Phi thuyền Trung Quốc sẽ cất cánh như máy bay?

27/12/2021 18:22 GMT+7

Phi thuyền của Trung Quốc được cho là sắp phát triển đến mức không cần tên lửa đẩy và có thể cất và hạ cánh như máy bay thông thường.

Mô phỏng phi thuyền của CASC

Ảnh chụp màn hình The Drive

Trung Quốc đang phát triển một phi thuyền mang tên Đằng Vân (Tengyun) với khả năng cất cánh và hạ cánh trên đường bằng như máy bay thông thường, theo tờ South China Morning Post hôm 19.12.

Năng lực này giúp phi thuyền không cần dựa vào tên lửa đẩy để cất cánh, qua đó tiết kiệm chi phí. Đây được cho là công nghệ tiên tiến hơn phi thuyền X-37B của Mỹ, thiết bị cần tên lửa đẩy để phóng lên.

Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) công bố dự án Tengyun vào năm 2016 với mục tiêu phát triển phương tiện vận tải không gian có thể tái sử dụng để tiết kiệm chi phí, dựa theo phi thuyền X-37B của Mỹ.

Hồi tháng 7, CASC phóng thử phi thuyền Tengyun từ một tàu mẹ, bay ở vùng cận quỹ đạo, thay vì phóng bằng tên lửa đẩy.

Phi thuyền X-37B của Mỹ

AFP

Tổng biên tập Tô Minh của tạp chí Hạm thuyền Tri thức (Naval and Merchant Ships) bình luận vụ phóng thử thành công cho thấy phi thuyền tương lai của Trung Quốc sẽ có khả năng cất cánh từ bất cứ sân bay nào ở nước này.

“Đồng nghĩa các chuyến bay của phi thuyền trong tương lai có thể tăng gấp 30 lần lên thành hơn 1.200 chuyến mỗi năm, tương tự như máy bay thường”, ông Tô nói.

Nhà nghiên cứu Chu Thần Minh tại Viện khoa học và công nghệ quân sự Viễn Vọng tại Bắc Kinh cho hay Trung Quốc có những mục tiêu thương mại lâu dài cho việc sử dụng phi thuyền tái sử dụng. Ngoài việc cắt giảm chi phí hoạt động vệ tinh quân sự, công nghệ này còn có thể được sử dụng để phát triển viễn thông tại vùng xa xôi.

Ngoài Trung Quốc, Nga cũng được cho là đang phát triển phi thuyền có thể tái sử dụng. Trong khi đó, hồi tháng 7, công ty du lịch không gian Virgin Galatic (trụ sở Mỹ) của tỉ phú Anh Richard Branson thực hiện chuyến bay lên không gian bằng phi thuyền tái sử dụng được và sau đó hạ cánh như máy bay thường. Ngày 20.7, tỉ phú Mỹ Jeff Bezos cũng thực hiện chuyến bay lên rìa quỹ đạo trên tên lửa đẩy New Shepard, gia nhập cuộc đua không gian sau thành công của SpaceX của tỉ phú Elon Musk.

'Đường lên vũ trụ cho con cháu xây tương lai': tỉ phú Bezos hoàn thành chuyến bay lịch sử

Ngoài các nhiệm vụ như vận chuyển hàng hóa, đưa phi hành gia lên trạm không gian hoặc đưa du khách tham quan vũ trụ, phi thuyền có thể tái sử dụng được cho là còn có những ứng dụng nhất định về mặt quân sự như tấn công chống vệ tinh, gây nhiễu hoặc bảo vệ vệ tinh. CASC là nhà thầu chính cho chương trình không gian của Trung Quốc, được cho là có liên hệ mật thiết với quân đội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.