Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, Đội Quản lý thị trường số 6 chủ trì phối hợp Đội 3 - PC03 - Công an tỉnh Bình Dương và Sở Y tế, Đội Quản lý thị trường số 1 (thành phố Thủ Dầu Một) ngày 14.8 đã tiến hành kiểm tra đột xuất công ty TNHH Aim laxmi tại KP 8, phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương). Đoàn kiểm tra phát hiện tại nơi sản xuất có 1.410 kg găng tay y tế đã qua sử dụng được phân loại chuẩn bị tái chế và 1.174 kg găng tay y tế đã qua sử dụng chưa phân loại đang chờ phân loại và hơn 2,1 triệu chiếc găng tay y tế đã tái chế, chứa trong 2.105 kiện đã bao gói và ghi nhãn hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, có dấu hiệu chuẩn bị xuất bán. Chủ hàng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Đoàn kiểm tra tạm giữ toàn bộ hàng hóa để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định.
Trước đó vào đầu tháng 8, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình cũng kiểm tra kho hàng của Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng BM thuê lại của Công ty cổ phần Đầu tư may mặc V-Link tại Khu công nghiệp Lương Sơn, Hoà Bình, phát hiện 1.552 kg găng tay cao su đã phân loại và chưa phân loại, 8 bao tải găng tay thành phẩm, 31 bao tải khẩu trang thành phẩm và 24 bao tải khẩu trang chưa thành phẩm, 154 kg vỏ bao găng tay, 2.409 hộp đựng loại 100 chiếc một hộp.
Khi được kiểm tra, công nhân tại xưởng đang phân loại, trực tiếp đóng gói găng tay cao su đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng, an toàn sản phẩm. Hầu hết số găng tay ở đây đều ở dạng rời, không được bảo quản và đóng gói, được đổ thành đống lên sàn xưởng. Mở rộng vụ việc, quản lý thị trường tiếp tục kiểm tra một địa điểm liên quan tới Công ty BM tại Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội), phát hiện 9,5 tấn găng tay cao su tái chế, đang được công nhân phân loại, hấp mới để chuẩn bị đem bán ngoài thị trường. Cơ sở này do bà Nguyễn Thị Hoa - Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Long Bắc Kạn thuê lại từ Công ty BM.
|
Đồng thời, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra trụ sở Công ty cổ phần Quốc tế Royal Việt Nam (Hà Đông, Hà Nội), tạm giữ 24.000 găng tay cao su không nhãn mác, chưa xuất trình được công bố tiêu chuẩn sản phẩm và 142 kg găng tay cao su không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Như vậy sau khi dịch Covid-19 tái phát tại Việt Nam, nhiều nơi không chỉ sản xuất, kinh doanh vi phạm về khẩu trang y tế mà tình trạng lưu thông, tái chế găng tay y tế cũng diễn ra, nguy hại cho người sử dụng.
Bình luận (0)