Phim Việt đề tài 'độc, lạ' chưa thu hút khán giả

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
13/04/2021 06:16 GMT+7

Nhiều nhà sản xuất chấp nhận mạo hiểm, thử thách khi đầu tư vào những thể loại phim “độc, lạ” để thị trường phim Việt đa dạng hơn. Thế nhưng, đa số các phim này chưa thành công trong việc thu hút khán giả.

Lạ nhưng chưa đủ hay

Bộ phim Song song thuộc thể loại giật gân, tâm lý, khoa học viễn tưởng của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng ra rạp từ ngày 2.4 nhưng đến nay doanh thu chỉ được 3,3 tỉ đồng. Phim có ý tưởng xuất phát từ nguyên lý “hiệu ứng cánh bướm” (butterfly effect - một thay đổi nhỏ ở đầu vào cũng có thể làm xáo trộn kết quả) với bối cảnh tại Đà Lạt năm 1999. Kịch bản phim thoạt nghe có hơi lạ so với những nội dung hài hước, tình cảm thường thấy của phim Việt, nhưng đây lại là bản remake (làm lại) của bộ phim Tây Ban Nha có tên Mirage ra mắt năm 2018. Thế nên, dẫu Song song có được chú ý vì khai thác đề tài “hiệu ứng cánh bướm”, nhưng rõ ràng khó thu hút số đông khán giả Việt với một câu chuyện nhiều rối rắm và xa lạ với đời thường. Chưa kể diễn xuất của diễn viên chính đơn điệu, chưa thúc đẩy được cảm xúc người xem; các diễn viên phụ khác cũng chỉ làm tròn vai; đặc biệt đạo diễn đã đuối sức ở đoạn cuối do nhịp dựng thiếu nhất quán... Song song hiện còn khá ít suất chiếu tại các rạp và nhiều khả năng sẽ nhanh chóng chìm vào lãng quên khi sắp tới có rất nhiều bộ phim khác ra mắt.
Hai bộ phim mang mác “Kiều” có điểm chung không chỉ nằm ở cái tên gợi nhắc danh tác của đại thi hào Nguyễn Du, mà còn ở chỗ đều bị khán giả chê ở chất lượng nghệ thuật. Kiều @ của Đỗ Thành An chiếu rạp cuối tháng 2.2021, doanh thu chỉ 1,1 tỉ đồng. Phim chuyển tải câu chuyện mang tinh thần của Truyện Kiều về thân phận phụ nữ nhưng bối cảnh, tình tiết, hành động được xây dựng theo màu sắc đương thời. Ê kíp làm phim nhấn mạnh được quay dựng theo kỹ thuật một cú máy (one-shot), từng được áp dụng trong các phim đoạt giải Oscar như 1917, Birdman... Tuy nhiên, khi công chiếu, phim bị cho là “thảm họa” với các điểm yếu: kịch bản hời hợt, cắt ghép thô vụn giữa vở cải lương Nửa đời hương phấnTruyện Kiều; góc máy quay ở những cảnh 18+ thiếu tính thẩm mỹ; hiệu ứng rung nhòe để chuyển tiếp cảnh khiến người xem có cảm giác chao đảo, nhức mắt vì không mượt… Còn phim cổ trang Kiều của nhà sản xuất - đạo diễn Mai Thu Huyền mới ra mắt hôm 9.4 (tính đến hết ngày 12.4, thu được 2,2 tỉ đồng bán vé) lại mắc nhiều điểm trừ ở khâu kịch bản, diễn xuất, kỹ xảo, dựng phim… Dù có đề tài, cách làm mới lạ, khác với các phim Việt đơn giản thông thường, cả hai phim về Kiều đều chịu cảnh thất bại về mặt khán giả.
Trước đó vào giữa tháng 1.2021, phim Cậu Vàng của đạo diễn Trần Vũ Thủy, lấy cảm hứng từ tác phẩm của nhà văn Nam Cao, tập trung quảng bá việc sử dụng “diễn viên 4 chân” làm nhân vật chính của phim - điểm mới của điện ảnh Việt nhưng doanh thu chỉ được khoảng 3 tỉ đồng.
Phim Việt đề tài 'độc, lạ' chưa thu hút khán giả1

