Bộ ba tấn công ăn ý
Sinh năm 1959 tại Phú Yên, Phạm Ngọc Hùng (có biệt danh là "Hùng heo") đã sớm bộc lộ năng khiếu và tố chất bóng đá từ khi còn ngồi ghế nhà trường THPT Nguyễn Huệ (Tuy Hòa). Do chơi nổi bật ở giải học sinh tỉnh Phú Khánh, Hùng sớm được huấn luyện viên Đặng Ngọc Dung gọi vào đội tuyển tỉnh khi mới 17 tuổi (cuối năm 1976) để thi đấu với đội mạnh Cảng Hải Phòng. Chân ướt chân ráo một bước lên tuyển, nhiều cầu thủ rất dễ bị tâm lý khi ra trận đánh lớn nhưng Hùng thì khác.
Anh chẳng có gì phải hồi hộp vì như Hùng tâm sự: “Cái thưở ban đầu đó, tôi chỉ biết chơi bóng một cách say mê, không ngại, không khớp khi đối mặt với hậu vệ đối phương. Sau này nghĩ lại thấy mình cũng hay hay vì các hậu vệ phía Bắc rất cao to và đá rất rát, nhưng tôi chơi không e dè. Có bóng là cứ lao vào tranh chấp và dẫn bóng đi một cách nhẹ nhàng như hơi thở vậy..”. Chính cách đá luôn lao về phía trước, sẵn sàng tả xung hữu đột ngay trong vòng cấm địa mà Ngọc Hùng đã để lại dấu ấn khi ghi được một bàn thắng giúp Phú Khánh cầm hòa 2-2 với Cảng Hải Phòng. Từ đó chàng trai trẻ này luôn được thi đấu trong đội hình chính của đội tuyển tỉnh.
|
Nhờ có tốc độ xuất phát nhanh, giữ bóng và che bóng trong chân rất kỹ và sút chuẩn cả 2 chân nên Ngọc Hùng luôn được sắp xếp phối hợp với hai tiền đạo lớn tuổi hơn là Phan Bá Diệp và Bùi Quang Thuẩn. Cả ba cầu thủ này từng cùng sinh sống và đá bóng với nhau ngay từ khi ở thị xã Tuy Hòa trước đó nên rất hiểu nhau và nhanh chóng trở thành những mũi nhọn sắc bén của tuyển Phú Khánh. Nếu Diệp có thân hình đậm chắc xoay trở nhanh thì Thuẩn lại tấn công biên vô cùng lợi hại, còn Hùng thì vừa nhanh vừa khéo.
Họ bổ sung cho nhau, cùng nhau hoàn chỉnh những pha dàn xếp rất mạch lạc. Thời đó bóng đá miền Trung có rất nhiều “cây đa cây đề” ở hàng tấn công (đá tiền đạo hoặc tiên vệ công) như Tống Anh Hoàng, Nguyễn Ngọc Thiện, Phan Kim Lân của Nghĩa Bình, Trần Vũ, Phan Trọng Quang, Nguyễn Nho Đức của Quảng Nam Đà Nẵng.. nhưng bộ ba này của Phú Khánh luôn rất lợi hại và đi đến đâu được người xem yêu thích đến đó vì khả năng phối hợp “tam phong “ này có thể làm xoay chuyển nhanh cục diện trận đấu.
Phạm Ngọc Hùng nhớ lại: “ Nếu so về vai vế thì bóng đá Phú Khánh không bằng Quảng Nam Đà Nẵng và Nghĩa Bình, nhưng chúng tôi được khán giả không chỉ ở tình nhà mà nhiều địa phương khác cũng rất yêu mến. Tôi nhớ có lần đội Phú Khánh vào TP.HCM để đá ngay mồng 2 và mồng 4 tết với 2 đội mạnh thời bấy giờ là Hải Quan và Cảng Sài Gòn, vậy mà khán giả vẫn đến sân rất đông dù là ngày tết. Hóa ra họ yêu các đôi chân Sài Gòn không nói chi, nhưng cũng rất mến mộ chúng tôi vì càng xem càng thích phong cách chơi cống hiến, nhiệt huyết mà các cầu thủ Phú Khánh thể hiện. Trong đó bộ ba Hùng- Diệp- Thuẩn và có thêm Dương Quang Hổ bên trái nữa cũng có nhiều pha bóng sóng gió gây hứng thú liên tục cho người xem, tạo nên nhiều tràng vỗ tay khen ngợi..”.
|
Có duyên ghi bàn ở sân Thống Nhất
Trong sự nghiệp của mình, Ngọc Hùng ghi nhiều bàn thắng quan trọng giúp cho đội nhà giành nhiều chiến tích khó quên, hoặc trụ hạng ngoạn mục giờ chót, hoặc lọt sâu vào tứ kết hay bán kết ở giải đấu hàng đầu quốc gia. Điển hình như bàn thắng vào lưới Dệt Nam Định trên sân Vinh tại Vòng chung kết ngược giải bóng đá A1 toàn quốc lần 4 năm 1984.
