Nói chính xác hơn, tôi từ một vùng quê nghèo khó của tỉnh Quảng Ngãi vào Sài Gòn học tập và lập nghiệp hơn 20 năm qua. Do vậy, Sài Gòn giờ đây đối với tôi không chỉ có một tình yêu thương đong đầy mà tôi xem Sài Gòn còn là quê hương thứ 2 của mình.
Thú thật, xa Sài Gòn độ chừng đôi ba ngày (trong những chuyến công tác hay những lần về thăm quê…) trong lòng tôi lại rạo rực và dâng lên nỗi nhớ Sài Gòn đến da diết. Tôi nhớ nhịp sống vội vã, ồn ào của người Sài Gòn, nhớ từng góc phố, con đường của Sài Gòn lúc nào cũng đông đúc, tấp nập. Tôi nhớ tính hào sảng và tấm lòng rộng lượng của người Sài Gòn, nhớ đến những quán cơm bình dân trên từng con đường, hẻm phố mà tôi đã từng ghé đến và đặc biệt tôi nhớ da diết hương vị “đặc biệt” của những đĩa cơm bình dân thời sinh viên…xa lắc ở tận làng đại học.
|
Năm 1997, tôi- một cậu học trò nhà nghèo từ miền trung xa xôi- vào Sài Gòn trọ học. Sinh viên học ngành luật hồi đó chúng tôi bắt buộc phải học một năm rưỡi giai đoạn văn hóa đại cương tại trường Đại học Đại cương thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức, sau đó mới thi chuyển giai đoạn sang học chuyên ngành.
Tôi thuê nhà trọ ở chung với các bạn sinh viên học các chuyên ngành khác ở gần trường, phía trước nhà trọ nơi tôi thuê là một quán cơm bình dân bán cho sinh viên. Một đĩa cơm bình dân thời đó giá chỉ tầm vào khoảng 2.500 đồng đến 3.000 đồng là sinh viên bọn chúng tôi đã có một đĩa cơm ăn no nê.
Cô tên Thu, người chủ quán bán cơm bình dân trước dãy nhà trọ sinh viên tụi tôi học có tấm lòng nhân ái và tốt bụng đối với nhiều sinh viên trọ học còn nhiều nghèo khó.
Bước chân vào quán, tôi gọi đĩa cơm sườn nướng. Cô cùng con trai đang nướng sườn, mùi sườn thơm phức. Cô chưa vội bán. Cô nhìn tôi rồi hỏi: “Có phải con thuê trọ phía sau quán cơm của cô không?”. Tôi đáp “Dạ đúng cô ạ”. Cô tiếp: “Cô nhìn con xanh quá, ốm yếu quá, cố gắng ăn uống nhiều vào mà học nghe con. Đừng có tiết kiệm quá mức mà ảnh hưởng đến sức khỏe và chuyện học hành”, cô dặn dò…Tôi vẫn còn nhớ như in, đĩa cơm sườn nướng của tôi trưa hôm đó cô còn cho thêm một cây lạp xưởng và nhiều rau xanh mà giá không đổi!
|
Khi biết hoàn cảnh của tôi cũng như những bạn sinh viên thuê cùng phòng trọ còn nhiều khó khăn, từ quê xa xôi vào trọ học, những đĩa cơm hay những tô bún bò cô bán thường đủ đầy hơn với thịt cá, rau xanh. Cô bảo cơm thêm, canh thêm cứ ăn thỏai mái, cô không lấy thêm tiền như những quán khác đâu mà lo. Có đứa thiếu tiền cơm nhiều tháng liền nhưng cô trấn an và bảo khi nào bố mẹ ở quê gửi tiền trả cho cô, đừng lo bởi cô coi sinh viên trọ học như con cháu của mình.
Có dịp trò chuyện, tôi biết hoàn cảnh của cô cũng không lấy gì làm khá giả. Nhà cô ở đường Trần Văn Đang, quận 3, gần sát đường rày xe lửa. Do hoàn cảnh khó khăn, kinh doanh, buôn bán thua lỗ nên cô tìm xuống tận Thủ Đức để thuê mặt bằng mở tiệm bán cơm cho sinh viên.
Cuối năm 1998, tôi thi chuyển giai đoạn và chuyển sang học giai đoạn chuyên ngành ở địa điểm khác. Buổi tối chia tay, cô đãi chúng tôi những món ăn cùng một nồi chè đậu xanh. Cô dặn tôi lên giai đoạn chuyên ngành cố gắng học hành cho thành đạt, có dịp xuống Thủ Đức nhớ ghé thăm cô. Giữa năm 1999 tôi ghé trường để lấy chứng chỉ thể dục, ghé thăm cô, nhìn thấy tôi cô xúc động vui mừng, cô bảo “Nhìn con khỏe và mập hơn trước cô mừng lắm”, cô lại dặn dò đủ điều. Năm 2000, trong một lần trở lại trường và ghé quán thăm cô nhưng cô đã trả mặt bằng và chuyển đi đâu không rõ…
Tôi tốt nghiệp ra trường từ năm 2002 và đi làm. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn “trung thành” và thường xuyên ghé vào những quán cơm bình dân mỗi ngày. Những người chủ quán cơm bình dân vẫn vui vẻ, vẫn tốt bụng.
Cảm ơn Thanh Niên, tờ báo mà tôi vô cùng yêu thích đã có một cuộc thi thật sự thú vị, nhiều ý nghĩa và đong đầy cảm xúc về một TP tôi yêu. Qua những dòng cảm xúc, tôi mong ước mình có thể gặp lại cô Thu, một người phụ nữ bán cơm bình dân cho sinh viên chúng tôi thời ấy để tôi có thể bày tỏ tấm chân tình của mình. Đặc biệt, để tôi có thể nói với cô là chúng tôi đã trưởng thành, đã thành đạt một phần nhờ những lời khuyên, sự sẻ chia không so đo, tính toán của cô cũng như nhớ những đĩa cơm bình dân đủ đầy mà cô đã dành cho sinh viên chúng tôi hồi đó
|
Bình luận (0)