Trung phong giỏi chớp thời cơ
Năm 1973, ông Phan Bá Diệp (biệt danh là "Phan Bá Tiều") vào đời bằng nghề dạy học tại thị xã Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên). Thế nhưng, khi ông làm thầy giáo chưa được bao lâu thì đất nước thống nhất, hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa hợp nhất thành tỉnh Phú Khánh lại có dịp đón anh vào một đam mê khác có từ trước là bóng đá. Chàng trung phong tuyển Bình Định ngày nào trở lại với trái bóng tròn ở đội bóng Phú Khánh ngay từ sau tháng 5.1975 đến khi nghỉ thi đấu vào năm 1986.
Trong dịp về TP.HCM họp mặt cựu cầu thủ 3 miền cách đây vài năm, ông "Phan Bá Tiều" có cho tôi xem tấm ảnh trong trận đội bóng đá Phú Khánh thắng đội Hải Phòng ở giải A1 quốc gia mà ông và cầu thủ trẻ Phạm Ngọc Hùng mang áo số 9 (tức "vua vùng cấm" Hùng Heo) ôm nhau vui mừng sau khi hai tiền đạo này phối hợp tốt để ghi bàn trước sự chứng kiến của đội trưởng Dương Quang Vinh (tự Đấu).
Đó là một trận đấu hay của đội Phú Khánh trong những năm đầu thi đấu giải cao nhất quốc gia sau ngày đất nước thống nhất. Thời đó Phú Khánh có 1 đội hình mạnh với thủ môn Trần Hải, Nguyễn Ngọc Thống, Dương Quang Hổ, Nguyễn Ngọc Hùng, Phan Bá Diệp, Cù Thành, Dương Quang Vinh, Đào Nguyên Bảo, Quang Thuẩn..luôn chơi ngang ngửa với bất cứ đối thủ nào. Thế nhưng có một trận đấu khác nữa đủ cả vui - buồn mà ông Diệp còn nhớ mãi là trận lượt đi vòng bảng giữa đội Phú Khánh và đội Phòng không ở giải A1 quốc gia năm 1984 trên sân Thống Nhất (TP.HCM).
|
Ông Diệp hào hứng nhớ lại diễn biến cách đây 36 năm: “Ở trận đấu này, khi đồng đội của tôi tạt bóng ngang từ biên phải vào thì bóng bị nẩy lên, tôi nhanh chóng chạy thoát được truy cản của một hậu vệ rất cao. Sau đó, tôi thực hiện cú “ngả bàn đèn” và móc bóng vào góc cao ghi bàn duy nhất của trận đấu. Tôi rất vui với bàn thắng này vì đây là phần thưởng lớn dành cho trung phong nhỏ con như tôi (cao 1m60) nhưng đã dành rất nhiều thời gian để tập cú đá độc đáo này".
Sau bàn thắng này cũng trong trận đấu trên, "Phan Bá Tiều" bị phạt thẻ vàng, lại là tấm thẻ phạt duy nhất trong hơn 10 năm thi đấu của mình. Ông Diệp nói: “Từ một tình huống tranh bóng sát biên, một cầu thủ đội Phòng không dẫn bóng nhanh, tôi đã can thiệp trúng bóng nhưng cầu thủ đối phương bị ngã. Khi tôi đến xin lỗi thì bị cầu thủ này đánh vào gáy và tôi có chút phản ứng nhẹ. Sau đó trọng tài đã phạt thẻ đỏ cho cầu thủ đội Phòng không là đúng, nhưng còn tôi bị thẻ vàng là có phần oan ức.
|
Ngoài ra, khi mới đi vào gầm khán đài sau khi kết thúc trận đấu, tôi còn bị 2 cầu thủ đội Phòng không lao tới đánh tiếp nên phải chạy trở lại sân, may mà có nhiều khán giả thương tình kéo tôi lên khỏi hàng rào và cho tạm lánh ở khán đài C. Khán giả có thiện cảm với tôi lúc đó nói “anh đá hiền mà, chúng tôi bảo vệ cho!”, sau đó các bạn ấy để tôi ngồi trên khán đài một chút rồi tự nguyện chở tôi về nơi đội Phú Khánh tạm trú”.
Tiền đạo "Hùng heo" kể: "Anh Diệp là một tiền đạo băng cắt rất nhanh, phán đoán tình huống tốt nên hay xuất hiện bất ngờ trong vùng cấm địa để ghi được những bàn thắng làm cho đối thủ và người xem không ngờ được. Đó cũng là một trong những lý do để đồng đội đặt cho anh biệt danh là "Phan Bá Tiều" theo nghĩa vui là "đá tiều đá hoảng" để ăn may. Thật ra, chính anh Diệp phải rèn luyện rất nhiều để có những kỹ thuật độc đáo và chỉ có những cầu thủ xuất sắc mới tạo được pha xuất thần như thế".
Trung phong Trần Vũ (vua phá lưới của đội vô địch Quảng Nam – Đà Nẵng với 10 bàn thắng ở giải Trường Sơn) cho biết: “Khoảng sau 1975, miền Trung có một số trung phong giỏi như Tống Anh Hoàng, Nguyễn Ngọc Thiện (đội Nghĩa Bình), Trần Quốc Tùy (Bình Trị Thiên), Phan Bá Diệp, Dương Quang Hổ, Phạm Ngọc Hùng (Phú Khánh)… Riêng anh Diệp được tiếng là “đá có đầu óc”, đọc tình huống trận đấu tốt và đặc biệt rất nhạy bén trong các pha bóng tiếp cận cầu môn. Anh cầm bóng chắc chẳn mà không cần hoa mỹ, có động tác qua người khéo léo nên kèm anh rất khó”.
|
Đào Nguyên Bảo là cầu thủ đội Phú Khánh từ 1975 đến 1987 nổi tiếng là một trong những hậu vệ khởi xướng việc tham gia tấn công biên rất thành công thì nói về người đội trưởng gương mẫu của mình: “Tư cách đạo đức của anh Diệp thì khỏi chê, anh luôn biết lo cho quyền lợi của tập thể đội bóng và là tấm gương để anh em trong đội noi gương về cách đối xữ. Tính cách anh nhẹ nhàng, nghiêm khắc nhưng hết mực thương yêu học trò. Về chuyên môn, anh là mẫu trung phong đích thực, ghi rất nhiều bàn thắng quan trọng cho đội Phú Khánh trong suốt 12 năm thi đấu cho đội”.
