Cần sớm có giải pháp quản lý và sử dụng sân Mỹ Đình đúng cách

22/10/2021 18:12 GMT+7

Sân Mỹ Đình đã được chỉnh trang, cải tạo sáng sủa hơn để chuẩn bị đón tiếp 2 đối thủ Nhật Bản và Ả Rập Xê Út đến tranh tài cùng đội tuyển Việt Nam tại các trận vào ngày 11 và 16.11 tới trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 World Cup 2022 . Câu hỏi đặt ra là về lâu dài cần quản lý và sử dụng tài sản công này như thế nào cho có hiệu quả.

Gần 2 tháng trước, sau trận đấu với đội tuyển Úc ngày 7.9, sân vận động quốc gia Mỹ Đình đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi bị truyền thông nước Úc chê và được ví như "bãi chăn bò". Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cũng gửi văn bản đến VFF và bày tỏ lo ngại trước chất lượng mặt sân và các phòng chức năng không đảm bảo. Do bị sức ép của dư luận và nhất là AFC, thời gian qua Bộ Văn hóa Thể thaoDu lịch đã rất quyết liệt trong việc cải tạo, sửa chữa sân Mỹ Đình. Được biết, cứ tuần 2 lần, Tổng cục TDTT đều đưa người xuống giám sát tiến độ.

Nhưng cũng từ đây người hâm mộ mới thấy rằng chính vì cách quản lý thiếu sâu sát của Bộ khi họ để “ thả rông” suốt 10 năm cho Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình, nơi trực tiếp quản lý sân bóng tự chủ về kinh tế tài chính theo hướng lấy thu bù chi. Tiếc rằng, bộ máy này lại hoạt động kém hiệu quả và vướng đầy sai phạm, thậm chí tới mức vi phạm pháp luật về quản lý tài sản nhà nước, về kinh tế và về nguyên tắc thu chi. Việc chăm sóc, bảo dưỡng định kì sân cỏ và các hạng mục công trình khác thì không được sửa chữa, bảo trì theo đúng quy định.

Sân Mỹ Đình sẽ được quản lý sử dụng thế nào là bài toán mà Bộ VH-TT-DL phải nhanh chóng tính đến

Đ.Huy


Sân bóng cần hoạt động thường xuyên và cần được đón khán giả để có nguồn thu trang trải cho mọi hoạt động. Nhưng chính cách quản lý nhiều lúc thận trọng quá mức gây ra những tác động không hay. Như mới hôm 20.10, các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức thi đấu đã họp với các lãnh đạo Hà Nội thì được biết các cấp có trách nhiệm không chấp thuận cho trận đấu có khán giả vì lý do chưa thật yên tâm khi dịch bệnh phức tạp. Thật buồn khi chúng ta biết, Hà Nội đã và đang là vùng xanh rất an toàn. Vậy thì rồi đây nguồn thu lấy đâu ra khi các địa phương cứ dè dặt mãi như thế, còn doanh nghiệp nào muốn quảng cáo và không có quảng cáo thì VFF lấy đâu tiền nuôi bóng đá ?

Thế nhưng không biết vì nguyên do tác động từ đâu mà ngay hôm sau, 21.10, Thành phố Hà Nội đã chấp nhận đồng ý cho bán vé 30% trên tổng số ghế hiện có với các điều kiện đảm bảo phòng chống dịch tốt nhất, an toàn nhất. Tôi nghĩ như vậy là đúng và chừng mực, có cân nhắc .Từ câu chuyện này, sau khi tổ chức các trận đấu trước mắt thì về lâu dài, có lẽ đã đến lúc cần tính đến một giải pháp khác. Liệu có nên để nhà nước cứ ôm đồm mãi, hoặc chi tiền ngân sách nuôi nó hoặc “thả lỏng, khoán trắng” để nó tự chủ hoặc tổ chức đấu thầu cho tư nhân thuê ? Theo tôi thì có lẽ mọi thứ cần cân nhắc và quyết định sớm. Từ cung cách quản lý lâu nay rất kém chuyên nghiệp của nhà nước, nặng về tư duy bao cấp nên họ đã để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, âu cũng là điều dễ hiểu.

