Vừa bước ra từ rạp chiếu bộ phim Điều ba mẹ không kể - một bộ phim về chủ đề gia đình, những tiếng sụt sùi, những cánh tay lén quệt đi những giọt nước mắt… dường như không bạn trẻ nào không khóc.
Người viết hỏi một bạn trẻ không ra về vội mà ngồi một góc ở sảnh chờ của rạp chiếu phim, bạn trẻ này cũng sụt sùi nói: “Em xem đến đoạn nào là em sợ tới đoạn đó. Thật sự em thấy hình ảnh của những người thân mình trong đó, em sợ một ngày ông bà, cha mẹ mình và rồi chính mình cũng sẽ già đi, rồi sẽ phải như thế nào? Thật sự giờ phút này em chỉ muốn về với gia đình ngay, em thấy ân hận vô cùng khi hay nổi nóng với bà nội, với ba mẹ vì những điều mà em cho là người già thì hay lẩm cẩm, đãng trí nên cứ lặp đi lặp lại những lời dặn dò…Em thấy mình ích kỷ với chính người thân của mình”.
Bản thân đã rất tệ với gia đình
Bạn xem phim cùng tôi ngày hôm đó là Trần Thị Kiều Nhi (cựu sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn), cô gái đã từng nhiều năm không về nhà ăn tết cùng gia đình, vì lý do vé tết quá đắt, trong khi đó nếu ở lại làm thêm thì tiền lương sẽ rất cao. Ngày hôm đó, khi xem xong phim Nhi đã khóc như chưa từng được khóc. Nhi nói với tôi: “Cuộc sống cơm áo gạo tiền cuốn chúng ta đi lúc nào không hay. Rồi quá nhiều cơ hội ngoài kia khiến chúng ta quên mất rằng ba mẹ đang già đi từng ngày, mà ta cứ mãi đi, mãi đi. Hôm xem phim Về nhà đi con, lúc người bố nói với chị Thư rằng: “giờ bố chẳng có gì ngoài sự già nua, giáo điều, lẩm cẩm, nhưng bố còn tình yêu và ngôi nhà để bất cứ lúc nào con cũng có thể trở về”, mình đã khóc òa lên. Đúng là chỉ có bố mẹ là những người thương chúng ta vô điều kiện”.
Có lẽ quá nhiều cảm xúc nên Phan Hoàng Dung (nhân viên lễ tân tại một resort ở Cam Lâm, Khánh Hòa) khi vừa được hỏi đã không giấu được cảm xúc, kể: “Tuần rồi, mình đi coi Điều ba mẹ không kể, không phải mình mà bạn trẻ nào cũng ngồi khóc sụt sùi. Phim bắt đầu với cảnh bố mẹ già vẫn còn vất vả kiếm tiền lo cho con, những mong con có công việc “nở mày nở mặt”. Mình đã khóc ngay cảnh đầu tiên, bởi lẽ mình nghĩ về bố mẹ ngày xưa, lúc còn cho mình ăn học cũng chỉ mong mình có được một công việc tốt, khóc vì thương bố mẹ, thương mọi ông bố, bà mẹ trên đời luôn vì con mà hy sinh, vất vả”.
|
Theo Hoàng Dung càng về sau, con cái không hiểu bố mẹ, trách cứ và để bố mẹ sống trong sự dằn vặt, đơn độc. Mình đã nghĩ, bây giờ đi làm xa, chẳng mấy năm nữa có gia đình riêng, liệu rồi mình có còn quan tâm bố mẹ được như bây giờ hay không, hay cuộc sống cũng cuốn mình đi, để lại bố mẹ cô đơn trong tuổi già với những căn bệnh.
