Phát huy sức mạnh mềm về văn hóa của Việt Nam

Như Trần
Như Trần
07/12/2021 08:30 GMT+7

Các chuyên gia UNESCO cho rằng ngành công nghiệp sáng tạo là chìa khóa để Việt Nam xây dựng sức mạnh mềm về văn hóa của mình trong thời kỳ mới.

Thời gian qua, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ phát triển văn hóa và con người. Nhân dịp hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra mới đây, Thanh Niên có cuộc trò chuyện với các đại diện của UNESCO tại Việt Nam trong 2 nhiệm kỳ gần nhất về những dự án của tổ chức và đánh giá của quá trình phát triển văn hóa nước nhà.

Mạng lưới thành phố sáng tạo

Trong các chương trình liên quan phát triển đô thị của UNESCO, mạng lưới thành phố sáng tạo (UCCN) là chương trình nổi bật với 246 thành phố thành viên. Năm 2019, Hà Nội gia nhập UCCN và trở thành thành phố sáng tạo về mặt thiết kế. Thành phố sẽ lấy nguồn lực từ văn hóa và sáng tạo làm nền tảng phát triển đô thị bền vững, hiện thực hóa tầm nhìn trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á.

Tác phẩm Hà Nội rong của Đặng Thái Tuấn đoạt giải nhất trong cuộc thi vẽ minh họa “Hà Nội là…”

UNESCO

Trao đổi với Thanh Niên, ông Christian Manhart, tân đại diện UNESCO tại Việt Nam, cho biết tổ chức này đã triển khai dự án Hà Nội Rethink lấy người trẻ làm trung tâm để hỗ trợ thành phố thực hiện các mục tiêu sau khi gia nhập UCCN.

Hà Nội Rethink sẽ tạo ra và thúc đẩy nền tảng kết nối các sáng kiến văn hóa hiện có của thanh niên. Dự án cũng hỗ trợ việc tích hợp công nghệ mới vào ngành công nghiệp sáng tạo và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở các nhà thiết kế trẻ. Cuối cùng, Hà Nội Rethink giúp thành phố kết nối với các đối tác quan trọng trong nước và quốc tế, củng cố khả năng thu hút thêm các nguồn lực của mình.

Ông Manhart cho biết dù gặp nhiều thách thức do đại dịch Covid-19, dự án Hà Nội Rethink đã đạt được những kết quả khả quan trong năm 2021. Đầu năm nay, UNESCO tổ chức 3 hội thảo với sự tham gia của 200 quan chức chính phủ, nghệ sĩ, sinh viên, nhà thiết kế trẻ và các chuyên gia khác để chia sẻ kinh nghiệm, thách thức và cơ hội về vốn sáng tạo.

Dự án còn tập trung vào các hoạt động có sự tham gia của công chúng. Hồi tháng 8, UNESCO cùng các đối tác tổ chức cuộc thi minh họa “Hà Nội là…”. Sau 1 tháng kêu gọi, cuộc thi nhận được 233 tác phẩm từ hơn 200 họa sĩ trẻ trên khắp cả nước khắc họa Hà Nội qua lăng kính nghệ thuật của riêng họ với sự lồng ghép các yếu tố văn hóa địa phương. Mới đây, UNESCO còn tổ chức Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam 2021 nhằm tạo ra một nền tảng giúp các cá nhân và tổ chức sáng tạo có thể tương tác với hàng ngàn người xem trực tuyến và trực tiếp.

“Trong những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục dự án Hà Nội Rethink và hy vọng có thể khuyến khích thêm nhiều thành phố tham gia UCCN”, ông Manhart chia sẻ. Ông cho biết thêm rằng một số thành phố khác ở Việt Nam đã bày tỏ nguyện vọng gia nhập UCCN theo tầm nhìn chiến lược của Bộ VH-TT-DL đến năm 2030. Điều này sẽ góp phần tạo nên vành đai thành phố sáng tạo có văn hóa là trọng tâm của chiến lược phát triển nước nhà.

Thế giới cần phải biết thêm về Việt Nam

Trò chuyện với Thanh Niên, cựu đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft nhận định vành đai thành phố sáng tạo, khởi đầu với Hà Nội, là một nền tảng tốt để Việt Nam phát huy sức mạnh mềm về mặt văn hóa. Chuyên gia này cũng nói thế giới cần phải biết thêm về Việt Nam dưới góc độ là một quốc gia có nền văn hóa đặc sắc. “Tham gia vào UCCN sẽ giúp Việt Nam khai thác sức mạnh của sáng tạo và sự đổi mới, đặc biệt là từ người trẻ. Họ sẽ tiếp tục trở thành người tạo ra và quảng bá văn hóa”, ông Croft cho biết.

Chuyên gia này chỉ ra rằng từ lâu Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa và thực hiện ngoại giao văn hóa rất hiệu quả. Điều này được thể hiện rất rõ ở các cuộc đấu tranh trong lịch sử, khi văn hóa trở thành một trong những cơ chế sinh tồn của dân tộc.

“Tuy nhiên, bước sang thế kỷ 21, nhiều thứ đã khác. Văn hóa không phải lúc nào cũng cũ kỹ và bất biến. Vì vậy, tôi cho rằng đã đến lúc Việt Nam tạo ra thêm trải nghiệm văn hóa mới và sức mạnh mềm mới về văn hóa”, ông Croft chia sẻ với Thanh Niên. Cựu đại diện UNESCO nói thêm rằng Việt Nam có thể làm được điều này bằng việc khai thác sức mạnh của các ngành công nghiệp sáng tạo. Theo ông, đây là thách thức và cũng là cơ hội của Việt Nam.

Quá trình này phụ thuộc nhiều vào sự sáng tạo của con người. Theo ông Croft, việc có di sản văn hóa phong phú cho thấy con người Việt Nam rất sáng tạo. “Tuy nhiên, sự sáng tạo cũng đến từ mỗi cá nhân. Do đó, Việt Nam cần chú trọng đến giáo dục và tạo cơ hội để người trẻ bộc lộ tài năng cùng sự sáng tạo của mình”, ông Croft kết luận.

Ông Christian Manhart phát biểu tại lễ bế giảng khóa học sản xuất phim phi lợi nhuận ngày 27.10

UNESCO

Ông Christian Manhart chính thức đảm nhận vai trò đại diện UNESCO tại Việt Nam từ tháng 10 năm nay. Trước đó, ông là đại diện UNESCO tại Nepal trong hơn 7 năm. Trao đổi với Thanh Niên, ông Manhart cho biết mình sẽ ưu tiên các lĩnh vực giáo dục, khoa học, môi trường và công nghiệp sáng tạo trong nhiệm kỳ mới. Do các hạn chế của đại dịch Covid-19, ông mới chỉ đến Hoàng thành Thăng Long và trò chuyện về các tiềm năng của nơi này. Chuyên gia Manhart hy vọng ông có thể sớm đến thăm các di sản thế giới khác của Việt Nam và dùng kinh nghiệm của mình để hỗ trợ công tác bảo tồn cùng phát triển du lịch bền vững ở những nơi đó.

Cựu đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft

NVCC

Chuyên gia Michael Croft là đại diện UNESCO tại Việt Nam từ năm 2017 và vừa chuyển công tác sang văn phòng UNESCO tại Kathmandu, Nepal vào tháng 8. Ông Croft cho biết Việt Nam có vị trí đặc biệt trong trái tim mình. Vừa qua, ông đã cùng vợ hoàn tất thủ tục nhận nuôi một bé gái người Việt. Ông nói mình sẽ cùng gia đình thường xuyên quay lại Việt Nam để con gái hiểu rõ hơn về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.