Bộ trưởng NN-PTNT gợi ý tập hợp thương lái để tiêu thụ lúa, nông sản

17/08/2021 19:36 GMT+7

Các địa phương nên tập hợp đội ngũ thương lái và coi họ là đối tác đồng hành trong thu mua tiêu thụ nông sản cho nông dân, chứ không phải chuyện gì cũng nói “thương lái ép giá này nọ”.

Đó là gợi ý của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại cuộc họp trực tuyến chiều ngày 17.8, với Tổ công tác 970, và đại diện các địa phương phía nam tìm giải pháp tiêu thụ nông sản tại các tỉnh phía nam.

Thương lái không thu mua, giá nông sản xuống thấp

Covid-19, nông dân Đắk Nông không bán được bí đao: lấy tiền đâu để con nhập học

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang, cũng cho biết giá lúa trong tuần sau khi ở mức 200 - 500 đồng/kg đã chững lại, có giống lại giảm 100 - 200 đồng/kg.
Dù UBND tỉnh An Giang đã gửi nhiều văn bản đến các doanh nghiệp kêu gọi thu mua lúa cho nông dân. Nhưng theo thống kê hiện nay, số lượng doanh nghiệp vào thu mua lúa chỉ đạt 50% so với cùng kỳ vụ hè thu năm 2020 khiến việc tiêu thụ lúa rất khó khăn.
Hiện tại ở Cần Thơ, toàn tỉnh còn tồn khoảng 64.000 tấn lúa và có 217.000 tấn gạo tồn trong kho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Các tỉnh ĐBSCL đều áp dụng Chỉ thị 16 nên việc thương lái, doanh nghiệp đi từ vùng này sang vùng khác thu mua lúa, gạo gặp rất nhiều khó khăn.
Cũng theo báo cáo của Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT, số lượng thương lái thu mua nông sản ngừng hoạt động, giảm sút mạnh là một trong những nguyên nhân khiến tiêu thụ chậm, giá giảm thấp. Cụ thể tại Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, giá thanh long ruột trắng chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg; thanh long ruột đỏ 3.000 - 5.000 đồng/kg.
Quả nhãn đang thu hoạch chính vụ nhưng tiêu thụ chậm, gặp khó khăn do thiếu thương lái thu mua. Giá giảm bằng khoảng 50% so với năm trước. Còn tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp…có diện tích trồng chanh rất lớn và giá chanh ở mức rất thấp 1.500 - 2.000 đồng/kg nhưng cũng có rất ít thương lái thu mua.

Không có thương lái, nông sản khó về nhà máy!

Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, để đẩy nhanh tiêu thụ nông sản tại các tỉnh phía nam hiện nay thì các địa phương phải linh hoạt hơn trong việc kiểm soát lưu thông, vận chuyển. Khi hiện tại nhiều doanh nghiệp phản ánh, đường quốc lộ, tỉnh lộ đã thông thương nhưng đường làng, đường xã lại không thông.
Cũng theo ông Lê Minh Hoan, con đường lưu thông, tiêu thụ nông sản ở các tỉnh ĐBSCL giống như một hệ sinh thái, có sự kết nối chặt chẽ bởi nhiều thành tố và không tách rời. Trong đó có lực lượng thương lái với hoạt động đặc thù.
Cụ thể, ông Lê Minh Hoan nêu dẫn chứng: “Một ông thương lái của Cần Thơ nhưng có thể đi mua lúa của Hậu Giang, Đồng Tháp; ông thương lái ở Đồng Tháp lại thu mua hành tăm tận Cà Mau”.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để hỗ trợ tiêu thụ lúa, nông sản trong vùng dịch Covid-19 các tỉnh phía nam hiện nay, các địa phương không chỉ chú ý đến lực lượng doanh nghiệp mà cần quan tâm đến cả đội ngũ thương lái. Bởi nếu không có thương lái vận chuyển, nông sản cũng khó về nhà máy.
“Các địa phương nên tập hợp đội ngũ thương lái địa phương, về lâu dài đưa vào quản lý như một đối tác đồng hành trong thu mua nông sản cho nông dân chứ không phải có chuyện gì cũng nói thương lái ép giá này nọ”, ông Hoan nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.