Dòng người chen chúc nhau trên đường vào cổng Phủ Tây Hồ để làm lễ. Tất cả các khu vực từ chính điện cho tới ngoài sân phủ, khu đốt vàng mã hay phóng sinh đều chật kín người đi lễ.
Đây là khung cảnh thường thấy ở Phủ Tây Hồ trong ngày đầu tiên của tháng 7 âm lịch hằng năm, dân gian gọi là tháng “cô hồn”. Nhiều người thường đến chùa, đền, phủ để cầu mong bình an, xua đi những điều xui xẻo trong cuộc sống.
"Theo quan niệm của người xưa, mình đi lễ đầu tháng sẽ gặp nhiều may mắn cho tháng đấy. Mình cầu bình an, sức khỏe là chính. Những ngày này thì khá là đông, hầu như là nghẹt thở luôn ấy. Mọi người thường chen lấn nhau nhiều. Lễ rất là nhiều, mọi người để chồng chất lên nhau nên đôi khi hay bị dập lễ. Nên để tìm một vị trí đẹp thì hơi khó. Mình đi lễ này là do cái tâm của mình, tâm mình hướng Phật thì lễ to hay lễ nhỏ cũng không quan trọng lắm", anh Trần Minh Qung, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) cho biết.
Mỗi người dân đi lễ sẽ đội lên đầu một mâm lễ đơn giản với chi phí khoảng 200.000 đồng. Trước các ban lễ, đoàn người làm lễ đông đến nghẹt thở. Nhiều người đi lễ toát mồ hôi mới chen lấn được một chỗ để hành lễ. Điện chính trong Phủ chật kín người nên nhiều người dân không vào được bên trong đành phải đứng ngoài để chiêm bái. Dù Ban quản lý Phủ Tây Hồ đã khuyến cáo người dân hạn chế mang vàng mã vào nhưng khu vực lò đốt vẫn luôn rực lửa.
"Hôm nay sau khi mình và bạn mình tan làm xong, ngay lập tức mình đã đến Phủ Tây Hồ. Theo như mình nghĩ thì Phủ Tây Hồ sẽ rất đông người khi về đêm, cũng như là làm lễ sẽ khó khăn hơn nên mình đi sớm hơn một chút. Tháng 7 (âm lịch) cũng là tháng Vu Lan", anh Việt Anh (quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) chia sẻ.
Ngoài lễ vật thông thường, nhiều người còn mua chim, cá, ốc và cả rùa để phóng sinh trong ngày đi lễ phủ để cầu bình an, mong muốn những điều tốt đẹp, may mắn trong tháng 7 âm lịch khi đến hành lễ ở đây.
Bình luận (0)