Theo đó, quận này được xếp hạng là một trong những khu phố tuyệt vời nhất năm 2019.
Quận 3 có 14 phường, với những con đường đặc trưng như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu, Lý Chính Thắng, Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ… Lối thiết kế kiến trúc ô bàn cờ đã tạo nên tính đặc thù, khu biệt quận này với các quận khác trong thành phố. Bởi thế, sự vinh danh của tạp chí Time Out là dấu mốc ghi nhận cho hành trình với một thế kỷ không ngừng nghỉ tạo dựng, kể từ ngày địa danh hành chính quận 3 xuất hiện vào năm 1920 trên bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn.
Không bị pha tạp!
Hầu như ai cũng có cảm nghĩ rằng, mỗi khi vượt qua những tuyến đường nhộn nhịp người xe vào những ngày trời nắng, lọt vào địa bàn quận 3 với những con đường rợp bóng cây xanh là cảm thấy một không khí khác hẳn. Cái nắng ngột ngạt bay đi đâu mất, nhường chỗ cho một trạng thái mát dịu, có cảm giác hầu như người xe đều đi chậm lại, chẳng hề vội vã. Trong cái thinh không của những tàng cây ấy, những hàng quán, những xao động cuộc sống dường như cũng giảm bớt mấy phần. Với tôi, mỗi khi vượt qua con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, là trục đường chính chạy từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố, nay cũng đã chật hẹp đi nhiều, kẹt xe thường xuyên xảy ra hơn, khi rẽ qua đường Võ Thị Sáu một đoạn rồi ngoặt vào đường Lê Quý Đôn, là phải đứng lại một chút, vì sự êm ái mát mẻ tỏa ra từ bóng mát những hàng cây, nơi bắt đầu cho những con phố êm đềm, thơ mộng…
Và những lúc như vậy, lòng thường tự hỏi: Vì sao lại có một không gian êm đềm giữa lòng thành phố vốn đang ngày một sôi động, ồn ào? Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ấy, lần giở lại tư liệu từ cách đây gần 25 năm, thời gian vụt trôi đi, nhưng tựu trung những bài vở lưu giữ đều ghi lại ý chí của TP.HCM luôn hướng đến, đó là không để quận 3 bị “pha tạp”!
Kể từ năm 1995, thời điểm của một “chiến dịch” vô cùng quan trọng với cư dân TP.HCM, đó là quyết tâm di dời và làm sạch con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đi qua 5 quận (bao gồm quận Tân Bình, Phú Nhuận, quận 3, Bình Thạnh và quận 1) của thành phố được khởi sự, thì quận 3 cũng đồng thời được giao cho 3 trọng trách: Thứ nhất là không chấp nhận cho xây dựng nhà cao tầng ở những ô phố bàn cờ có chiều rộng các con đường nhỏ (vào khoảng 10 - 12 m) như Tú Xương, Ngô Thời Nhiệm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Thị Diệu, Bà Huyện Thanh Quan… đồng thời cũng cố gắng khống chế tầng cao ở các trục đường lớn một chiều như Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Nguyễn Đình Chiểu… tối đa chỉ từ 10 - 12 tầng, nhưng phải giữ khoảng cách và mật độ xây dựng ở một giới hạn cho phép. Thứ hai là tuyệt đối phải bảo vệ, gìn giữ và bổ sung cây xanh. Thứ ba, đối với những hộ dân có nhà ven kênh Nhiêu Lộc đi qua địa bàn quận 3 một khi bị giải tỏa trắng, thì phải di dời ra khỏi phạm vi của quận, không thực hiện tái định cư tại chỗ.
Sự quyết liệt để giữ cho một quận có mật độ cây xanh dày nhất thành phố và không để cho các khối bê tông của các tòa nhà lấn át khoảng không gian xanh, đồng thời cũng là không để tích tụ nhiệt với cường suất lớn từ ánh nắng mặt trời, đã đem lại cho quận 3 một sự thoáng đãng, mát mẻ hơn nhiều khu vực khác trong thành phố, vốn có mật độ cư dân ngày càng tăng với tốc độ chóng mặt!
|
Gìn giữ nơi… “thanh lọc tâm hồn”!
Rất nhiều lần, ngồi trên gác một gian quán trên đường Bà Huyện Thanh Quan của quận 3, nhìn ra vòm me xanh tỏa bóng mát với những chú chim chuyền cành vô tư lự, tôi và nhiều bạn đồng nghiệp đều có chung một ý nghĩ, không ít lần bật ra cùng lúc: ngồi ở các con đường quận 3 quả thật có liệu pháp... thanh lọc tâm hồn!