Mặt sân Mỹ Đình đã được sửa chữa

Đ.Huy

Kể từ khi phục vụ SEA Games năm 2003, sân vận động quốc gia Mỹ Đình chưa được sửa chữa, chỉnh trang toàn diện lần nào. Nếu tính từ năm khánh thành (2003) với kinh phí xây dựng là 53 triệu USD, rồi sửa chữa một lần mặt sân vào năm 2010 thì đã hơn mười năm nay, mặt cỏ của sân này chưa hề được tu bổ thì đúng là rất không ổn. Do vừa rồi chúng ta chuẩn bị đăng cai tổ chức SEA Games 31 nên Khu Liên hợp thể thao này đã được đầu tư 150 tỉ đồng phục vụ tu bổ, chỉnh trang sân.Tiếc rằng, do dịch giã kéo dài liên miên, giải phải hoãn đến sang năm. Vì thế nên đã ảnh hưởng đến tiến độ nhất định. Tất nhiên, trong tổng kinh phí trên, chúng ta cũng chưa hẳn chú trọng tu bổ mặt sân mà chủ yếu sửa chữa những chỗ lún, sụt, nứt, bong tróc, mốc meo, đường chạy và khu vệ sinh …

Về mặt lâu dài, nếu một khi nhà nước không trực tiếp quản lý sân vận động quốc gia thì có vấn đề gì không? Tôi cho rằng cũng không sao hết. Chúng ta nên cho tư nhân hoá là tốt nhất. Nhà nước có thể hoặc cho đấu thầu thuê dài hạn, hoặc bán hẳn cho tư nhân để họ khai thác kèm theo các quyền hạn nhất định đủ để họ có lời xét về bài toán kinh tế. Khi nào dùng cho thì đấu, nhà nước sẽ thuê lại với những cam kết rõ ràng, chi tiết để tránh chuyện bị chính tư nhân ép ngược giá. Như vậy, bộ máy quản lý nhà nước không phát sinh nhân sự cồng kềnh mà ngân sách thì không phải bù thêm. Nhà nước sẽ đánh thuế rõ ràng từng khoản theo các hạng mục, không cứng nhắc vì có những thứ, dù cho là ai kinh doanh cũng khó có thể có lãi như lĩnh vực sân thi đấu thể thao...

Sân vận động quốc gia Singapore luôn đông khán giả do được quản lý và sử dụng tốt với công nghệ tổ chức tiên tiến

FAS

Những thứ có thể sinh lời chính là những nhà hàng, cửa hàng bán đồ lưu niệm, siêu thị. khu vui chơi giải trí nếu có kiểu như ta từng thấy là tổ hợp sân vận động quốc gia Singapore mà họ xây dựng và tổ chức khai thác rất hiệu quả, trở thành một điểm tham quan thú vị. Người Singapore như ta biết, họ vốn ưa chuộng về tính hiệu quả nên rất thực tế. Họ luôn đặt mục đích thương mại lên vị trí hàng đầu, nhất là đất đai của họ còn quý hơn vàng. Với kinh phí đầu tư “khủng” nên họ đã biến tổ hợp thể thao National của họ như một viên ngọc đính trên vương miện. Nơi đây có cả một quần thể thể thao dưới nước mang tầm cỡ thế giới, đủ sức chứa cho những giải đấu lớn nhất hành tinh. Họ xây dựng tại đây một nhà Bảo tàng Thể thao Quốc gia, Thư viện Thể thao Quốc gia, rồi hệ thống siêu thị cũng rất lớn với chuỗi mua sắm mang tên Kallang Wave nổi tiếng. Vì vậy mà nó đã trở thành nơi thu hút được mọi sự chú ý của du khách mỗi khi đến Quốc đảo này. Nên nhớ, cho dù Singapore làm theo kiểu gì thì chúng ta cũng nên học hỏi họ vì trình độ vận hành rất khoa học, công tâm của người Sing rất đáng nể. Họ luôn có giải pháp đúng đắn để tư nhân đầu tư vào thì mới hy vọng nhà nước thu được thuế mà không cần bỏ vốn.

Tổ hợp Kallang Wave đặt trong khu liên hợp thể thao và sân vận động quốc gia Singapore

FAS

Tôi được biết, hiện có những doanh nghiệp tư nhân cũng đã tính chuyện bỏ tiền mua sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội để mở rộng lớn hơn và có thể kinh doanh được .Có doanh nghiệp khác thì đã xây dựng hẳn một đề án lớn, muốn đầu tư mới hoàn toàn một tổ hợp thể thao quốc gia ở ngoại ô. Tất cả đều là những cách có thể kiếm ra tiền theo hướng lấy thu bù chi mà nếu nhà nước làm thì chắc chắn chỉ chuốc thêm lỗ. Doanh nghiệp tư nhân khác doanh nghiệp Nhà nước chính là chỗ này. Vì lẽ đó, đã đến lúc cần có một cách nhìn khác bằng một tư duy khác với việc quản lý và khai thác sân Mỹ Đình. Cái gì doanh nghiệp tư nhân làm được thì nên tạo điều kiện tốt nhất để phát huy mà nhà nước không cần phải tham gia. Ngoài kinh phí phải bỏ ra, chúng ta còn phải nuôi một bộ máy nhân viên cồng kềnh, nặng gánh không cần thiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.