“Tôi đọc báo thấy có viết, vì quy định của V-League không chặt nên luôn có một đến hai đội bị coi là “rổ điểm” của các đội còn lại. Giải đấu gì mà sức cạnh tranh không quyết liệt, lại có cả đội biết chắc bị xuống hạng. Liệu V-League có lợi ích nhóm không?”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chất vấn tại buổi đối thoại về phát triển bóng đá Việt Nam (VN) kéo dài hơn 5 tiếng vào hôm qua 13.1.
Trả lời câu hỏi của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) Lê Hoài Anh nói: “Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến vì đây là câu hỏi thật đáng suy nghĩ”. Phó thủ tướng cắt lời ngay: “Đáng suy nghĩ nghĩa là thế nào, VFF có xử lý hay không, sao lại chỉ nói chung chung? Tôi xin tiết lộ là ngoài những câu hỏi được Văn phòng Chính phủ chắt lọc, bản thân tôi cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn, email từ khán giả, giới báo chí chia sẻ nhiều tâm huyết và sự bức xúc về bức tranh bóng đá nội. Tôi đề nghị lãnh đạo VFF trả lời thẳng V-League có chuyện dàn xếp tỷ số không, có tiêu cực không?”.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch VFF, trình bày: “VFF luôn nói không với dàn xếp tỷ số nên đã kiên quyết xử lý nhiều vụ việc. Chúng tôi kết hợp với Cục Cảnh sát hình sự (C45) và Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) ở các địa phương để phòng chống tiêu cực, rồi có cả Công ty Sport Radar nhằm phát hiện sự bất thường trong các trận đấu”. Phó thủ tướng hỏi lại: “Tôi chỉ muốn VFF nói ngắn gọn, V-League có tiêu cực không?”. Ông Tuấn bối rối rồi đáp: “Có tiêu cực”. Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng đỡ lời: “Chúng tôi thừa nhận còn một số trận đấu chưa sạch. Tổng cục sẽ chỉ đạo VFF làm kiểm soát tốt hơn”.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lại hỏi: “VFF cho biết mỗi CLB phải có 4 đội dự 4 giải trẻ, cứ thiếu đội nào sẽ bị phạt 200 triệu đồng/đội. Vậy VFF có giống kiểu phạt cho tồn tại bên xây dựng không. Tại sao đã có quy chế mà vẫn bị vi phạm? Tại sao bóng đá VN có khoảng 6.000 khán giả mỗi trận còn ở Thái Lan chỉ 5.000 nhưng bóng đá Thái vẫn kiếm được nhiều tiền hơn bóng đá VN?”. Trước những câu hỏi dồn dập, ông Trần Quốc Tuấn lại thêm phen bối rối: “Sắp tới chúng tôi sẽ quyết liệt. Phải sửa quy chế, không phải phạt là xong, mà cần có biện pháp mạnh mẽ hơn. Còn V-League thì nếu giảm bớt số lượng đội sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thi đấu của quốc gia cũng như ảnh hưởng đến việc thi đấu của các cầu thủ”.
'Tôi là người chủ trì nhưng xin mọi người bỏ qua công đoạn kính thưa nhé. Đi thẳng vào vấn đề luôn. Ai lan man tôi xin ngắt luôn', Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mở đầu cuộc đối thoại về phát triển bóng đá Việt Nam vào chiều 13.1 nhanh gọn như một 'cú sút'.
Tổng cục TDTT: Chưa bao giờ phó mặc mọi việc cho VFF
Khi được Phó thủ tướng yêu cầu ngành thể thao trả lời về chuyện một ông chủ sở hữu nhiều đội bóng, ông Vương Bích Thắng đáp: “Dư luận vẫn có tin đồn về anh Đỗ Quang Hiển sở hữu cả Hà Nội, Sài Gòn hay SHB Đà Nẵng. Nhưng thanh tra Bộ đã vào cuộc và không có chuyện đó”. “Về chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xin tổng cục cũng trả lời thẳng là đã đốc thúc việc thực hiện chiến lược như thế nào, đã kiểm tra giám sát chặt chẽ chưa, có tiến hành kiểm điểm không?”, Phó thủ tướng hỏi. Ông Thắng thừa nhận ngành chưa giám sát một cách quyết liệt, chưa có kiểm điểm kỹ càng từng nội dung thực hiện chiến lược, nhưng: “Tổng cục TDTT chưa bao giờ phó mặc mọi việc cho VFF”.
