“Thế nào là phòng vệ chính đáng?”, là câu hỏi mà nhiều người đặt ra sau vụ Nguyễn Hùng Hải bị tòa tuyên mức án 1 năm 6 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần kích động mạnh” sau khi vô cớ bị một người say tấn công.
Nguyễn Hùng Hải là người bị nạn nhân - anh P.V.A tấn công bất ngờ vào 23 giờ ngày 14.1.2019. Khi Hải dùng nón bảo hiểm (NBH) chống trả, thì anh P.V.A té xuống đất tử vong. Nguyên nhân tử vong, kết luận giám định nêu “chấn thương sọ não do té ngã va đập đầu vùng chẩm phải vào vật tày cứng”. Khi vụ này đưa ra xét xử, TAND Q.Tân Phú (TP.HCM) đã tuyên mức án 1 năm 6 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần kích động mạnh” đối với bị cáo Nguyễn Hùng Hải.
Cần làm rõ nguyên nhân tử vong có do nón bảo hiểm
Trao đổi với PV Thanh Niên, TS - luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thế Trạch, phân tích: Khi bị người khác tấn công một cách trái pháp luật xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, sự xâm phạm này còn đang hiện hữu thì sẽ phát sinh quyền phòng vệ. Quyền này được công nhận là hợp pháp, được xem là “phòng vệ chính đáng” và hành vi chống trả phải trong giới hạn cần thiết nhằm gạt bỏ sự tấn công vô cớ. Còn hành vi chống trả của bị cáo khi vượt quá giới hạn cần thiết để gạt bỏ sự tấn công, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, theo khoản 3 điều 136 bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, với khung hình phạt từ 1 - 3 năm tù.
Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Nguyễn Hùng Hải chạy xe ôm công nghệ Grab và khi trả khách đến một căn nhà trên đường Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú (TP.HCM) vào khoảng 23 giờ ngày 14.1.2019, thì bất ngờ bị anh P.V.A đi đến đánh một cái trúng môi trên. Bị đánh thêm cái nữa, Hải né được. Sau đó, A. truy đuổi Hải chạy vòng vòng quanh xe máy. A. dùng tay xô xe máy ngã vào lề đường, trong khi đó Hải bỏ chạy và A. tiếp tục đuổi theo. Chạy được khoảng 3 - 5 m, A. kéo mũ áo khoác Hải đang mặc. Hải dùng tay tháo NBH đang đội đánh vào vai trái của A. Trong lúc 2 bên xô xát, Hải dùng NBH đánh vào đầu; A. té ngã và tử vong sau đó.
|
LS Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên Thẩm phán TAND tối cao) phân tích, các hành vi được mô tả theo cáo trạng thể hiện bị cáo đánh trả là để thoát thân - thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng theo khoản 1 điều 22 BLHS năm 2015, và phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Tuy nhiên, hậu quả của vụ chống trả là nạn nhân tử vong, vì vậy cần làm rõ hành vi chống trả có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo khoản 2 điều 22 BLHS năm 2015 hay không.
“Hơn nữa, kết luận giám định nêu, nạn nhân chấn thương sọ não do té ngã va đập đầu vùng chẩm phải vào vật tày cứng. Có nghĩa nguyên nhân tử vong không phải do cú đập của NBH, và điều này cũng có thể hiểu cú đánh của bị cáo không mạnh nhưng nạn nhân vẫn té. Vậy nạn nhân té bởi lực nào, do nạn nhân thời điểm đó say xỉn, không trụ vững hay do bị cáo đánh mạnh cũng cần phải làm rõ”, LS Nguyễn Thị Kim Vinh nêu.
Ranh giới mong manh
Còn theo LS Vũ Phi Long (nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM) thời điểm 23 giờ, với không gian chỉ có một mình bị cáo và tài sản là chiếc xe, bất ngờ bị người lạ tấn công thì bị cáo có quyền phản kháng ngay lúc đó, nhưng bị cáo không phản kháng mà bỏ chạy. “Việc bị cáo bỏ chạy chứng tỏ bị cáo không mang ý định gây thương tích cho ai. Ở giai đoạn tiếp theo, khi bỏ chạy thì bị níu lại, bị cáo dùng NBH đánh lại, trong trường hợp này việc chống trả của bị cáo vẫn là hợp lý, phù hợp với quy định pháp luật”, LS Vũ Phi Long nhận định.
Về khái niệm “phương tiện nguy hiểm” tiểu mục 2.2, mục 2 phần I Nghị quyết 02/2003 của HĐTP TAND tối cao nêu "Phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm, hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ, hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công”.
Trong vụ án, NBH được giám định có trọng lượng 500 gr, khi dùng đánh vào đầu người khác có thể gây tổn hại sức khỏe cho người bị tấn công. Vì vậy, cơ quan tiến hành tố tụng Q.Tân Phú xác định NBH là phương tiện nguy hiểm.
|
“Nếu nạn nhân không chết, hoặc thương tật đến 30% thì người chống trả không có tội, vì các nhà làm luật đã lường một khoảng “hở” - tức nếu phòng vệ vượt quá giới hạn nhưng thương tật không quá 31%, không gây chết người thì không phạm tội. Vì vậy, khi cú đánh bằng NBH có thể gián tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân, hậu quả này ngoài ý muốn của bị cáo nhưng vẫn xảy ra, thì bị cáo vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, và lúc này hình phạt phù hợp sẽ là cái tình, cái lý trong vụ án”, LS Long lý giải.
Trong trường hợp bị tấn công vô cớ vào đêm khuya, người dân phải làm như thế nào để vừa tự bảo vệ mình, vừa không vướng tù tội? Vấn đề này được TS - LS Nguyễn Hữu Thế Trạch phân tích: “Nếu bỏ chạy nhằm tránh sự tấn công từ người khác thì đó là một hành động đúng đắn. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp bỏ chạy đều thoát khỏi sự tấn công. Pháp luật trao cho ta quyền phòng vệ, chống trả lại hành vi tấn công để tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chính mình. Nếu bị tấn công, hãy thật sự tỉnh táo để nhận biết ranh giới giữa việc chống trả cần thiết và chống trả quá mức cần thiết; đồng thời cũng cần tìm đến những nơi đông người, hô hoán để người khác biết can ngăn, hỗ trợ”.
Bình luận (0)