Cầu độc đạo “oằn mình” gánh phương tiện
Cứ khoảng 16 đến 17 giờ hằng ngày, anh Trần Duy Quân (phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) đều phải đánh vật khi điều khiển ô tô qua cầu Bãi Cháy. “Nhiều lần đi làm về tôi bị “chôn chân” trên cầu Bãi Cháy rất lâu, có lần phải chờ cả tiếng đồng hồ mới về đến nhà, dù quãng đường từ cơ quan về chỉ chưa đến 7 km. Nhưng nếu không đi qua cầu, chỉ còn nước đi đường vòng xa hàng chục cây”.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Duy (phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long) cũng cho biết cả hai mỗi sáng đều phải đi làm từ sớm, nếu không đến tầm 7 giờ 30 đi qua cầu Bãi Cháy sẽ gặp cả rừng xe đang ùn ứ, nhất là đoạn chân cầu phía Hòn Gai khu vực ngã tư Loong Toòng, ngã ba Cứu Hỏa (phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long), tình trạng ùn tắc xảy ra gần như cả ngày.
“Vào mùa mưa bão có gió cấp 6, cơ quan chức năng ra lệnh cấm cầu Bãi Cháy, lúc đó tôi phải đi vòng xa hơn 30 km mới về đến nhà, hoặc phải thuê ô tô tải chở xe máy qua cầu với giá cao”, anh Duy cho biết.
Theo Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, cầu Bãi Cháy đang bị quá tải do mật độ phương tiện lớn, khi trung bình mỗi ngày có khoảng 40.000 lượt xe ô tô các loại và 30.000 lượt xe máy lưu thông. Chỉ cần xảy ra va chạm nhỏ là ùn ứ hàng cây số. Đáng chú ý, tình trạng xe máy và xe ô tô giành làn của nhau thường xuyên xảy ra, chưa kể 2 chiều cầu Bãi Cháy có độ dốc lớn, tiềm ẩn tai nạn giao thông cao.
Chính vì vậy, cầu Bãi Cháy từ nhiều năm nay là điểm đen về an toàn giao thông của Quảng Ninh mà vẫn chưa thể được xóa bỏ. Chỉ riêng năm 2019, có tới 40% tổng số vụ tai nạn giao thông trên toàn tỉnh Quảng Ninh xảy ra khu vực cầu này.
Sẽ xây thêm đường hầm xuyên biển
Theo ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, những bất cập hiện nay trong hoạt động lưu thông qua cầu Bãi Cháy đã thấy rất rõ. Để giảm tải cho cầu này, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh đã lên phương án tách làn xe. Theo đó, 2 làn chính giữa cầu chỉ dành riêng cho ô tô, còn lại làn hỗn hợp xe máy sẽ lưu thông cùng xe thô sơ khác.
“Việc tách làn trên cầu Bãi Cháy là biện pháp cần thiết hiện nay, sẽ giải quyết được tình trạng xe máy chen ngang, chở hàng cồng kềnh, luồn lách với xe ô tô rất nguy hiểm”, ông Khánh nói. Thế nhưng, phương án tách làn cầu Bãi Cháy hiện đang chậm tiến độ do gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, hai bên làn xe thô sơ của cầu Bãi Cháy và đường dẫn có rãnh dọc không được che đậy, dài hơn 3 km. Ngoài ra, hệ thống dải phân cách giữa làn hỗn hợp và xe thô sơ có những cạnh tôn sắc nhọn chìa ra, gây nguy hiểm cho người và phương tiện khi xảy ra va chạm.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Ninh, cho biết trong tháng 3 tới, tại làn thô sơ, cơ quan chức năng sẽ xây rãnh thoát nước mới, lắp đặt tấm đậy bằng bê tông cốt thép; đồng thời tháo bỏ toàn bộ hộ lan bằng tôn thay thế bằng dải gờ chắn bằng bê tông.
Tuy nhiên, để giải tỏa áp lực giao thông và tạo thêm công trình điểm nhấn cho thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã lên phương án xây hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục và đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh đến năm 2020. Đáng chú ý, địa phương này cũng xếp hạng đây là công trình thuộc diện ưu tiên đặc biệt để thực hiện.
Ông Vũ Văn Hợp, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục sẽ phá thế độc đạo của cầu Bãi Cháy, đảm bảo an toàn giao thông khi mưa bão; đồng thời, nối thông 2 tuyến đường trục chính lớn của thành phố Hạ Long như là tuyến đường 10 làn xe Bãi Cháy và đường Lê Thánh Tông.
Cũng theo ông Hợp, để có nguồn vốn cho công trình trên, mỗi năm Quảng Ninh phải cân đối từ nguồn ngân sách tỉnh khoảng 2.000 tỉ đồng để làm hầm. Dự kiến công trình sẽ được khởi công vào đầu năm 2020.
Theo dự kiến, hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục có tổng vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng, quy mô 6 làn xe. Trong đó, chiều dài toàn tuyến khoảng 2.750 m, riêng phần hầm dài khoảng 2.140 m. Hầm nằm dưới đáy sông, cách mặt nước không quá 17 m. Tốc độ xe lưu thông trong hầm có thể đạt 60 km/giờ. Hầm có thể chịu được động đất 6 độ Richter.
|
Bình luận (0)