Bất chấp Covid-19, số thu vẫn vượt gần 3.200 tỉ đồng so với dự toán cam kết với Tổng cục Hải quan và UBND TP.HCM; tiếp tục khui hàng loạt vụ buôn lậu lớn; nhận được Huân chương Chiến công hạng nhất do Chủ tịch nước trao tặng, Huân chương Lao động hạng 2…, ông Đinh Ngọc Thắng - Bí thư, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM trong cuộc trao đổi với Thanh Niên gọi 2020 là một năm “quá nhiều cảm xúc”.
* Năm 2020 là năm khó khăn với cả nền kinh tế, hoạt động thương mại xuất nhập khẩu giảm sút mạnh do đứt gãy chuỗi cung ứng, loạt các hiệp định thương mại (FTA) Việt Nam tham gia có hiệu lực đưa thuế của nhiều nhóm hàng nhập khẩu chính về 0%... thế nhưng Cục Hải quan TP.HCM vẫn đạt được kết quả hết sức ấn tượng, vượt cam kết, ông có thể "lý giải" con số này?
- Ông Đinh Ngọc Thắng: Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã có nhận định hôm cuối năm rằng năm 2020 là năm thành công nhất của Việt Nam trong nhiệm kỳ 5 năm. Tôi tâm đắc với nhận định này. Đại dịch xảy ra, nhà giàu thì không làm cũng có “của để dành” sống qua dịch, nhưng chúng ta khó khăn, không thu đủ thì ngân sách sẽ hụt. Thế nên, “con nhà nghèo” bắt buộc phải vượt khó, giữ ổn định kinh tế, bảo đảm nguồn thu thì thành quả thu về sẽ có giá trị lớn gấp bội. Kim ngạch giảm vì Covid-19, nhưng chúng tôi triển khai loạt chuyên đề chống buôn lậu, chống thất thu thuế trong khai báo giá, chống gian lận thương mại… để bảo đảm nguồn thu. Công tác tham vấn giá, chống thất thu rất quan trọng. Chẳng hạn, chống thất thu thuế 1 container thì kéo theo cả triệu container không bị thất thu, con số tổng rất lớn. Thất thoát 1 ly nước thấy nhỏ, nhưng gom 10 ly thành một xô nước. Khi xông xênh không nghĩ đến ai đang nợ mình, nhưng khi khó khăn, phải biết dọn dẹp, rà soát xem mình đang thất thoát ở đâu, không có chuyện thu ở mặt trận lớn, bỏ mặt trận nhỏ. Ngay đơn vị có nguồn thu lớn nhất là Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1, trong 2 tháng cuối năm thường trông chờ vào thu từ nhập khẩu xe, xăng dầu. Năm nay hai mặt hàng đó gần như bị “đứt” nhưng đơn vị vẫn đảm bảo số thu cao hơn 2 tháng cuối năm trước. Tất cả nhờ công tác chống thất thu phát huy hết công lực.
* Có một nghịch lý là để triển khai các công tác chống thất thu thuế, nhất là trong bối cảnh "công nghệ trốn thuế" ngày càng tinh vi cần phải có nhân lực. Thế nhưng khi Chính phủ áp lệnh giãn cách toàn xã hội vì Covid-19, công chức hải quan ngày làm ngày nghỉ, nghĩa là nhân lực ít đi, chưa kể còn phải giữ an toàn cho chính đội ngũ của mình, ông đã làm gì để giải quyết bài toán này hiệu quả như vậy?
|
- Ông Đinh Ngọc Thắng: Kỷ luật, ý chí và cách triển khai chuyên nghiệp hiệu quả. Đó chính là giải pháp của chúng tôi. Không thể cứ giải thích với doanh nghiệp là nhà nước buộc giãn cách, chúng tôi không thể làm nhanh được vì thiếu người, vì an toàn... Tôi nói thẳng với các anh em, phải tận dụng tối đa mọi phương thức, công cụ để làm việc. Chúng tôi chủ trương có gì xài nấy, không câu nệ, không đòi hỏi nhưng đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp… Thực ra áp lực là rất lớn. Đại dịch xảy ra, sau ngành y tế, hàng không thì hải quan là một trong những ngành dễ tổn thất về người nhất. Hằng ngày tại các cửa khẩu đều có hàng ngàn người khắp nơi qua lại, ngay cả việc kiểm tra hàng hóa nhập từ nước ngoài về cũng tiềm ẩn quá nhiều rủi ro… thế nhưng, ngại khó và sợ hãi thì không phải là công chức hải quan TP.HCM. Kết quả như bạn thấy, chúng tôi đã bảo toàn được lực lượng, giữ nhịp độ thông quan hàng hóa tốt và bảo đảm an toàn, an ninh cho ngành. Đây quả là một niềm vui lớn mà không cần giấu giếm (cười).
