Á, nhiều người tỏ ra tức giận vì bí mật thông tin cá nhân của họ bị đe dọa xâm phạm.

Nickname Duyuy bày tỏ trên Facebook cá nhân: “Có thể tôi đang nói chuyện chăn gối vợ chồng tôi cũng bị mấy ông này nghe lén chăng? Thế giới này loạn hết rồi”.

Độc giả Nguyễn Vũ cũng tỏ ra bất bình: “Chúng ta không thể để như vậy được. Hãy có biện pháp đối phó. Không thể để người khác lấy đi thông tin của mình được”.

Độc giả Bá Quang có cách suy nghĩ hài hước hơn: “Xem ra các cụ nhà ta sử dụng thông tin theo kiểu thô sơ nhưng tuyệt đối an toàn và bí mật nhỉ? Bây giờ ta chuyển sang thông tin theo kiểu hồi xưa xem. Đố ai biết ta nói gì”.

Trong khi đó, nhiều người lại tỏ ra “không nóng vội” để chờ đợi một lời giải thích từ nước Úc.

Độc giả có tên Lan viết: “Chờ đợi không biết Việt Nam và các nước khác sẽ nói gì sau chuyện này. Hy vọng sẽ không làm xấu những mối quan hệ hợp tác có lợi”.

Linh San

>> Trung Quốc đòi Mỹ giải thích vụ nghe lén khắp châu Á
>> Indonesia giận dữ vì bị Mỹ nghe lén điện thoại
>> Mỹ phủ nhận việc nghe lén ở châu Âu
>> Hy Lạp nghe lén điện thoại đại sứ Mỹ
>> 10 quốc gia nghe lén người dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.