Với việc ứng dụng kỹ xảo điện ảnh (VFX), bộ phim đã tái hiện cảnh chiến trường khốc liệt ở cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) năm 1965, hay cảnh những người lính không quân chiến đấu trên bầu trời. Tuy nhiên, đằng sau những hình ảnh kỹ xảo hoành tráng, ít người biết về những khó khăn của đoàn làm phim. Chẳng hạn, để thay những phòng quay cho buồng lái phi công chuyên nghiệp như ở Mỹ, đoàn phim phải dùng bìa carton tạm bợ, có lúc phải bê cả “buồng lái” ra ngoài trời giữa cái nắng 40 độ C của miền Trung để lấy ánh sáng tự nhiên.
Theo Th.S Nguyễn Lâm Tuấn Anh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN, trường quay Cổ Loa (H.Đông Anh, Hà Nội) đã xây dựng nhưng thiếu nhiều trang thiết bị phục vụ quay phim. Tại VN, hiện có khoảng 50 trường quay chủ yếu quy mô nhỏ, thiếu đồng bộ, ít được đầu tư công nghệ cao, cung cấp dịch vụ cho các hoạt động nhỏ vừa như làm truyền hình, video ca nhạc… “Nhiều bộ phim quay tại VN, nhưng hậu kỳ lại phải xử lý ở bên Thái Lan, Hàn Quốc để có chất lượng kỹ thuật tốt hơn”, Th.S Tuấn Anh nói.
Ông Đỗ Duy Anh, nguyên Phó cục trưởng Cục Điện ảnh, đề xuất giải pháp, trong đó có việc cải tiến hoặc xây dựng kế hoạch chương trình đào tạo phù hợp với sự phát triển của công nghệ điện ảnh 4.0 của thế giới, từ việc sáng tác kịch bản đến các khâu đạo diễn, thiết kế mỹ thuật, diễn xuất, các quá trình sản xuất hậu kỳ, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng… Thực tế, có nơi được đầu tư máy móc hiện đại ngang với khu vực, nhưng chuyên gia lại quá ít, chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, theo ông Duy Anh, trong luật Điện ảnh sửa đổi tới đây, cần tạo hành lang pháp lý, khuyến khích doanh nghiệp, hãng phim ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, phổ biến, phát hành phim để chủ động đón trước xu thế.
Tuy nhiên, việc chủ động đón trước xu thế có lẽ không hề dễ dàng, bởi khi nhiều quốc gia đang nghiên cứu và thảo luận tiến tới cách mạng công nghiệp 5.0, thì chúng ta vẫn đang loay hoay với những chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ 4.0.
Bình luận (0)