* Thủ tục hải quan, thuế luôn là nỗi ám ảnh với cộng đồng doanh nghiệp. Thế nhưng tại buổi họp báo đầu năm mới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận xét ngành hải quan đã cải cách vô cùng lớn. Điều gì đã khiến ngành hải quan quyết tâm thực hiện việc này, thưa ông?
- Ông Đinh Ngọc Thắng: Áp lực thực tế từ các cửa khẩu. Câu chuyện kẹt ở cảng Cát Lái là chuyện lớn, đụng vào không dễ. Nhưng với tốc độ tăng trưởng 10% mỗi năm và cảng đang gánh 80 - 92% nguồn hàng đến và đi, nếu không cải cách thì chỉ nay mai thôi, nhích không được chứ đừng nói đi. Xuất phát từ thực tế đó, chúng tôi quyết tâm đổi mới với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID). Tôi rất vui khi vừa nhận được email của tân giám đốc dự án này viết rằng: “Rất ấn tượng với tư duy đổi mới cải cách thủ tục hải quan của Cục Hải quan TP.HCM”. Thực tế 2 đề án tạo thuận lợi thương mại, giảm kẹt tại cảng Cát Lái chúng tôi đang ở giai đoạn đầu thôi, còn rất nhiều việc phải làm nữa.
* Cụ thể thì năm nay, Hải quan TP.HCM sẽ làm gì để tiếp tục câu chuyện cải cách ấn tượng này?
- Ông Đinh Ngọc Thắng: Tham vọng của chúng tôi là phải xây dựng bộ dữ liệu kết nối thông minh trên toàn hệ thống, để doanh nghiệp hay cán bộ hải quan đều có thể tìm kiếm thông tin quan tâm dễ dàng. Thứ hai, xây dựng một app để tra cứu thông tin. Trên đó, doanh nghiệp biết hồ sơ của mình đang ở đâu, cán bộ hải quan buộc phải giải quyết hoặc trả lời chính xác cho doanh nghiệp. Bởi việc chờ đợi thường nảy sinh bức xúc, giải quyết ngay sẽ tạo niềm tin. Vì thế, nếu không cải cách, không hội nhập, không xóa bỏ tư duy quản lý thay bằng đồng hành với doanh nghiệp thì mọi thứ khó tiến xa và khó bền vững. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng Cục Hải quan TP.HCM chuyên nghiệp và ngang hàng với hải quan các nước phát triển.
* Hải quan vẫn luôn là ngành được coi có nhiều cám dỗ lẫn nguy hiểm, ngồi ghế thuyền trưởng để lái “con tàu” với hơn 1.600 "thuyền viên" là cán bộ công chức Cục Hải quan TP.HCM, làm thế nào để ông có thể "quản trị" hiệu quả từ công việc đến con người trong khi chính bản thân ông cũng đối mặt với cám dỗ cũng như rủi ro?
- Ông Đinh Ngọc Thắng: Phải có bản lĩnh mới thành công. Càng hội nhập sâu, chúng ta càng đối diện với những nguy cơ tội phạm buôn lậu, ma túy, rửa tiền… rất lớn. Thế nên năng lực, am hiểu pháp luật, đạo đức là chưa đủ. Phải có bản lĩnh. Bản lĩnh đối diện với thách thức, bản lĩnh từ chối cám dỗ, từ chối những gì không thuộc về mình. Tôi sẽ đào tạo và rèn cho công chức có bản lĩnh từ chối làm việc xấu cho dù không ai biết. Như câu chuyện “con cá chột nưa” của cố nhà thơ Tố Hữu. “Ăn đi vài con cá. Dăm bảy cái chột nưa. Có ai biết ai ngờ. Thế vẫn tròn danh dự”. Đây là vai trò của người đứng đầu. Một cơ quan dù lớn hay bé cũng như một gia đình. Nếu cha mẹ sống có nền nếp, chỉn chu, chắc chắn sẽ rèn cho con cái một nếp sống đâu ra đó.
Tôi hay ví von đường các anh em đi đối diện 3 màu đèn giao thông là xanh, đỏ, vàng. Khi đèn vàng bật lên, phải dừng lại, nhưng anh ráng chạy tiếp thì nên nhớ trong 10 giây đầu của đèn vàng có thể anh còn an toàn, nhưng nhảy qua giây thứ 11 rồi, coi chừng “chết”. Như vậy, trong công tác, anh hãy giảm tốc ngay khi thấy đèn vàng và đừng ráng mà có ngày “chết”.
|
Bình luận (0)