Phó thủ tướng tiếp lời ngay: “Thế thì Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và anh Thắng phải bổ sung vào câu trả lời là Bộ và Tổng cục TDTT cam kết sẽ quyết liệt chỉ đạo việc tiếp tục thực hiện chiến lược. Phát triển bóng đá không chỉ riêng của ngành thể thao nhưng ngành thể thao phải chủ đạo. Giờ Bộ, Tổng cục TDTT vẫn chưa đủ sâu sát thì làm sao các bộ khác như Tài chính cùng vào cuộc được. Tôi xin nhấn mạnh lại, buổi đối thoại này là buổi tranh luận cởi mở. Phải thẳng thắn, không giải thích nhiều. Đừng lòng vòng. Ngành phải trả lời dứt khoát, không né tránh”.
Về câu hỏi của khán giả hỏi ông Lê Hùng Dũng, Trần Quốc Tuấn có nhận hối lộ như đơn kiện không, ông Tuấn trả lời: “Không có chuyện chúng tôi nhận hối lộ. Cơ quan chức năng đã kết luận không có hành vi tiêu cực đó”.
Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, dự kiến ngày 13.1 Bộ VH-TT- DL tổ chức một cuộc đối thoại trực tiếp giữa cổ động viên, các chuyên gia, nhà quản lý với lãnh đạo ngành thể thao, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) về tương lai bóng đá Việt Nam (VN).
VFF phải mạnh mới kêu gọi được nguồn lực xã hội
Chuyển sang phần tranh luận trực tiếp, lãnh đạo VFF bị “quay” đến chóng mặt mà theo ví von của nguyên Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực “cuộc đối thoại như trận đấu không cân sức giữa những người chất vấn và bị chất vấn”. Ông Trực mong muốn Chủ tịch VFF khóa 8 phải là người dấn thân và VFF phải biết tiếp thu với tinh thần cầu thị để bóng đá VN thực sự tiến lên. Nguyên Bộ trưởng Ủy ban TDTT Hà Quang Dự phát biểu mạnh mẽ: “Bộ máy VFF đang mắc lỗi hệ thống, chưa đáp ứng được sự phát triển của bóng đá VN. Chậm xử lý nhiều sự việc vì không phát hiện kịp thời mặt trái của xã hội hóa bóng đá. VFF đã để tuột khỏi tay quyền tổ chức V-League mà mô hình Công ty VPF lại chưa đúng”. Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT Nguyễn Hồng Minh phê bình VFF được đóng góp rất nhiều nhưng không chịu thay đổi và mãi không giúp đội U.23 vô địch SEA Games như mục tiêu đề ra trong chiến lược.
Phải có sự đổi mới thực sự ở VFF khóa mới. VFF phải mạnh thì mới kêu gọi được nguồn lực xã hội
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam
Nguyên Phó chủ tịch VFF Lê Thế Thọ nói thẳng: “VFF không dám nhìn vào sự thật. Nội bộ VFF mất đoàn kết trầm trọng, lên báo mắng nhau tùm lum. Thế thì làm sao bóng đá VN phát triển. Bóng đá của chúng ta mãi không lớn được. Phải trả lời bóng đá là vì ai? Tại sao đội tuyển thất bại mà không ai đau khổ?”. Ông Vũ Mạnh Hải chê bộ máy VFF thiếu yếu tố chuyên môn bóng đá. Còn nguyên Phó chủ tịch VFF Ngô Tử Hà kêu gọi bộ máy VFF khóa tới phải trong sạch, hội tụ người giỏi, không có chuyện bè phái, không có kẻ thủ đoạn. Cựu Còi vàng Dương Mạnh Hùng chất vấn Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi “con anh là trọng tài Nguyễn Trọng Thư được ưu ái”.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: “Xin đừng gọi to tát đây là “hội nghị Diên Hồng”, vì còn nhiều việc phải làm. Dẫu đã có tín hiệu tốt hơn nhưng tôi biết nhiều bậc lão thành chưa thỏa mãn hoàn toàn với VFF. Tôi yêu cầu Bộ, VFF phải trả lời từng câu hỏi bằng văn bản. Trả lời xong phải bắt tay vào thực hiện. Để FIFA cho thăng hạng đã đành, nhưng thăng hạng bao nhiêu mới là sướng và trong lòng chúng ta phải thực sự sung sướng. Phải có sự đổi mới thực sự ở VFF khóa mới. VFF phải mạnh thì mới kêu gọi được nguồn lực xã hội”.
Ý kiến:
Vì sao chuyển quyền tổ chức giải sang cho VPF ?