Gia đình thể thao tiêu biểu
Ông Diệp sinh năm 1952 là anh cả trong một gia đình có 5 anh em trai đều là cầu thủ của đội tuyển tỉnh. Từ năm 1975, chỉ có ông thi đấu ở vị trí trung phong cho đội Phú Khánh suốt từ đó đến khi nghỉ hẳn lúc 34 tuổi. Còn 4 em của ông đều là những cầu thủ trụ cột ở tuyến tiền vệ của đội tuyển bóng đá Bình Định như Phan Kim Lân (sinh năm 1953, tuyển thủ quốc gia năm 1979), Phan Quý Sơn (1960), Phan Tôn Quyền (1965) và Phan Tôn Lợi (1968).
|
Biết mình có thất lợi về thể hình, cả 5 anh em ông đều chọn lối đá thiên về kỹ thuật. Tất cả đều kiên trì tập luyện thật vất vả đều đạt được kết quả tốt nên được người xem ưa thích. Bản thân ông Diệp cũng nhờ những bài tập “ngoài giờ” nên ngoài tài ghi bàn bằng những cú “ngả bàn đèn” như đã nêu ở trên, ông còn nổi tiếng với những quả sút phạt góc đi xoáy vào cầu môn ghi bàn thắng trực tiếp trong các trận đấu trong đội tuyển đất võ trước năm 1975.
Phan Tôn Quyền và Phan Tôn Lợi đều là những cầu thủ chủ lực của tuyển Bình Định ở cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990. Sau khi nghỉ thi đấu, cả hai ông đều tiếp tục công tác huấn luyện. Ông Quyền tham gia công tác tại Trung tâm TDTT tỉnh Bình Định, hiện nay là huấn luyện viên trường đội bóng đá U.19 của tỉnh. Còn ông Lợi, sau khi hoàn tất nhiệm vụ huấn luyện viên trưởng đội Attapeu Hoàng Anh Gia Lai (đoạt vô địch giải bóng đá quốc gia Lào), ông trở lại Việt Nam làm huấn luyện viên cho đội hạng nhất Đắk Lắk một thời gian ngắn trong năm 2016 rồi chuyển sang hẳn công việc nuôi hải sản ở Quy Nhơn. Lúc này ông Lợi chỉ còn thi đấu các trận đấu dành cho các cựu tuyển thủ chứ không còn tham gia các hoạt động bóng đá khác tại địa phương.
|
Thế hệ tiếp theo của nhà họ Phan cũng có nhiều người theo nghiệp của cha mình và đều đóng góp xứng đáng cho tỉnh Bình Định và quốc gia, trong đó nổi bật hơn cả là 2 con của ông Phan Quý Sơn. Đó là tiền vệ Phan Quý Hoàng Lâm (sinh năm 1984, vừa qua đời trong tháng 5.2020) từng là tuyển thủ quốc gia dưới thời huấn luyện viên Calisto chuẩn bị thi đấu AFF Cup năm 2008 và nữ tuyển thủ bóng bàn quốc gia Phan Hoàng Tường Giang từng vô địch đơn nữ giải các cây vợt xuất sắc toàn quốc 2017, vô địch đồng đội và đôi nữ giải vô địch quốc gia năm 2014, huy chương đồng nội dung đồng đội SEA Games 2013 và 2015.
Đời còn bất công
Nghỉ thi đấu từ năm 1986, đến khi tỉnh Phú Khánh tách tỉnh năm 1989 thì ông về làm huấn luyện viên các tuyến năng khiếu U.13, U.15, U.17 và U.21 của tỉnh Phú Yên mới tách. Thời gian sau đó ông lo công việc chăm sóc mặt cỏ sân bóng đá Tuy Hòa và làm công tác chuẩn bị mỗi khi có trận đấu trước khi nghỉ hẳn từ vài năm gần đây.
Từ đó, ông làm nhiều nghề khác nhau như lái xe bồn, bảo vệ… Gần trọn cuộc đời cống hiến cho bóng đá, nhưng có vẻ như đời còn bất công với ông. Khi đến tuổi về hưu, ông không được nhận chế độ hưu trí nên cuộc sống của ông rất khó khăn, tuổi cao nhưng ông vẫn phải còn lo bươn chãi nhiều và đau đớn khi bị đau khớp.
|
May mà trong năm 2018, con trai đầu của ông là Phan Ngọc Danh (cán bộ cơ sở vật chất trường đại học Kinh tế TP.HCM) và con trai thứ Phan Thanh Dũng (giáo viên trường THPT Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa) cùng anh em ông chung sức giúp ông thay khớp nên sức khỏe ông từ gần hai năm nay tạm ổn. Hiện "Vua ngả bàn đèn miền Trung" và người bạn đời của mình là bà Âu Ngọc Thanh cùng con trai thứ còn một nỗi lo lớn nữa là chưa có nhà riêng, suốt từ năm 2011 đến nay phải ở nhà thuê ở gần ga Tuy Hòa.
Bình luận (0)