Trình Mỹ Duyên và Lê Anh Huy trong phim Kiều

ẢNH: ĐPCC

Khao khát làm “thứ thị trường đang thiếu”

Việc sáng tạo, khai thác đề tài “độc, lạ”, mới mẻ để thị trường phim Việt ngày càng đa dạng hơn luôn được ủng hộ. Nhưng các nhà sản xuất quá chú tâm vào yếu tố mới, lạ mà chưa tạo ra một câu chuyện hay, chạm được cảm xúc, đúng với thị hiếu hiện tại của khán giả là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Việc khai phá cái mới đòi hỏi đạo diễn, nhà sản xuất phải nỗ lực gấp bội hơn nữa mới thuyết phục được khán giả.

Họ có tâm, bỏ sức ra làm phim, thử sức sáng tạo nhưng chỉ tiếc là tài năng chưa đủ để bật lên thành phim độc đáo, ấn tượng mạnh với công chúng

Nhà sản xuất Vũ Thị Bích Liên

Nhà sản xuất Vũ Thị Bích Liên nói: “Các đạo diễn chọn đề tài “độc, lạ” để làm phim đều chia sẻ họ mong muốn góp một màu sắc mới cho thị trường phim Việt chiếu rạp, không muốn chạy theo lối mòn. Điều này đáng khích lệ bởi tiền vốn làm phim đều của chính tư nhân bỏ ra. Họ có tâm, bỏ sức ra làm phim, thử sức sáng tạo nhưng chỉ tiếc là tài năng chưa đủ để bật lên thành phim độc đáo, ấn tượng mạnh với công chúng”.
Đạo diễn Victor Vũ nêu quan điểm: “Trên thế giới hay ở Việt Nam thường có tình trạng phim nào đang ăn khách thì sẽ có nhiều phim làm theo dạng đó để chạy theo thị hiếu. Nhưng với người làm phim có tư duy cấp tiến, muốn đóng góp cho nền điện ảnh thì luôn mong mỏi sẽ làm thứ thị trường đang thiếu, thứ khán giả đang khao khát, chứ không phải làm những thứ đã thắng, đã ăn khách. Không thể lặp đi lặp lại những thứ mà khán giả đã thích được. Chỉ khi nào nhà làm phim nghĩ ra hướng đi, góc nhìn mới lạ thì khán giả mới thấy thích thú với tác phẩm của mình”.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng từng làm phim tâm lý tội phạm Ống kính sát nhân, và mới đây là Song song cho rằng: “Nếu cứ làm phim theo đề tài, nội dung, công thức của một phim đã thắng về mặt thương mại thì điện ảnh Việt chỉ một màu nhàm chán, thiếu sức sống. Tôi vẫn chọn làm phim theo sở trường thể loại mà mình cảm thấy tự tin, nhiều khả năng nhất, dù biết sẽ kén khán giả. Làm nhiều thì sẽ có thêm kinh nghiệm để tay nghề ngày một tốt hơn”. Diễn viên Khương Ngọc chia sẻ: “Khi làm phim Song song, ai cũng biết đây là đề tài kén khán giả. Có những phim nhìn vào là biết giỏi lắm huề vốn. Tôi nhìn thấy đam mê khai phá cái mới của đạo diễn nên quyết định tham gia. Nhìn vào thị trường nước ngoài, nếu không có những người chịu đi bước đầu tiên thì mãi mãi không có thành quả cho một dòng phim, thể loại nào đó”.
Nhiều phim “độc, lạ” sẽ tiếp tục ra mắt khán giả: Rừng thế mạng (tên cũ: Tà Năng - Phan Dũng) chiếu vào 11.6, thuộc thể loại sinh tồn - tâm lý - giật gân của đạo diễn Trần Hữu Tấn; Đêm tối rực rỡ của đạo diễn người Mỹ - Aaron Toronto sống ở Việt Nam 16 năm qua với góc nhìn chân thật về phong tục ma chay ở Việt Nam; Mùa hè 1999 với cỗ máy thời gian đưa khán giả trở về quá khứ của đạo diễn Thắng Vũ; phim hành động với đề tài ấu dâm 578: Phát đạn của kẻ điên của đạo diễn Lương Đình Dũng; Bóng đè của Lê Văn Kiệt…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.