Quận 3 với những ngôi trường có bề dày trên trăm năm như Lê Quý Đôn (năm 1877), Marie Curie (1915), Nguyễn Thị Minh Khai (tiền thân là Trường nữ trung học Áo tím Gia Long, được khởi công xây dựng từ năm 1913) là niềm tự hào không chỉ là bề dày về giáo dục qua nhiều thời kỳ, mà còn là những ngôi trường có kiến trúc độc đáo theo lối Âu châu.
Trong phần 2 có tựa đề Bước chậm thời gian của cuốn sách du khảo Sài Gòn trăm bước, ghi dấu hành trình di sản của văn hóa Sài Gòn, được khảo cứu bởi tác giả Nguyễn Ngọc Dũng - một kiến trúc sư rất am hiểu về kiến trúc di sản, đã ghi nhận vô cùng trân trọng Trường Lê Quý Đôn, ngôi trường cổ nhất Sài Gòn như sau: “Đây là trường trung học đầu tiên của Sài Gòn với tên gọi Collège Chasseloup, được khởi công xây dựng năm 1874 và hoàn tất năm 1877, kiến trúc mang đậm chất tây Âu, gồm 4 dãy nhà hai tầng ghép lại có hình chữ “khẩu”, lúc đầu chỉ nhận học sinh người Pháp. Năm 1954, trường đổi tên là Jean Jacques Rousseau, dạy chủ yếu học sinh người Việt. Sau 1975, đổi tên thành THCS Lê Quý Đôn (một phần tách ra thành Trường THPT Lê Quý Đôn bên cạnh). Hai trường này đã giữ nguyên tên gọi và hoạt động giáo dục cho đến ngày nay”.
“Hai ngôi trường vốn dành cho nữ sinh với hai hệ khác nhau là nữ trung học Áo tím Gia Long, chủ yếu là dạy theo hệ giáo dục phổ thông, thì niên khóa đầu tiên chỉ có 42 nữ sinh. Trường Marie Curie từ năm 1918 trở thành trường dành riêng cho nữ sinh với tên gọi Cao đẳng tiểu học nữ sinh Lycée Marie Curie. Trải qua nhiều biến cố, trường đã nhiều lần đổi tên như Trung học cơ sở Calmette, Trung học Lucien Mossard... và cuối cùng là Trung học Marie Curie. Đến năm 1970, trường bắt đầu tiếp nhận thêm nam sinh theo học và giữ nguyên chức năng giáo dục đến ngày nay…”.
Trao đổi với kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, một chuyên gia đô thị học, người gắn bó và viết rất nhiều sách về quy hoạch, kiến trúc Sài Gòn xưa và nay, ông nói: “Giới kiến trúc chúng tôi cho rằng người Pháp đã quy hoạch xây dựng quận 1 làm khu hành chính, quận 5 cho khu buôn bán người Hoa, và quận 3 là khu nhà vườn kiểu Pháp, với đường sá rợp bóng cây xanh, nhà cửa thoáng mát trong các khu vườn cây xanh tươi. Ngoài các kiến trúc mới cũ do tạp chí Time Out ghi nhận, phải nói rằng các villa Pháp là các công trình đáng kể nhất, đặc biệt khu villa trên các đường Tú Xương, Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu”. Về việc bảo tồn và gìn giữ những giá trị cổ đặc thù của quận 3, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái cho rằng: “Phương án quy hoạch xây dựng TP.HCM phải dành cho quận 3 phần nằm trong khu bảo tồn mang tính lịch sử đặc biệt, không để cho các nhà kinh doanh bất động sản xóa sổ các kiến trúc đó bằng cách cho phép xây dựng bừa bãi các cao ốc vô hồn, có nguy cơ phá nát di sản quý hiếm còn lại của thành phố”.
Còn nhiều chuyện để nói, có thể những xô bồ của cuộc sống hiện tại đang hiển hiện đâu đó hoặc đang cố “ập vào” những con phố nhỏ hiền hòa của quận 3, song với tôi, cảm nhận một khi đi qua ngôi nhà thờ cổ kính của giáo xứ Tân Định, hay len lỏi trên những con đường có những khu biệt thự nhỏ xinh ẩn mình dưới những giàn hoa giấy, hoặc một quán cà phê xanh mát thường ngồi với bạn bè mỗi sớm nắng lên tinh khôi, cứ ngỡ như ở đây thời gian như có lúc dừng lại!
Bình luận (0)