Như Thanh Niên đã thông tin, suốt 20 năm qua, hàng nghìn hộ dân trong khu vực quy hoạch Khu tái định cư Lê Hồng Phong III (P.Phước Long, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) sống trong cảnh khốn khổ chỉ vì quy hoạch treo. Nhiều ngôi nhà tại đây xuống cấp trầm trọng mà không thể sửa chữa.
Năm 2002, UBND tỉnh Khánh Hòa lập quy hoạch dự án Khu dân cư số II Tây Lê Hồng Phong với diện tích hơn 63 ha; sau đó điều chỉnh cắt gần 20 ha để thực hiện dự án Khu đô thị Phước Long 2 và gần 25 ha để thực hiện dự án Khu đô thị Hoàng Long.
Đến năm 2012, UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Ban quản lý các công trình trọng điểm tỉnh làm chủ đầu tư thực hiện dự án Khu tái định cư Lê Hồng Phong III. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên dự án không thể triển khai. Năm 2015, UBND tỉnh có quyết định chấm dứt đầu tư dự án này. Hiện nay, khu vực này có diện tích khoảng 38,97 ha và thông báo thu hồi đất số 24 do UBND TP.Nha Trang ban hành năm 2009 vẫn còn hiệu lực, khiến hàng ngàn hộ dân nơi đây phải chịu quá nhiều hệ lụy.
Bà Nguyễn Thị Vương (59 tuổi, ở tổ dân phố 3 Phước Thành, P.Phước Long, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) chỉ vào dấu nước ngập mỗi khi có mưa lớn |
THẾ QUANG |
Năm 2021, UBND TP.Nha Trang đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép TP.Nha Trang điều chỉnh thông báo thu hồi đất số 24 theo hướng không thực hiện thu hồi đất đối với diện tích 38,97 ha tại khu vực quy hoạch vì không có dự án triển khai tại đây. UBND tỉnh Khánh Hòa sau đó đã có văn bản giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp các ngành, đơn vị liên quan xem xét nội dung kiến nghị của UBND TP.Nha Trang.
Cuối tháng 4.2022, UBND TP.Nha Trang tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh và Sở TN-MT về nội dung này với mục đích hạn chế tình trạng đơn thư kéo dài, tạo điều kiện cho người dân trong khu vực quy hoạch Khu tái định cư Lê Hồng Phong III được cấp sổ đỏ, giấy phép xây dựng.
Dân “sống mòn” trong khu quy hoạch treo
“Không biết trong cả nước hiện có bao nhiêu nơi còn quy hoạch treo? Bao nhiêu người dân đang phải đau khổ vì quy hoạch treo?”, bạn đọc (BĐ) Nguyên Hương thắc mắc.
Tuy thắc mắc này không có câu trả lời, nhưng kèm theo đó là hàng loạt lời “kể khổ” của những “người trong cuộc”. BĐ Phước Nguyên (ở tổ 9, thôn Phú Thạnh, xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang) bức xúc kể: “Ai ở trong vùng quy hoạch mới đồng cảm được. Nhà xập xệ, dột nát muốn sửa muốn xây đều không được, gia tài chỉ có lô đất là tài sản lớn nhất, đến khi có việc rất cần tiền thì không bán được, không cầm cố vay ngân hàng được. Tui cầu xin mấy ông lãnh đạo, nếu có làm dự án thì khẩn trương để có chủ trương tái định cư cho dân, còn không thì làm ơn bỏ giùm để dân chúng tôi đừng “sống mòn” trong quy hoạch như thế này nữa!”.
Cách Nha Trang gần 500 km, BĐ Dân quận 10 đề nghị: “Báo Thanh Niên tìm hiểu giúp bà con đường Tam Đảo, Q.10 (TP.HCM), nằm dưới đường dây điện cao thế rất nguy hiểm, đã có kế hoạch di dời dân mà sao treo mãi không làm. Dân khổ lắm rồi”.
Trong khi đó, không “kể khổ”, BĐ Minh Binh “khoe” kỷ lục: “Ở Thanh Đa, Bình Quới quy hoạch treo 30 năm cơ”...
Trách nhiệm minh bạch sẽ không còn quy hoạch treo
Bức xúc trước tình trạng quy hoạch treo tràn lan, BĐ Thanh Nguyễn viết: “Cả nước hiện nay có hàng ngàn dự án treo kéo dài thời gian như vậy, gây lãng phí hàng trăm ngàn tỉ đồng, gây khó khăn cho đời sống người dân nằm trong khu vực, nhưng lại không có ai phải đứng ra chịu trách nhiệm. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm và dứt điểm các dự án treo, để người dân không còn phải sống trong dự án treo lơ lửng trên đầu dài vô thời hạn như vậy”.
Nhiều BĐ cũng bày tỏ đồng tình với bài viết Chào ngày mới Trách nhiệm giải trình về quy hoạch treo trên Thanh Niên ngày 9.7.2022, khi đặt vấn đề: “Quy hoạch là công cụ quan trọng để quản lý phát triển trong tầm nhìn trung hạn và dài hạn, nhưng nếu không đi kèm với các quy định chặt chẽ về trách nhiệm giải trình của cơ quan lập và phê duyệt quy hoạch thì nghịch cảnh quy hoạch treo là điều khó tránh khỏi”.
BĐ Thoi Hoang bày tỏ: “Rất đồng tình với tác giả. Không có vốn, không đủ tầm nhìn... khi làm quy hoạch nhưng vẫn để người dân sống trong khó khăn. Dẫu vậy vẫn chưa thấy có văn bản pháp luật nào khắc chế những lạm dụng... của quy hoạch treo”, và đặt vấn đề: “Phát triển thì phải hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Xin hỏi quyền lợi người dân đang ở đâu trong những quy hoạch treo này?”.
“Thử nghĩ đời người sống được bao lâu mà quy hoạch treo bao nhiêu năm rồi, giờ cũng không biết sẽ thế nào. Người dân phải chịu biết bao thiệt thòi mà không thấy trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân gây ra tình trạng quy hoạch treo”, BĐ Coinguyensgt viết.
Nhiệm kỳ chỉ có mấy năm, đời người chẳng có bao nhiêu năm, vậy mà người ta treo vài chục năm...
Chanh Dang Minh
Đọc lời chia sẻ của ông Màu trong bài viết 20 năm sống khổ sở vì quy hoạch treo giữa trung tâm TP.Nha Trang trên Thanh Niên ngày 9.7.2022: “Tôi chỉ mong nhà nước nếu có dự án thì khẩn trương làm, còn nếu không thì nên rút quy hoạch để dân được làm sổ đỏ, cấp giấy phép xây dựng như những nơi khác, chứ bây giờ người dân khốn khổ đến 20 năm rồi”, mà nhói lòng quá! Nói thật, đã làm cán bộ, lãnh đạo mà nghe dân nói thế này vẫn không có chút “gợn sóng” nào thì nên xin nghỉ.
Nguyễn Văn Thành
Bình luận (0)