Ảnh: Ngọc Thắng
Bộ máy VFF đang có lỗi hệ thống, không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Có hai điểm mà anh em không phát hiện và không xử lý được kịp thời. Thứ nhất, xã hội hóa đem lại một số kết quả tốt nhưng phải chăng hoạt động bóng đá của ta đang tuột dần khỏi sự quản lý nhà nước, tuột dần khỏi địa phương, không còn gắn kết với các đội bóng, địa phương. Đây có phải mặt trái của xã hội hóa mà ngành và VFF không nhận ra? Vấn đề xã hội hóa, trách nhiệm của tổng cục đến đâu, cần phải nhìn thực tế.
Thứ hai là lỗi hệ thống quan trọng. Việc tổ chức các giải bóng đá quốc gia, đặc biệt là các giải đỉnh cao, là trách nhiệm VFF. VFF là người quyết định thành lập ban tổ chức giải và một phó chủ tịch VFF trực tiếp chỉ đạo. Gần như hằng tháng, bộ trưởng giao ban. Cứ sau 1, 2 lượt thì trưởng ban tổ chức giải báo cáo. Chúng tôi quản lý và xử lý tới mức đó. Hiện việc tổ chức giải được giao cho Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF). Có phải như vậy là tuột quyền quản lý nhà nước khỏi tay của VFF? Tất nhiên VFF không buông hết, vẫn còn ban trọng tài, ban kỷ luật ở đó nhưng không thể tồn tại cách đó được. Đó là một mô hình sai so với hệ thống. Hệ thống của chúng ta dù là bóng đá cũng phải do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý. Tại sao lại chuyển quyền ấy sang một doanh nghiệp? Theo tôi, doanh nghiệp ấy chỉ có thể có quyền tổ chức sự kiện, không thể là đơn vị chịu trách nhiệm chính.
Ông Hà Quang Dự, nguyên Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban TDTT
FIFA không cấm người nhà nước sang VFF
Theo điều lệ VFF, bầu chủ tịch là thuộc thẩm quyền Đại hội VFF. Lúc mới bị bệnh, anh Lê Hùng Dũng có nguyện vọng xin nghỉ. Nhưng sau điều trị và qua những cuộc họp, mọi người động viên, anh Dũng đồng ý tiếp tục trách nhiệm và làm việc cho tới hết nhiệm kỳ. Dù không xuất hiện nhiều trong các hoạt động bóng đá, nhưng trong các công việc của VFF, anh Dũng vẫn có mặt. Phải nói thật là anh Dũng rất tâm huyết. Trong bối cảnh đầu nhiệm kỳ chưa có sự ổn định, sự có mặt của anh Dũng để giữ ổn định cho VFF là điều rất cần thiết. Hiện anh Dũng đã khỏe, ổn hơn rất nhiều và sẽ tham gia hết khóa này. Kể cả Bộ trưởng cũng đã gặp gỡ và trao đổi với anh Dũng. Bản thân Ban Chấp hành VFF cũng không có đề xuất nào bảo là anh Dũng phải nghỉ.
Về anh Trần Quốc Tuấn, FIFA không cấm người của nhà nước sang làm tại liên đoàn. Một số chức danh quốc tế, chúng tôi đã yêu cầu anh Tuấn bớt đi để tập trung cho bóng đá VN.
Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT
VFF yếu chuyên môn
Tôi thấy bộ máy lãnh đạo VFF nặng về mặt xã hội, yếu tính chuyên môn, Trưởng đoàn bóng đá Lê Hoài Anh không biết gì về bóng đá, việc lựa chọn HLV Park Hang-seo chỉ có 3 người biết, trong đó có ông Trần Quốc Tuấn, ông Đoàn Nguyên Đức chứ Hội đồng HLV quốc gia không được hỏi ý kiến, Phòng Đội tuyển VFF không có người giỏi.
Cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải
Thế giới không biết bóng đá vẫn điều hành tốt !
Bóng đá Thái Lan cả đội nam và nữ, trưởng đoàn đều là doanh nhân. Còn FIFA, chủ tịch cũng là doanh nhân, còn tổng thư ký vốn là nữ cán bộ của Liên Hiệp Quốc, không biết gì về bóng đá. Nhưng khóa tới, chúng tôi sẽ lưu ý vấn đề này, cần tăng cường thêm yếu tố chuyên môn. Còn việc thuê HLV, VFF làm đúng quy trình, lấy ý kiến của Hội đồng HLV trước khi thương thảo hợp đồng. Việc thất bại tại SEA Games 29 vừa qua cũng sẽ là bài học quý cho chúng tôi. Anh Hữu Thắng chủ động xin từ chức chứ chúng tôi không sa thải. Sau này, việc chuẩn bị cho các đội sẽ phải tốt hơn. Giám đốc kỹ thuật Gede đang có sự cộng tác tốt với VFF và HLV Park Hang-seo.
Bình luận (0)