(TNO) Kính viễn vọng không gian Hubble vừa phát hiện một vệ tinh tự nhiên nhỏ xoay quanh sao Hải Vương, nâng số mặt trăng của hành tinh xa xôi này lên con số 14, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết trên website của mình ngày 15.7.
"Mặt trăng này được đặt tên là S/2004 N 1, có bề ngang ước tính khoảng 19,3 km, là mặt trăng nhỏ nhất trong hệ thống Hải Vương tinh", theo thông báo của NASA.
|
Cũng theo cơ quan vũ trụ Mỹ, nhà khoa học Mark Showalter thuộc Viện SETI ở California (Mỹ) đã phát hiện mặt trăng trên hôm 1.7, trong khi nghiên cứu khoảng 150 bức ảnh vùng không gian mờ nhạt xung quanh sao Hải Vương được chụp bởi kính Hubble từ năm 2004 đến 2009.
Hình ảnh cho thấy nó xuất hiện như một chấm nhỏ màu trắng, cách hành tinh chủ khoảng 105.251 km, nằm giữa quỹ đạo của hai mặt trăng Larissa và Proteus.
Theo tính toán của ông Mark Showalter thì mặt trăng mới phát hiện bay quanh sao Hải Vương mỗi 23 giờ một vòng.
Được biết, sao Hải Vương là hành tinh thứ tám và cách xa mặt trời nhất, được phát hiện vào năm 1846. Trong hệ mặt trời, nó là hành tinh lớn thứ tư về đường kính và lớn thứ ba về khối lượng.
Hành tinh xa xôi này đã được "thăm viếng" bởi Voyager 2, khi con tàu thăm dò của NASA bay ngang qua nó ngày 25.8.1989.
Tiến Dũng
>> Voyager chính thức thoát khỏi hệ mặt trời
>> Hệ mặt trời có đuôi như sao chổi
>> Giả thuyết mới về hệ mặt trời
>> Hé mở cách thức hình thành hệ mặt trời
>> Viễn cảnh tương lai của hệ mặt trời
>> Cái chết huy hoàng của một ngôi sao
>> Dải Ngân hà đang "thai ngén" ngôi sao lớn nhất
Bình luận (0)