Ngọc Hùng kể lại: "Ở trận đấu trên, đội Phú Khánh được giao bóng trước. Anh Lê Thụy Hải khi đó từ Tổng cục Đường Sắt vào tăng cường cho Phú Khánh giữ vai tiền vệ tổ chức dặn tôi lẻn ra ngoài biên phải để kéo hàng thủ đối phương giãn ra chờ ngay khi anh Dương Quang Hổ chuyền bóng cho anh Hải sau pha giao bóng thì ập vào giữa. Lúc đó anh Lê Thụy Hải xử lý rất nhanh trí, dừng một nhịp để chờ tôi băng vào vùng cấm địa liền phất bóng đúng tầm giúp tôi tung cú vô lê ghi bàn thắng đẹp ở giây thứ 20 của trận đấu".
Cũng trong trận đấu này, sau khi Dệt Nam Định gỡ hòa 1-1, đợi Phú Khánh bị liền 2 quả 11m trong 5 phút. Ngọc Hùng nhớ lại: “Tôi tưởng mọi chuyện xong rồi khi trọng tài nghiệt quá bắt quá nặng tay với chúng tôi. Lúc đó cả đội rất muốn phản ứng mạnh nhưng phải kiềm lại chờ họ sút 11m. Không ngờ thủ môn Trần Hải xuất sắc đẩy được quả đầu. Đến quả sau Dệt Nam Định thay người đá phạt nhưng vẫn không thành công. Nhờ vượt qua 2 lần “chết hụt” liên tiếp đó, tinh thần của đội bóng vùng biển trở nên mạnh mẽ.
|
Chúng tôi giống như được tiếp thêm sức mạnh , chơi cực kỳ thăng hoa sau đó. Giữa hiệp 2 phát hiện thấy thủ môn đội bạn đứng hơi nhô lên, vừa có bóng thuận lợi tôi tung cú sút xa vào góc cao cầu môn ghi bàn thắng ấn định chiến thắng 2-1. Khỏi phải nói chúng tôi đã vui và ôm nhau hạnh phúc như thế nào. Riêng tôi, đêm đó lâng lâng cảm xúc gần như không ngũ được khi hồi tưởng lại 2 bàn thắng nhanh như chớp..”
Một ký ức đẹp khác khi Ngọc Hùng đã ghi 2 bàn thắng trên sân Thống Nhất trong trận đấu hòa 3-3 lượt đi ở bảng C giải A1 toàn quốc lần 1 năm 1980 với đội Đồng Tháp. “ Đó là bàn thắng ngay từ phút thứ 2 từ quả phạt góc bên phải do Bùi Quang Thuẩn thực hiện, tôi chạy nhanh vào chớp được thời cơ đệm bóng mở tỷ số. 4 phút sau tôi còn ghi tiếp bàn thứ hai cũng từ một pha xoay trở rất nhanh trong vòng cấm. Thực sự có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình lại ghi 2 bàn thắng nhanh như vậy”, Ông Ngọc Hùng kể lại tình tiết 40 năm trước với giọng vẫn bồi hồi ngắt quảng.
“ Chưa hết cũng trên sân Thống Nhất chưa đầy 1 tuần sau, tôi còn ghi cả 2 bàn thắng cho đội Phú Khánh trong chiến thắng 2-1 trước đội Quân khu Thủ đô làm cho khán giả vỗ tay reo hò hết sức thích thú. 4 bàn thắng trong hai trận chi cách nhau có 6 ngày, tôi bước ra khỏi sân mà được khán giả vây quanh, bắt tay chúc mừng. Tôi cảm thấy người dạt dào niềm vui vì dường như có duyên với sân Thống Nhất bởi cứ đến đây là Phú Khánh thường chơi tốt và tôi vẫn luôn có cơ hội ghi bàn..”, ông Ngọc Hùng nói vui.
|
Nhưng ấn tượng nhất theo lời ông Ngọc Hùng chính là mùa giải vô địch quốc gia lần 7 năm 1987 “Khi đó nhiều cầu thủ trụ cột đội Phú Khánh như Quang Vinh, Bá Diệp, Hòa Tân, Tiến Hóa, Nguyên Bảo, thủ môn Phạm Thiên Thọ (Lộc lé)… phải nghỉ thi đấu vì tuổi cao, chỉ còn một số cầu thủ ít tuổi hơn là Quang Hổ, Ngọc Hùng, Đông Hải, Quang Thuẩn, thủ môn Trần Hải…. Lực lượng bị thiếu hụt, nhưng nhờ đôn lứa cầu thủ trẻ vô địch Hội khỏe Phù đổng toàn quốc lần đầu như Đình Tân, Hữu Đang, Anh Tuấn, Thái Hòa.. vào nên sự kết hợp giữa sức trẻ và kinh nghiệm đã giúp đội Phú Khánh chơi rất thành công.
