>> Chạy đua quân sự tranh giành Bắc cực
|
Theo Reuters kế hoạch là một phần của nỗ lực nhằm biến bờ biển phía bắc của Nga thành một tuyến đường hàng hải toàn cầu và bảo vệ các tài nguyên năng lượng dồi dào tại khu vực.
Nga đã phái 10 tàu chiến theo chân 4 tàu phá băng đến căn cứ ở quần đảo Novosibirsk sau hai thập niên đóng cửa căn cứ này.
Sự thay đổi chiến lược nhằm mục tiêu mang lại cho Nga ưu thế ở các tuyến đường biển mới được khai mở nhờ băng tan, cũng như thế thượng phong trong các tranh chấp lãnh thổ.
Trung tâm trong màn thị uy của Nga là tàu tuần dương Peter Đại đế, soái hạm của Hạm đội phương Bắc. Chiếc tàu dài 251 mét với hơn 800 thủy thủ đã dẫn đầu đoàn tàu rời khỏi cảng Severomorsk, băng qua vùng biển từng bị phong tỏa bởi các tảng băng và hướng đến đảo Kotelny thuộc quần đảo Novosibirsk.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga, đại tướng Arkady Bakhin, tuyên bố hải quân Nga đã “trở lại đó mãi mãi”.
Đô đốc Viktor Chirkov, Tư lệnh hải quân Nga, nói Nga sẽ duy trì “sự hiện diện thường trực” tại Bắc Cực “để bảo vệ quyền tiếp cận hợp pháp của đất nước với các tài nguyên và không gian tại khu vực này”.
Vào thời Liên Xô, Bắc Cực đóng vai trò quan trọng về chiến lược với Moscow bởi đây là khu vực nơi lãnh thổ của hai siêu cường Mỹ và Liên Xô ở gần nhau nhất.
Ngày nay, nhờ vào biến đổi khí hậu và tiềm năng tài nguyên, đa phần ở các vùng biển tranh chấp, Bắc Cực một lần nữa trở thành ưu tiên của Nga.
Vào năm 2011, ông Putin đã tuyên bố hành lang đông bắc bên trên Siberia, mà Nga gọi là tuyến đường biển phía bắc, sẽ sớm trở thành đối thủ của kênh Suez như là tuyến đường hàng hải nối châu Âu và châu Á.
Hôm 16.9, ông Putin tuyên bố việc mở lại căn cứ ở quần đảo Novosibirsk đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch của Nga với khu vực.
Theo tờ The Times, Nga đang tái thiết một căn cứ không quân thời Liên Xô ở đảo Kotelny.
Hải quân Nga đã dựng một khu trại dã chiến trên đảo Kotelny, cùng một cơ sở y tế và hệ thống liên lạc vệ tinh, trong lúc khôi phục lại hoạt động của đường băng.
Căn cứ dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng tới và có khả năng tiếp nhận các máy bay chở hàng hạng nặng.
Sơn Duân
>> Trung Quốc tranh phần tại Bắc Cực
>> Nga di dời khẩn cấp trạm nghiên cứu Bắc Cực
>> Bắc Cực sắp có internet tốc độ cao
>> Súng ống đốt nóng Bắc cực
>> Tàu Trung Quốc hoàn thành chuyến đi ngang Bắc Cực
>> Nga đưa chiến đấu cơ đến Bắc cực
>> Nga triển khai phi đội MiG-31 đến căn cứ Bắc Cực
Bình luận (0)