“Mình khóc thành tiếng và nấc lên như một đứa trẻ là lúc trong phim, ông bố bà mẹ chọn cách giấu bí mật với những người con, ngẫm lại mới thấy, hồi gia đình mình khó khăn, lúc thiếu cái ăn, cái mặc, bố mẹ luôn giấu không bao giờ nói. Thậm chí cho đến bây giờ, khi mẹ của mình thiếu tiền ở quê, bà cũng giấu không nói. Nghĩ do bản thân đã quá tệ với gia đình nên mình khóc, nước mắt cho những lỗi lầm. Dù hoàn cảnh của gia đình mình khác xa với phim, lối suy nghĩ của mình khác xa người con trong phim nhưng đã có lúc sự vô tâm của mình đã làm bố mẹ buồn, cô đơn và chọn cách giấu kín…”, Hoàng Dung nghẹn ngào.
Giúp người trẻ thức tỉnh
Cũng giống với Hoàng Dung hay nhiều bạn trẻ khác, Phạm Thị Phước Mai Trinh (cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương) cũng xúc động chia sẻ: “Qua từng thước phim Điều ba mẹ không kể, em thấy hình ảnh ông bà, cha mẹ mình ở đó, rất quen thuộc. Em cảm nhận được cái không khí ngột ngạt của cơm áo gạo tiền, của sự hy vọng nơi cha mẹ, ước mơ của những người già và cả sự ích kỷ của những người con…”.
Trinh cho biết dù muốn hay không muốn thừa nhận thì ít nhất vài lần trong đời mỗi người đều đã từng làm những điều không phải với cha mẹ. Có thể nhỏ, có thể lớn nhưng đôi khi cuộc sống làm cho người trẻ ích kỷ hơn.
“Hình ảnh ba mẹ trong phim già đi, mất đi trí nhớ nó làm em nghẹn. Rồi sẽ có 1 ngày cha mẹ của mình cũng già đi, rồi chính mình cũng sẽ già đi. Mình sẽ đối xử với ba mẹ mình như thế nào lúc đó? Con cái mình sẽ đối xử với mình như thế nào? Đứa con trong phim là hình ảnh của một người con, người chồng sống ích kỷ, nhu nhược, lười phấn đấu. Nó lại làm em suy nghĩ, mình không bao giờ được sống như vậy. Phải cố gắng, sống có ý nghĩa, chăm sóc ba mẹ người thân bằng tất cả khả năng của bản thân”, Trinh nói.
Theo Mai Trinh, người trẻ nên xem nhiều những bộ phim về chủ đề gia đình. Bởi nó giúp người trẻ thức tỉnh và nhận ra được nhiều điều bị ẩn đi trong cuộc sống.
|
“Nếu lướt Facebook, hình ảnh những cặp đôi yêu nhau em sẽ thấy không lạ nhưng hình ảnh những đứa con quây quần bên gia đình cùng ba mẹ, ông bà mới làm cho em ngưỡng mộ. Đi đâu, làm gì, là ai thì cũng cần trân quý những người thân yêu của mình. Em vẫn luôn tin vào giá trị, gia đình tốt mới là nơi nuôi nấng những hạt giống tốt cho cuộc sống này”, Mai Trinh gửi gắm.
Còn Trương Thanh Hoàng (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) thì chia sẻ: “Học xong đại học, mình tiếp tục con đường đi du học, đến giờ về nước đi làm đã 4 năm. Trước đây khi ở bên nước ngoài, thấy nhiều gia đình Việt đi du lịch, mình đã hứa với ba mẹ sẽ về dẫn ba mẹ đi để ba mẹ biết nước ngoài là như thế nào. Thế mà lời hứa đó, mình cứ hẹn hết lần này đến lần khác, đến giờ vẫn chưa làm được. Ba mẹ có thể vất vả khổ cực để nuôi mình nên người, cho mình đi nơi này nơi kia để học, thế mà đến khi thành công, một lời hứa đưa ba mẹ đi du lịch thôi mình cũng không làm được. Như trong phim, có đoạn: “Mẹ ráng chờ con thêm một thời gian nữa, con sẽ đưa mẹ đi chơi…” nhưng liệu thời gian có để ba mẹ chờ được chúng ta không? Xem những bộ phim về chủ đề gia đình thế này, tự thấy buồn chính bản thân mình”.
Bình luận (0)