Khởi nghiệp lại như thế nào ?
Nhìn nhận chung về tình hình “thương tổn” của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong đại dịch, chị Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM, cho biết thanh niên khởi nghiệp, nhất là các bạn ở giai đoạn khởi nghiệp dưới 5 năm thì như những đứa trẻ, trong cơn bạo bệnh thông thường sức đề kháng sẽ không cao. Do đó, sự tác động rất lớn từ dịch bệnh, mà các bạn không có dòng tiền nên là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất.
Nhìn ở khía cạnh tích cực, chị Hằng cho rằng vì quy mô của các bạn nhỏ nên tổn thất cũng không nhiều. Những tập đoàn lớn bây giờ họ trở mình mới khó, do thuyền càng lớn thì trong cơn bão sẽ thiệt hại càng nặng và sẽ khó cũng như mất rất nhiều thời gian để ra khơi trở lại. Bạn trẻ khởi nghiệp, mặc dù yếu hơn về nhiều mặt, các bạn dễ bệnh hơn nhưng bệnh xong lại nhanh khỏi hơn.
“Đây là giai đoạn có thể tái khởi nghiệp rất mạnh mẽ, vì thời điểm này chi phí thấp hơn so với bình thường. Chẳng hạn như chi phí mặt bằng bây giờ sẽ ít hơn, chi phí nhân sự cũng thấp hơn…”, chị Hằng khẳng định.
Vừa làm về khởi nghiệp vừa giảng dạy về các chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM, anh Trần Thanh Tùng cho rằng: “Giai đoạn này vừa là thử thách, vừa là cơ hội rất lớn cho người trẻ. Trong giai đoạn này, chúng ta đã thấy rất nhiều nhu cầu mới phát sinh mà đa phần tập trung vào trực tuyến. Do đó khi dịch ổn dần, mọi thứ bắt đầu mở cửa trở lại thì đây sẽ là cơ hội nhiều hơn cho bạn trẻ với những mô hình mới, công nghệ mới để có thể tái lập nền kinh tế nước nhà”.
Theo anh Trương Thanh Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia: “Đối với doanh nghiệp của bạn, hãy làm gương và lan tỏa tinh thần tự nâng cấp bản thân cho toàn thể các cộng sự của mình. Rất nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng khủng hoảng ngay khi tăng trưởng quá nhanh chỉ vì năng lực của đội nhóm không theo kịp. Và biết đâu, khi dịch qua đi, nhu cầu thị trường đột ngột bùng nổ mạnh trở lại sau một thời gian gián đoạn chuỗi cung ứng trong khi phía cung bị hạn chế do nhiều doanh nghiệp đã phải dừng cuộc chơi, đó chính là thời cơ tăng trưởng nóng của bạn”.
Và anh Hùng khuyên hãy nâng cấp năng lực đội ngũ, hoàn thiện sản phẩm, quy trình phối hợp giữa các bộ phận, chính sách phân phối và chăm sóc khách hàng... ngay từ bây giờ. Đặc biệt, chú trọng đầu tư cho các hoạt động truyền thông, tận dụng triệt để tất cả các kênh trực tuyến như Facebook, Zalo… Nếu sản phẩm có thể đưa lên tất cả các sàn thương mại điện tử thì hãy tận dụng chúng, mục tiêu không phải chỉ là bán hàng mà là để tăng sự hiện diện và độ phủ của sản phẩm đến với khách hàng trên nhiều vùng lãnh thổ.
“Làm tốt những việc trên là bạn đã thực sự chuẩn bị một nền móng vững chắc cho hành trình phát triển lâu dài và bền vững về sau”, anh Hùng khẳng định.
|
Mô hình nào có thể khởi nghiệp ở giai đoạn này ?
Theo anh Trần Thanh Tùng, khi bài toán bắt đầu khó hơn thì đồng nghĩa với việc các bạn trẻ khởi nghiệp phải giỏi hơn.
“Một trong những thứ mà hiện nay các bạn trẻ thiếu nhiều nhất đó là sự hiểu biết về tài chính. Chính điều này dẫn đến khi tình hình dịch và sự khó khăn trong kinh doanh diễn ra thì thứ ghê gớm nhất tiêu diệt công ty đó là các bạn không có đủ tiền mặt, không biết dự đoán tình hình kinh doanh của mình và các bạn không đưa ra được những quyết định chính xác dựa trên những dữ liệu vốn có của doanh nghiệp và mức độ dự báo dựa trên những thông tin của thị trường. Chính vì thế, một trong những thứ mà các bạn cần phải bổ sung gấp đó là khả năng tài chính và kiểm soát được dòng tiền của mình”, anh Tùng khuyên.
Anh Tùng cho rằng có 2 loại kinh doanh có thể giúp các bạn tồn tại được trong giai đoạn này và những giai đoạn sau trong ít nhất 1 hoặc 2 năm tới. Thứ nhất là kinh doanh những loại vật dụng và mặt hàng thiết yếu. Loại hình thứ 2 dành cho những bạn có sẵn chuyên môn, tri thức và khả năng về sư phạm là các mô hình dạy học trực tuyến. Các loại hình giáo dục và tư vấn trực tuyến vẫn đang phát triển và vẫn đạt được doanh số rất cao. Chính vì thế, đây cũng là một mô hình mà các bạn có thể hướng tới.
Đồng quan điểm, chị Hằng khuyên: “Những mô hình liên quan đến sản phẩm thiết yếu, khi nó là nhu cầu cuộc sống thì khả năng chi trả và sức mua của người dùng sẽ tốt hơn. Đây là lĩnh vực mà bạn trẻ khởi nghiệp cần lưu tâm. Hay là những ngành đòi hỏi trực tuyến và công nghệ thì người trẻ lại có nhiều lợi thế và cơ hội để khởi nghiệp”.
Còn anh Trương Thanh Hùng thì chỉ ra: “Dù cho trong điều kiện dịch bệnh, có sự dịch chuyển rõ rệt của những hành vi, thói quen và nhu cầu mới. Tuy nhiên, sức khỏe, giáo dục và giải trí vẫn là những lĩnh vực bền vững để khởi nghiệp. Hãy tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp cụ thể trong chính những than phiền của xã hội về những lĩnh vực này, ở đâu càng xuất hiện nhiều sự không hài lòng của khách hàng ở đó chính là thiên đường cho khởi nghiệp. Sau khi thấy được vấn đề gặp phải của khách hàng, hãy đối chiếu với năng lực cốt lõi của bản thân, xem các bạn có thế mạnh gì trong việc đưa ra giải pháp ưu việt hơn để giải quyết các vấn đề đó không, nếu có thì đó chính là cơ hội khởi nghiệp”.
Bình luận (0)