Phát hiện sớm vẹo cột sống ở trẻ

Liên Châu
Liên Châu
30/05/2022 07:10 GMT+7

Vẹo cột sống hiện khá phổ biến, chiếm từ 0,5 - 1%. Tuy nhiên, ở mức độ nhẹ, tình trạng này dễ bị bỏ qua khiến cho mức độ cong vẹo gia tăng.

3 nhóm nguyên nhân

Theo thông tin từ Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), có 3 nhóm nguyên nhân lớn gây bệnh vẹo cột sống trẻ em.

Nhóm nguyên nhân thứ nhất là tự phát, không có nguyên nhân rõ ràng, thường xuất hiện khi trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì.

Nhóm nguyên nhân thứ hai gây vẹo cột sống là trẻ mắc các dị tật bẩm sinh của cột sống như tật nửa thân đốt sống, dính đốt sống...

Trường hợp trẻ bị vẹo cột sống được khám tại Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Thảo My

Nhóm nguyên nhân thứ ba là tư thế như ngồi học không đúng; mang vác quá nặng hoặc kích thước bàn ghế học không phù hợp với lứa tuổi; do bệnh còi xương, suy dinh dưỡng; chấn thương do tai nạn…

PGS-TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho hay: Gù vẹo cột sống nếu không chữa trị kịp thời, đặc biệt với bệnh gù vẹo cột sống khởi phát sớm (trước 10 tuổi), về lâu dài sẽ gây biến dạng nặng cột sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của các cơ quan nội tạng khác như phổi, lồng ngực, gây ra thiểu sản lồng ngực, phế nang, gây suy hô hấp, đe dọa sức khỏe, tính mạng các cháu. Ngoài ra, do ảnh hưởng về thẩm mỹ, bệnh có thể khiến trẻ tự ti và ảnh hưởng phát triển tâm sinh lý.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị bệnh lý cột sống, PGS-TS Đinh Ngọc Sơn cho biết: “Phát hiện gù vẹo cột sống sớm ở trẻ em, điều trị kịp thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần ngăn chặn và giảm thiểu những biến chứng trầm trọng nêu trên”.

“Tuy nhiên, một thách thức lớn khác là với bệnh vẹo cột sống ở trẻ nhỏ thì việc phẫu thuật lại vô cùng khó khăn, do đặc điểm giải phẫu sinh lý của trẻ là cột sống còn đang tiếp tục phát triển”, BS Sơn lưu ý.

Tránh phải phẫu thuật nếu can thiệp sớm

Theo TS-BS Nguyễn Hoàng Long, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, với cong vẹo cột sống, tùy thuộc nguyên nhân, lứa tuổi, mức độ cong vẹo, việc chỉ định điều trị, phẫu thuật cần chính xác, phù hợp. Trên phim X quang, khi đường cong cột sống trên 10 độ thì được chẩn đoán là vẹo cột sống.

Khi cha mẹ, người thân của trẻ phát hiện những thay đổi bất thường trong hình dáng, cột sống của trẻ, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.

Nếu phát hiện sớm, đôi khi trẻ chỉ cần điều trị bảo tồn như thay đổi tư thế ngồi học, tích cực tập vận động, đu xà, tích cực chơi thể thao, mặc áo nẹp chỉnh hình…

Việc điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ ngăn chặn tình trạng cong vẹo tiến triển nặng hơn, ngăn chặn được những ca phẫu thuật không đáng có và thay đổi toàn bộ chất lượng cuộc sống của trẻ.

PGS-TS Đinh Ngọc Sơn

Về cơ bản, nếu trẻ cong vẹo cột sống mức độ nhẹ, sẽ theo dõi, khám định kỳ. Mức độ trung bình, chưa cần phẫu thuật nhưng cần được can thiệp để tình trạng cong vẹo không tiến triển nặng hơn. Với trường hợp cột sống cong vẹo nặng (mức độ cong vẹo cột sống trên 100 độ), sẽ được xem xét để đưa ra chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, việc phẫu thuật còn phụ thuộc vào lứa tuổi, chứ không chỉ là tình trạng bệnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.