Sáng 10.11, đoàn công tác do ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, dẫn đoàn có buổi làm việc về các gói hỗ trợ Covid-19 tại UBND Q.Bình Tân.
Gần nửa triệu người ở Bình Chánh đang chờ gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3 |
Tỷ lệ phản ánh gói hỗ trợ của Q.Bình Tân đứng đầu TP.HCM
Tại buổi làm việc, đại diện Sở TT-TT TP.HCM cho hay, thống kê qua Tổng đài 1022 từ ngày 11.7 - 31.10, Q.Bình Tân có tổng số lượng tin phản ánh thống kê hơn 127.400 tin, trong đó, phản ánh về các chính sách hỗ trợ trên địa bàn là hơn 114.000 tin.
Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, chia sẻ khó khăn của địa phương tại buổi kiểm tra các gói hỗ trợ Covid-19 |
khánh trần |
"Q.Bình Tân là quận đứng đầu TP.HCM về tỷ lệ phản ánh của người dân trên Tổng đài 1022, và đặc biệt, tỷ lệ phản ánh đi phản ánh lại nhiều lần cao, có trường hợp một người phản ánh 12 lần với một nội dung là yêu cầu hỗ trợ về chính sách. Đặc thù của Q.Bình Tân là những gì liên quan đến hỗ trợ chính sách thì sẽ chuyển thông tin cho Phòng LĐ-TB-XH của quận xử lý, nhưng chỉ trả lời với một nội dung duy nhất, đó là “Theo thông tin phản ánh hiện nay UBND phường đã thẩm định các trường hợp có hoàn cảnh thực sự khó khăn và đang cấp phát. Trường hợp người lao động đang làm việc tại công ty, sẽ do doanh nghiệp lao động trợ cấp”. Câu trả lời này, cùng một nội dung dùng cho tất cả các lần", đại diện Sở TT-TT TP.HCM nói.
"Khi thông tin được phản hồi lại cho người dân bằng các SMS (tin nhắn), người dân sẽ biết được nội dung đó phản ánh đã 1 lần, 10 lần rồi cũng như vậy, thì rõ ràng, không thể nào tạo ra sự đồng thuận, an dân được", đại diện Sở TT-TT TP.HCM nói thêm.
Đại diện Sở TT-TT TP.HCM cũng cho biết, Tổng đài 1022 cũng là nơi tiếp nhận nhiều phản ánh về việc người dân tụ tập đông người, khiếu nại tại địa phương nhiều nhất.
"Đến giờ này, vấn đề trả lời người dân ở Q.Bình Tân vẫn chưa thỏa đáng thì người dân sẽ khiếu nại, khiếu kiện và gọi lên 1022 nhiều lần nữa”, đại diện Sở TT-TT nói.
Nhiều tổng đài viên Cổng 1022 sang chấn tâm lý
Đại diện Sở TT-TT TP.HCM cho hay: "Chúng tôi cũng chia sẻ, trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, Tổng đài 1022 chỉ có 24 tổng đài viên, nhưng vào thời gian cao điểm phải huy động hơn 1.200 tổng đài viên, tình nguyện viên để ghi nhận và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Bản thân tôi là người điều phối, chưa có lúc nào ngủ trước 3 giờ sáng, vào thời gian cao điểm trung bình mỗi ngày có 50.000 - 60.000 cuộc gọi, cao điểm nhất là 110.000 cuộc gọi/ngày. Trong khi đó, người dân phản ánh lúc nào cũng với thái độ bức xúc. Nhiều tổng đài viên bị sang chấn tâm lý, bản thân tôi cũng đang phải điều trị sang chấn tâm lý vì Covid-19, đến giờ này tôi chưa mở được chuông điện thoại vì mỗi lần nghe điện thoại cảm giác rùng mình, lúc nào cũng hỗ trợ F0, cấp cứu F0, hỗ trợ mai táng".
Đại diện Sở TT-TT đề nghị địa phương cần cố gắng phản hồi cho người dân đúng trọng tâm, trọng điểm chứ không trả lời theo mẫu nhất định.
"Biết rằng thời gian vừa qua địa phương có quá nhiều việc cần xử lý, lượng tin phản ảnh gửi về quá nhiều nên xử lý không kịp, nhưng thời gian này khi mọi thứ đã lắng xuống thì nên trả lời dứt điểm để dân an lòng. Bây giờ nhiều cuộc gọi đến Tổng đài 1022, người dân chỉ có chửi mắng thôi, họ hỏi tại sao đề nghị liên hệ với địa phương mà địa phương phản hồi lại như vậy. Rất mong các anh chị trong thời gian tới, phối hợp với 1022 để giải quyết phản ánh tốt hơn", đại diện Sở TT-TT TP.HCM chia sẻ.
Ngày 10.11: Cả nước 7.930 ca Covid-19, 1.254 ca khỏi | TP.HCM 1.414 ca |
Đã có nhiều mất mát, hy sinh khi chống dịch tại Q.Bình Tân
Cũng tại buổi kiểm tra, bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cho biết, đến thời điểm hiện tại, Q.Bình Tân có hơn 72.000 trường hợp bị nhiễm Covid-19, số lượng cán bộ, công chức ở quận, phường và lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch đảm đương nhiệm vụ lớn.
"8/10 phường là có các đồng chí Chủ tịch hay Phó chủ tịch là F0. Chưa kể, thời gian qua, có một số Chủ tịch, Phó chủ tịch, Trưởng khu khu phố, Tổ trưởng, Tổ dân phố cũng nghỉ việc. Ở tuyến đầu, có 8 đồng chí đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Đối với việc chi hỗ trợ đợt 3, địa phương rất áp lực. Người dân chưa hiểu chính sách, cứ nghĩ ai cũng được nhận gói này, có thời điểm họ kéo đến trụ sở, gây áp lực lớn cho phường. Trong quá trình thống kê có lúc gặp khó khăn do lực lượng mỏng trong giai đoạn phong tỏa dịch bệnh, giãn cách xã hội...", bà Dung nói.
Lãnh đạo UBND Q.Bình Tân cũng cho biết, số lượng phản ánh khá lớn, có những lúc cán bộ trả lời chưa thỏa đáng. "Chúng tôi sẽ tiếp thu, rút kinh nghiệm việc này, đề nghị phòng lao động của các phường chấn chỉnh ngay, cần giải quyết cụ thể đơn thư, nội dung phản ánh của người dân.
Theo báo cáo của UBND Q.Bình Tân, tổng số nhân khẩu thực tế cư trú (thường trú, tạm trú, cư trú) trên địa bàn theo số liệu từ UBND của 10 phường báo cáo về đã "vượt mốc" 1 triệu người (1.016.975 triệu người), đứng thứ hai TP.HCM.
Thực hiện gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3, địa phương đã hỗ trợ 376.629/789.783 người (đạt tỷ lệ hơn 47%), tuy nhiên đến nay vẫn còn hơn 413.000 người chưa được nhận. Q.Bình Tân kiến nghị TP.HCM sớm phân bổ kinh phí ngân sách để hỗ trợ kịp thời cho dân.
Bình luận (0)