Phá vỡ 'rào chắn' giữa cha mẹ và con cái

05/03/2020 08:16 GMT+7

Gần đây, có những chương trình truyền hình dành cho cha mẹ và con trẻ bất ngờ nhận được sự chú ý của rất đông khán giả.

Rơi nước mắt khi xem

Bé Cún (11 tuổi) rơi nước mắt khi đôi tay đang lướt trên phím đàn. Mẹ em ngồi bên cạnh ngạc nhiên hỏi: “Vì sao tập đàn mà phải khóc?”. Sự kỳ vọng, cầu toàn của người mẹ đã khiến cho con mình có lúc bị tổn thương và cô độc. Cún nức nở: “Mẹ chỉ nghe con nói chứ không lắng nghe con”. Đó là một phần câu chuyện của phim tài liệu thực tế Âm thanh của những bản nhạc buồn, cũng là tập phim mở đầu cho series phim tài liệu thực tế Cha mẹ thay đổi (gồm 5 tập), vừa được phát sóng trên kênh VTV7 và VTV3. Bất ngờ là các tập phim này được chia sẻ rộng khắp trên mạng xã hội với hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận.
Nhiều khán giả có thể bắt gặp hình ảnh của chính gia đình mình, hay những người xung quanh trong những tập phim của Cha mẹ thay đổi. Đó là câu chuyện của một cô bé trở nên lì lợm, không thích nghe lời, từng bỏ nhà ra đi, cho rằng mẹ không phải mẹ ruột của mình vì bà quá nghiêm khắc và thích kiểm soát người khác. Hay câu chuyện về một người mẹ đơn thân với những ám ảnh của quá khứ đã vô tình làm tổn thương và xa cách với con trai mình... Những gia đình tham gia đã dũng cảm công khai câu chuyện riêng tư, một phần cuộc sống đời thường của gia đình, đồng thời muốn được thay đổi, phá vỡ “rào chắn” giữa các thành viên, để cuối cùng những đứa trẻ được hạnh phúc trong ngôi nhà của mình.
Khiến người xem rơi nước mắt không ít và cũng thật nhiều lần bật cười khi theo dõi là chương trình Thiếu niên nói (đang phát trên VTV3). Trong đó có câu chuyện của Nguyễn Vũ Đan Quỳnh (lớp 11) với những áp lực phải gánh trên vai hai chữ “thủ khoa”. Em cho biết mình may mắn thi tuyển lớp 9 lên lớp 10 có số điểm cao nhất thành phố, được bạn bè ngưỡng mộ và các bậc phụ huynh thường lấy đó là hình mẫu “coi con người ta kìa”. Vừa vui vì những nỗ lực được nhìn nhận, nhưng Quỳnh cũng áp lực ghê gớm mà không thể chia sẻ cùng với ai. Khi đứng trước các kỳ thi lớn, Quỳnh đã không còn đam mê, mà là sợ hãi, và tự hỏi “lỡ mình thất bại thì sao?”... Cô bé đã bày tỏ điều mình khát khao đơn giản rằng: “Mình là Đan Quỳnh, học sinh lớp 11D1, chứ không phải là một thủ khoa nào hết”.

Chúng tôi có những lý giải của các chuyên gia chương trình để thấy rằng đòn roi, kỷ luật rất dễ làm, nhưng để hiểu và đồng hành với con lâu dài lại không dễ

Nhà báo Nhật Hoa (giám đốc kênh Truyền hình giáo dục quốc gia)

Thiếu niên nói cũng mang đến tiếng cười hài hước và đáng suy ngẫm qua những câu chuyện đời thường của các em, như chuyện về cậu học sinh thắc mắc vì sao bố cứ bắt con ăn giá; chuyện mèo con đi lạc...

Tôn trọng tiếng nói con trẻ

Để đạt tính thực tế lên cao nhất khi thực hiện chương trình Cha mẹ thay đổi, bà Vũ Việt Nga (nhà sản xuất chương trình này, phát trên kênh Truyền hình giáo dục quốc gia, Đài truyền hình Việt Nam) cho hay: “Chúng tôi chỉ có một nguyên tắc duy nhất để theo đuổi trong suốt hành trình làm phim hơn 1 năm, là luôn tôn trọng nhân vật của mình. Do đó, chúng tôi không có những can thiệp hay đặt ý đồ dàn dựng để cố tình tạo ra những tình huống gay cấn”.
Bên cạnh đó, một trong những đối tượng tham gia chương trình là trẻ em. Bởi vậy, sự tham gia của các chuyên gia tư vấn luôn là điều cần thiết.
Theo thông tin từ ê kíp sản xuất chương trình Thiếu niên nói, ở mỗi trường, khi ghi hình đều có chuyên gia tâm lý của trường tham gia vào việc tư vấn để giúp các bé và gia đình có thêm nhiều kinh nghiệm trong quá trình nuôi dạy con.
Vũ Việt Nga cho biết thêm, có những tập phim, trước khi phát sóng, ban cố vấn của chương trình đề nghị cần phải có những buổi nói chuyện trước của chuyên gia tâm lý với nhân vật, để “phòng ngừa” và “giảm thiểu tối đa” những tác động không mong muốn từ dư luận và xã hội tới tâm lý các em nhỏ và gia đình (nếu có).
Nhiều em học sinh đã gửi các tập phim Cha mẹ thay đổi cho cha mẹ mình. “Các bậc phụ huynh có nhiều phản ứng khác nhau. Chúng tôi tôn trọng điều đó. Phương pháp giáo dục mà chúng tôi muốn hướng tới là huấn luyện cảm xúc. Chúng tôi có những lý giải của các chuyên gia chương trình để thấy rằng đòn roi, kỷ luật rất dễ làm, nhưng để hiểu và đồng hành với con lâu dài lại không dễ. Điều đó cần chúng ta mất nhiều thời gian hơn và luyện tập nhiều hơn”, nhà báo Nhật Hoa, Giám đốc kênh Truyền hình giáo dục quốc gia, Đài truyền hình Việt Nam, nói.
Nhiều chương trình khác sẽ tiếp tục được sản xuất trong năm nay, như Hiệu trưởng thay đổi (VTV7), Học sinh nói (VTV7)... hướng đến gia tăng những thông điệp về trường học hạnh phúc, gia đình hạnh phúc, từ cốt lõi là những đứa trẻ hạnh phúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.