Đặc biệt đội đã có trận tứ kết rất hay trước đội Hải Quan (á quân giải vô địch quốc gia mùa 1982-1983, hạng 3 mùa 1980 và 1986) với đủ các cầu thủ nổi tiếng trên sân Quy Nhơn như Lưu Tấn Liêm, Phan Văn Tần, Minh nhí, Thành gù, Tô Văn Hải, thủ môn Hồng Phẩm… Sau khi Lưu Tấn Liêm mở tỷ số trong hiệp 1 thì vài phút sau tôi đã ghi bàn gỡ hòa và giữ tỷ số đó đến hết 90 phút, sau đó thắng bằng thi đấu luân lưu lọt vào bán kết”, ông Hùng nhắc lại mà vẫn còn cảm thấy hào hứng với chiến tích này. Với ông trận thắng đó còn có bàn thắng để đời của mình.
|
Lực bất tòng tâm
Sau khi tách tỉnh Phú Khánh năm 1989, Ngọc Hùng trở lại Phú Yên vừa huấn luyện vừa thi đấu cho đội bóng Thanh niên Phú Yên từ hạng B lên hạng A2 và suýt được lên đội mạnh toàn quốc. Đến năm 1992, ông Hùng nghỉ thi đấu và chuyển qua huấn luyện cho các tuyến trẻ, rồi làm phó phòng nghiệp vụ Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Phú Yên trước khi về hưu vào năm ngoái 2019. Nhận xét về Phạm Ngọc Hùng, ông Cao Văn Thử (trước 1989 là Phó giám đốc Sở TDTT Phú Khánh và sau 1989 là Giám đốc Sở TDTT Phú Yên) nhận định: "Lúc còn thi đấu, Phạm Ngọc Hùng là một trung phong có kỹ thuật rất tốt, thi đấu có hiệu quả cao trong màu áo đội Phú Khánh.
Sau năm 1989, cùng tôi về Phú Yên, anh Hùng rất tích cực trong việc xây dựng bóng đá tỉnh này. Mùa bóng 1995, sau khi thắng đội Công an Hải Phòng, chỉ cần hòa với đội Quân Khu 7 trong trận đấu cuối thì đội Phú Yên sẽ lên chơi ở giải đội mạnh quốc gia (giống V-League hiện nay), nhưng đội đã thất bại 1-2 nên… đành chịu. Có người còn nói thật tình: không lên được đội mạnh nhiều khi lại may, vì có lên thì cũng có tiền đâu để lo cho đội hoạt động khi các doanh nghiệp trong tỉnh không mặn mà với việc tài trợ cho đội bóng. Phú Yên đành cam chịu để chăm lo cho các tuyến trẻ và may mắn là các tuyến này vẫn duy trì được và thi đấu khá tốt".
|
Ông Hùng nói “Khi về Phú Yên tôi luôn muốn mang hết khả năng của mình để cùng bóng đá tỉnh nhà từng bước gầy dựng lại để có vị thế trên bản đồ bóng đá cả nước. Nhưng lực bất tòng tâm. Mọi cố gắng của chúng tôi đều vướng 2 chữ tiền đâu. Ngay Khánh Hòa thuận lợi là vậy mà còn trầy trật lên xuống hạng, còn tỉnh Phú Yên kinh phí còn eo hẹp hơn nhiều nên muốn có đội bóng đá mạnh quả thật là như “hái sao trên trời”. Bởi vậy chúng tôi tập trung làm trẻ, duy trì các tuyến năng khiếu để có thể chơi ở hạng thấp hơn. Đến lúc nào đó có nhà đầu tư mạnh hay doanh nghiệp tiềm lực nhảy vào thì Phú Yên mới có cơ hội bật lên. Tiếc là nhiều năm vẫn chưa tìm được, giờ nghỉ hưu nên còn tiếc hơn nữa...”.
|
Ông Hùng còn có hai em ruột đều đá bóng tốt là Phạm Ngọc Hiệp (sinh năm 1978) là tiền đạo thi đấu cho đội U.21 Đồng Tâm Long An đoạt huy chương đồng Giải bóng đá U.21 báo Thanh Niên năm 1999 tổ chức tại Đà Nẵng; riêng cá nhân Hiệp đoạt giải vua phá lưới (đồng hạng với Hà Mai Giang) và cùng với Thanh Xuân, Đăng Thi hợp thành bộ ba tấn công ấn tượng ở giải này. Hiện nay Ngọc Hiệp là Giảng viên, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM. Em trai của Ngọc Hiệp là Phạm Ngọc Hòa (sinh năm 1980) cũng là tiền đạo của đội 1 Gạch Đồng Tâm từ năm 2000 – 2005.
Bình luận (0)