144 vụ sai phạm xây dựng ở Q.Thủ Đức
Sáng 12.12, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường quản lý trật tự xây dựng dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2019 xảy ra 1.550 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng nhưng sau 5 tháng triển khai Chỉ thị 23 chỉ có 804 trường hợp vi phạm. Nếu so sánh với bình quân số vụ vi phạm của 6 tháng đầu năm 2019 là 8,5 vụ/ngày thì sau khi thực hiện chỉ thị đã giảm 3,1 vụ/ngày.
Trong số các quận huyện dẫn đầu về vi phạm trật tự xây dựng, Q.Thủ Đức đứng đầu danh sách với 144 vụ, tiếp theo là Q.9 có 111 vụ, Q.12 có 100 vụ, Q.2 có 59 vụ…
Trong tháng 10 và tháng 11.2019, Báo Thanh Niên có nhiều phải phản ánh về tình trạng xây dựng không phép xảy ra ở Q.Thủ Đức. Trong tháng 10, Báo Thanh Niên phản ánh trường hợp ông Lê Hữu Thành và người thân xây dựng không phép nhiều nhà xưởng có diện tích hàng nghìn mét vuông nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Vào thời điểm báo đăng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đang dự họp Quốc hội đã bay về TP.HCM để chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm.
Trong tháng 11, Báo Thanh Niên tiếp tục có bài phản ánh về tình trạng xây dựng không phép trên các khu đất quy hoạch xây dựng Đại học Quốc gia TP.HCM.
|
Chế tài chưa đủ mạnh
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị số 23, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự xây dựng của người dân tăng, số vụ vi phạm giảm.
Tuy nhiên, đề án thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện chưa được phê duyệt nên còn nhiều khó khăn về nhân sự và chỉ đạo điều hành. Để khắc phục nội dung này, Sở Xây dựng và các quận, huyện đã ký kế hoạch liên tịch tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng để tăng cường lực lượng hỗ trợ cho địa phương.
Ông Bình cho rằng việc thực hiện dứt điểm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn chậm do việc tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế còn nhiều vướng mắc. Ngoài ra, quy định hiện hành không cho phép áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng đã gây khó khăn trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính và yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công.
|
Kiến nghị cho xây dựng nhà tạm trên diện tích đất dưới 15 m2
Chủ tịch UBND Q.4 Trần Hoàng Quân cho biết quận không có đất nông nghiệp nên không có xây dựng trái phép, không phép hay phân lộ bán nền. Tuy nhiên, hơn 70% nhà ở Q.4 có diện tích dưới 21 m2 nên phần lớn vi phạm về xây dựng xảy ra ở nhóm này. Từ đầu năm 2019 đến nay có 13 vụ.
Ông Quân cho hay do mật độ dân cư thuộc dạng cao nhất thành phố, có phường lên tới 50.000 người/km2, nhu cầu diện tích ở rất lớn nhưng theo quy định nhà dưới 15 m2 không cấp phép dẫn đến người dân xây dựng sai phép.
“Điều này cũng khó khăn cho công tác giảm nghèo bền vững bởi chỉ tiêu nhà ở không thể đáp ứng. Ví dụ như gia đình có 10 nhân khẩu, diện tích nhà chỉ 15 m2 thì phải xây 4 tầng mới đủ”, ông Quân thông tin.
Đồng thời, Chủ tịch UBND Q.4 kiến nghị TP.HCM nghiên cứu cho phép một số quận huyện diện tích nhỏ có cơ chế về quản lý kiến trúc, xây dựng tạm nhà dưới 15 m2 để giải quyết được tình trạng người dân cố tình xây dựng không phép, sai phép.
Bình luận (0)