Phân biệt triệu chứng viêm não và sốt virus thông thường ở trẻ nhỏ

Liên Châu
Liên Châu
10/10/2023 10:25 GMT+7

Cho rằng trẻ sốt virus thông thường hoặc đã tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản có thể khiến người lớn chủ quan cho trẻ nhập viện muộn.

Ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên ghi nhận trong năm nay tại Hà Nội là bé trai 5 tuổi ở H.Phúc Thọ.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, bệnh nhi có triệu chứng ban đầu hôm 19.9 sốt cao, đau đầu, mệt mỏi… Ngày 25.9, cháu bé vào điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Tại đây, bệnh nhi được lấy mẫu xét nghiệm và kết quả dương tính với virus viêm não Nhật Bản.

Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, viêm não Nhật Bản là bệnh viêm cấp tính tổ chức não do virus viêm não Nhật Bản gây nên. Đây là virus gây viêm não hàng đầu châu Á, trong đó có Việt Nam. 

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ nhỏ (dưới 15 tuổi) và thường gặp nhất ở trẻ em độ tuổi từ 2 - 8.

Triệu chứng viêm não ở trẻ nhỏ dễ bị bỏ qua - Ảnh 1.

Nhận biết sớm triệu chứng viêm não Nhật Bản để trẻ được nhập viện kịp thời

TL BỆNH VIỆN NHI T.Ư

Viêm não Nhật Bản được đánh giá là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25 - 35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động.

Các bà mẹ có con lớn mắc viêm não Nhật Bản hầu hết đều cho rằng con đã được tiêm phòng 3 mũi đầy đủ đến 2 tuổi nên chủ quan. Nhưng đó cũng là một trong những sai lầm khiến gia tăng trẻ lớn mắc bệnh.

"Để có thể đưa trẻ đến viện kịp thời thì phụ huynh cần phải biết được những triệu chứng, dấu hiệu nhận biết sớm khi trẻ mắc viêm não Nhật Bản", một bác sĩ điều trị của Trung tâm Bệnh nhiệt đới lưu ý.

Triệu chứng cảnh báo viêm não

Theo bác sĩ, khi trẻ bị sốt, các phụ huynh thường nghĩ đến sốt virus thông thường và mua thuốc hạ sốt cho con uống. Tuy nhiên, nếu bị sốt virus thông thường thì sau khi uống thuốc, hạ được sốt, trẻ sẽ hoạt động và chơi bình thường.

Nhưng với viêm não Nhật Bản, trong 1 - 2 ngày đầu, trẻ thường có các dấu hiệu như sốt nhưng kèm theo đó là đau đầu tăng dần, mệt mỏi, buồn nôn và nôn khan. "Trong các biểu hiện trên, sốt và nôn khan thường các bậc phụ huynh hay bị nhầm lẫn nhất", một bác sĩ điều trị của Trung tâm Bệnh nhiệt đới lưu ý.

Khi trẻ nôn khan, nhiều bà mẹ lại nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa hoặc ho nên nôn. Vì thế, nhiều người cho trẻ uống men tiêu hóa, uống thuốc ho, giảm nôn với hy vọng giảm tình trạng nôn của trẻ.

"Nhưng thực tế khi trẻ bị nôn khan kèm theo sốt, đau đầu tăng dần thì đó chính là triệu chứng của viêm não. Việc các bà mẹ không nhận ra điều đó, đến khi trẻ có các biểu hiện điển hình như đau đầu dữ dội, sốt cao, co giật mới đưa đến viện khiến bệnh của trẻ đã diễn biến nặng, điều trị khó khăn hơn và nguy cơ bị di chứng", bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm lưu ý.

Virus gây viêm não Nhật Bản thường tấn công trẻ nhỏ. Bệnh nhân có thể xuất hiện những biến chứng sớm như viêm phế quản, viêm phổi.

Những di chứng sớm có thể gặp ở bệnh này là bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ nghiêm trọng. Những di chứng muộn có thể gặp là động kinh, nghe kém hoặc điếc, rối loạn tâm thần…

Từng có các trẻ nhập viện muộn, bị biến chứng rất nặng, mất ý thức hoàn toàn; hoặc có trẻ ý thức vẫn nhận biết được nhưng lại không thể vận động được.

Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, tiêm chủng là biện pháp tốt nhất (mũi 1 khi trẻ 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 - 2 tuần; mũi 3 cách 1 năm sau khi tiêm mũi 2).

Tuy nhiên, 3 mũi tiêm chủng này chỉ có khả năng bảo vệ trẻ trong khoảng 5 - 7 năm, sau đó nồng độ kháng thể trong máu giảm dần, nguy cơ mắc bệnh lại tăng lên. Do đó, các bậc phụ huynh sau khi tiêm mũi 3, cần tiêm nhắc lại theo tư vấn của nhân viên y tế cho đến khi trẻ được 15 tuổi.

Ngoài ra, để phòng bệnh, các gia đình cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu, vì virus viêm não Nhật Bản lây truyền qua muỗi đốt.

Bệnh viện Nhi T.Ư


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.